Hiệu quả từ công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với thực tiễn của từng địa phương đã góp phần nâng cao chất lượng lao động, tạo cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân đang được tỉnh Tuyên Quang chú trọng thực hiện. Trong quá trình đào tạo nghề, người lao động được trang bị kiến thức về sản xuất các ngành nghề, kiến thức về khoa học - công nghệ, thị trường, hội nhập... Đó là những tri thức quan trọng giúp người nông dân từng bước cải tiến phương thức sản xuất theo hướng tiên tiến, hiện đại. Năm 2022, Tuyên Quang phấn đấu sẽ tạo việc làm mới cho 21.500 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%.

Trong thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm lưu động cũng như trực tuyến nhằm kết nối cung cầu lao động trên địa bàn, liên thông giữa các vùng, miền tạo điều kiện cân bằng, ổn định thị trường lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp. Các phiên giao dịch việc làm tại các huyện, thành phố đã thu hút đông đảo doanh nghiệp và người lao động tham gia. Nhiều lao động qua buổi tư vấn, giới thiệu việc làm đã được tuyển chọn và có mức thu nhập ổn định.

Không chỉ tổ chức các phiên giao dịch việc làm tập trung, tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh còn diễn ra các phiên giao dịch việc làm online. Thời gian qua, đã tổ chức phiên giao dịch việc làm online kết nối 8 tỉnh, thành phố phía Bắc gồm: Hà Nội, Hải Dương, Hòa Bình, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên và Tuyên Quang. Có hơn 120 lao động phổ thông, lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia và có 15 lao động trên địa bàn tỉnh đã đăng ký đi làm việc tại các doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp khu vực phía Bắc.

Cùng với đó, Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang cũng đã đẩy mạnh liên kết, đa dạng hóa hình thức đào tạo nghề. Năm học 2021 -2022, nhà trường đã tuyển sinh gần 800 học sinh, sinh viên  trình độ, Cao đẳng và Trung cấp với các ngành nghề như: công nghệ ô tô, điện công nghiệp, hàn, vận hành máy thi công nền, kế toán doah nghiệp, chăn nuôi thú y, công nghệ kỹ thuật cơ khí và đào tạo một số ngành nghề theo nhu cầu. Qua đó, giúp cho học viên tiếp cận kỹ năng nghề nghiệp, gắn với điều kiện thực tế, góp phần giải quyết việc làm lao động cho lao động địa phương.

Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức Hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm chohọc sinh, sinh viên nhà trường

Với chủ trương đồng hành, hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp, Tỉnh Đoàn Tuyên Quang đã đẩy mạnh phong trào hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, làm giàu chính đáng. Nhận thức được vai trò đồng hành cùng thanh niên, tỉnh Đoàn đã triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ hướng nghiệp, dạy nghề, giới thiệu việc làm; hoạt động hỗ trợ thanh niên tham gia phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới… Các cấp đoàn đã tập trung hỗ trợ đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp trên nhiều lĩnh vực, như: Hỗ trợ thông tin, kiến thức, kỹ năng cho thanh niên khởi nghiệp; xây dựng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong thanh niên, sinh viên; hỗ trợ thanh niên ứng dụng phần mềm phát triển thị trường; hỗ trợ thanh niên nông thôn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp… Nhờ phong trào khởi nghiệp, nhiều thanh niên đã mạnh dạn phát triển kinh tế.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn không chỉ được cấp tỉnh triển khai thực. Tại các huyện, thành phố, việc tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn được triển khai tích cực và mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần giảm hộ nghèo trên địa bàn. Thời gian qua, huyện Lâm Bình đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khảo sát, xây dựng chương trình đào tạo nghề theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, gắn với thực hiện tiêu chí số 12 về Lao động theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động được lựa chọn học những nghề phù hợp với nhu cầu.

Để công tác đào tạo nghề đạt kết quả, hàng năm Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình đã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn, Ủy ban nhân dân các xã rà soát nhu cầu học nghề của lao động trên địa bàn. Từ đó, xây dựng kế hoạch điều chỉnh, bổ sung ngành, nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Đồng thời tập trung vào hai lĩnh vực nghề: nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm; hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm…) và phi nông nghiệp (điện, gò hàn). Đặc biệt, để du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, bên cạnh phát triển hạ tầng, sản phẩm, dịch vụ du lịch, những năm qua huyện Lâm Bình luôn chú trọng đào tạo nghề, nâng cao chất lượng phục vụ du lịch, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách trong và ngoài tỉnh.

Cùng với Lâm Bình, thời gian qua huyện Hàm Yên đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật, dạy nghề cho lao động nông thôn. Theo kế hoạch năm 2022, huyện Hàm Yên sẽ tạo việc làm cho trên 2.250 lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 21,42% xuống còn 16,77% cuối năm 2022, ít nhất 90% lao động phi nông nghiệp và 100% người học nghề nông nghiệp có việc làm hoặc làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn. Để đạt được mục tiêu đã đề ra, huyện Hàm Yên tập trung mở các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, đồng thời gắn đào tạo nghề với hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm cho lao động sau đào tạo.

Hiện nay để kịp thời tháo gỡ những khó khăn của thị trường lao động việc làm trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các cơ quan chức năng của tỉnh đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp kết nối, tư vấn, đào tạo nghề và hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Việc đào tạo nghề ở nhiều địa phương trong tỉnh được thực hiện theo phương châm “dạy nghề giữa lý thuyết và thực hành song song” nên đã giúp các học viên dễ hiểu, dễ áp dụng kiến thức vào thực tế, nhất là đối với lao động là người dân tộc thiểu số. Cùng với đó,nâng cao hơn chất lượng đào tạo nghề theo nhu cầu của học viên để tạo cơ hội cho người lao động sau khi học nghề có thể áp dụng ngay những kiến thức đã học để phát triển kinh tế gia đình, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh./.

Nguyễn Thị Thu Hương/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục