Điểm tựa của bản

Điểm tái định cư Khuổi Hỏi, xã Trung Hà (Chiêm Hóa) được ví như bàn tay nắm chặt. Ở đó, bà con đoàn kết, cùng nhau phát triển kinh tế, sống hòa nhập với đồng bào sở tại. Trong bàn tay ấy, già làng Lý Văn Sơn được ví như ngón tay cái, ôm trọn người dân bằng cái tâm, cái tình của người anh cả.

“Không có việc gì khó...”

Ngày mới rời đất Xuân Tân (Na Hang) về nhận đất tại Khuổi Hỏi, 18 hộ dân tái định cư không khỏi băn khoăn, lo lắng. Đường vào thôn lúc này chỉ là con đường nhỏ, đá hộc lổn nhổn, đi bộ còn khó chứ chưa nói đến đi xe đạp, xe máy. 

Thấy bà con băn khoăn, già làng Lý Văn Sơn dẫn lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày nào: “Không có việc gì khó. Chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển. Quyết chí ắt thành công!”. Ông phăm phăm đi trước, dựng nhà dựng cửa kiên cố rồi bắt tay tìm đường làm giàu. 

Già Sơn là đảng viên 23 năm tuổi Đảng. Ngày ở quê cũ, chính quyền xã phân công đảng viên phụ trách giúp đỡ hộ nghèo, mình ông hỗ trợ 5 hộ. Ông may mắn là có đàn trâu cả chục con, ông chia cho bà con nuôi dẽ. Hộ nào không có trâu cày kéo, ông cho mượn trâu. Hộ nào không có giống gieo trồng, ông cấp đủ lượng giống để gieo trồng. Hết vụ, có khi hết năm, bà con mới phải đem trâu, đem giống trả lại.

Ngày mới nhận đất, già làng Lý Văn Sơn và nhiều hộ dân không biết trồng cây gì ngoài cây sắn - thứ cây ngắn ngày gần gũi với bà con từ những ngày còn ở quê cũ. Sau 1 - 2 vụ, nhận thấy đất trồng sắn bị nghèo kiệt khá nhanh, già Sơn bắt đầu nghĩ đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. 

Cửa hàng tạp hóa của già làng Lý Văn Sơn là nơi lắng nghe những câu chuyện làm ăn của bà con trong thôn. 

Phó Chủ tịch UBND xã Seo Văn Sử lúc này được phân công sinh hoạt Đảng tại Khuổi Hỏi. Thấy già Sơn đau đáu với chuyện làm giàu, anh Sử tranh thủ những buổi sinh hoạt hướng dẫn bà con cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Những ngày rảnh rỗi, anh cùng già đến những hộ gia đình sở tại học cách chăm sóc cây cam, cây keo, chăn nuôi lợn gà theo hướng gia trại... Từ những chuyến đi này, già Sơn quyết định chuyển 2 ha trồng sắn sang trồng cam, 1,4 ha còn lại già trồng keo và tận dụng diện tích đất bên dưới chăn nuôi lợn đen. Già Sơn cũng mở một cửa hàng dịch vụ nhỏ tại nhà để vợ con có thêm đồng ra đồng vào. 

Giờ ở điểm tái định cư này, đã có 17 hộ trồng cam, 100% số hộ trồng rừng với hơn 20 ha. Nhiều người đã có thu nhập từ cây cam như nhà Lý Sành Sài trồng năm 500 gốc; nhà Bàn Giào Sinh trồng hơn 400 gốc; nhà Bàn Giào Quấy trồng hơn 400 gốc; nhà Lý Mạnh Thắng trồng hơn 500 gốc...  

Tận tụy ươm “hạt giống đỏ”

Già làng Lý Văn Sơn là người dân tộc Dao, ngày còn ở quê cũ, ông sống chung với cộng đồng người Tày nên tiếng Tày, tiếng Dao ông đều thành thạo. Giờ ở quê mới cũng vậy, “miệng nói tay làm”, Phó Chủ tịch UBND xã Seo Văn Sử ví von, già làng Lý Văn Sơn là “của hiếm” không chỉ Khuổi Hỏi, mà ở cả xã Trung Hà này. 

Ví von như vậy là bởi chẳng có việc chung nào của thôn mà ông đứng ngoài cuộc. Như câu chuyện lắp đặt kênh mương nội đồng theo Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh. Ông kể, nhiều người còn trẻ, nhưng còn ngại việc chung. Khi thôn ra quân vận động người dân vận chuyển cấu kiện bê tông ra đồng để lắp đặt, nhiều người là đàn ông, còn sức khỏe, chưa thử nhưng đã lo cấu kiện nặng, không khiêng nổi. Thấy vậy, già làng Lý Văn Sơn xung phong vào nhóm đầu tiên vận chuyển cấu kiện. Thấy ông làm, nhiều người trẻ vội bắt tay vào làm. Chỉ trong buổi sáng, toàn bộ cấu kiện để lắp đặt 180 m kênh mương đã được bà con chung tay vận chuyển, lắp đặt xong. Giờ Khuổi Hỏi đã lắp đặt được gần 700 m kênh mương nội đồng. 


Già làng Lý Văn Sơn (ngoài cùng bên phải) hướng dẫn người dân cách trồng, chăm sóc cam.

Rồi đến chuyện xây dựng nhà tắm, nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi. Ông bảo, sống ở đâu, vệ sinh môi trường cũng phải là vấn đề được ưu tiên hàng đầu, thế mà nhiều người không nghĩ được như thế đâu. Khi xã vận động bà con xây dựng 3 công trình vệ sinh, nhiều hộ “cứng đầu” lắm. Họ bảo nhà họ bao nhiêu đời sống như vậy, có thấy ai làm sao đâu. Trưởng thôn Lý Thị Nhữ, Bí thư chi bộ Lý Thị Nghè vận động kiểu gì cũng không được, phải nhờ đến ông. 

Người dân Khuổi Hỏi vốn mến khách, quý khách. Khách nào đến chơi gia chủ ở đây cũng đều muốn giữ khách ở lại đôi ba ngày. Ông đến từng nhà, rủ rỉ hỏi từng người, nếu nhà có khách đến chơi lâu ngày, mà chỗ nào cũng tạm bợ, nhà tắm không kín, nhà vệ sinh không sạch sẽ... thì có khách nào dám ở chơi lâu ngày không? Nghe ông hỏi, họ mới vỡ nhẽ. Phó Chủ tịch UBND xã Trung Hà Seo Văn Sử cười, chưa đầy 1 tuần, 20 hộ dân chưa xây dựng 3 công trình vệ sinh đã hoàn thành. Đây cũng là thôn hoàn thành nhanh nhất, công trình đạt chất lượng nhất ở xã Trung Hà. 

Tận tụy vì việc chung, già làng Lý Văn Sơn cũng hết mình với việc ươm “hạt giống đỏ” cho làng. Phó thôn Lý Mạnh Thắng, sinh năm 1990 không dấu được tự hào khi học được từ Lý Văn Sơn cái chí hướng, sự quyết tâm khi làm bất cứ việc gì. Thắng bảo, mình được kết nạp Đảng từ năm 2017, rồi được bầu làm phó thôn, công an viên của Khuổi Hỏi. Khi thanh niên trong thôn lần lượt “ly nông”, xin đi làm việc tại các khu công nghiệp, Thắng cũng sốt ruột, muốn thoát ly để đi cùng chúng bạn. Khi xin ý kiến già Sơn, già chỉ cười buồn bảo, đất ở Khuổi Hỏi không thiếu, mình cũng không lười lao động, tại sao không bám đất bám làng mà làm giàu, lại phải bôn ba đất khách quê người? 

Nghe lời già Sơn, Lý Mạnh Thắng ở quê, trồng 500 gốc cam, năm 2018, vườn cam của Thắng đã cho thu lứa quả đầu tiên, với hơn 60 tấn quả. Thắng bảo, năm nay chắc chắn vườn sẽ cho nhiều trái ngọt hơn. Vừa rồi, khi phong trào khởi nghiệp lan tỏa đến làng, Thắng cùng với 6 thanh niên của Trung Hà góp vốn, thành lập Hợp tác xã dịch vụ thanh niên Trung Hà. Hợp tác xã này vừa mở homestay để phục vụ khách du lịch đến tham quan thác Bản Ba, vừa kết nối, thu mua nông sản đặc sản cho bà con trong vùng; đồng thời, liên kết với các doanh nghiệp trồng, bao tiêu một số cây trồng phù hợp như ngô, khoai và rau củ... Thắng khoe, đầu tháng 11, đã có một doanh nghiệp đến ký hợp đồng bao tiêu ngô đông với hợp tác xã rồi. Già Sơn tự hào, thanh niên thời đại mới làm việc cũng khác thế hệ ông ngày trước, khi mọi thứ được họ xây dựng kế hoạch cụ thể, đảm bảo chặt chẽ từ đầu vào đến thị trường. 

“Của hiếm” ở Khuổi Hỏi giờ đã ở tuổi thất thập, mỗi bước chân ông đi, mỗi lời ông nói, mỗi việc ông làm luôn được bà con tin yêu, làm theo. Với những người dân nơi này, già Sơn như bóng cây nghiến, cây đinh vững chãi chở che bản làng.

Bài, ảnh: Trần Liên/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục