Sơn Dương: Chuyển từ “lượng” sang “chất” trong xây dựng nông thôn mới

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, huyện Sơn Dương đang tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) theo hướng chuyển từ “lượng” sang “chất”, bền vững, toàn diện và có chiều sâu.

Một tuyến giao thông xã Hào Phú

Đến hết năm 2021, huyện Sơn Dương có 11/30 xã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tiêu chí bình quân đạt 15,30 tiêu chí/xã. Kế hoạch năm 2022 huyện Sơn Dương có thêm 02 xã hoàn thành đạt chuẩn NTM (Hào Phú, Thượng Ấm), nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 13/30 xã đạt 43,3%, có thêm 02 xã hoàn thành đạt chuẩn NTM nâng cao (Ninh Lai, Hồng Lạc), 01 xã hoàn thành đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (Sơn Nam).

Trong bối cảnh khó khăn nguồn vốn đầu tư cho các xã về đích năm 2022 được phân bổ muộn, dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và huy động nguồn lực đầu tư, phát triển khu vực nông thôn, nhưng phong trào xây dựng NTM trên địa bàn huyện Sơn Dương vẫn tiếp tục giữ được “lửa” nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện, xã đến các thôn. Kế hoạch số 171/KH-UBND ngày 11/5/2021 về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn huyện Sơn Dương mới năm 2022; Văn bản số 938/UBND-NLN ngày 05/5/2022 về việc triển khai thực hiện Bộ tiêu chí NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025; Văn bản số 761/UBND-NLN ngày 15/4/2022 về việc đánh giá tình hình triển khai xây dựng nông thôn mới tại các xã đăng ký đạt chuẩn năm 2022 và rà soát, điều chỉnh kế hoạch xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 của Sơn Dương…đã hướng phong trào xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tiếp tục được đẩy mạnh ở khắp các xã, thôn và đạt được những kết quả tích cực. 

Theo báo cáo xã Hào Phú, một trong 02 xã mục tiêu hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2022 của huyện Sơn Dương cho thấy, mặc dù địa phương đã được Nhà nước quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, nhưng thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, hiện xã Hào Phú đạt 14/19 tiêu chí còn 05 tiêu chí chưa đạt (Giao thông; Trường học; Cơ sở vật chất văn hóa; Y tế; Môi trường và an toàn thực phẩm); xã Thượng Ấm đạt 14/19 tiêu chí còn 05 tiêu chí chưa đạt (Giao thông; Trường học; Cơ sở vật chất văn hóa; Y tế; Môi trường và an toàn thực phẩm). Xã Ninh Lai đăng ký hoàn thành xây dựng NTM nâng cao đến nay đã đạt 11/19 còn 08 tiêu chí chưa đạt (Giao thông; Giáo dục; Văn hóa; Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; Y tế; Môi trường; Chất lượng môi trường sống; Quốc phòng và An ninh); xã Hồng Lạc đã hoàn thành 13/19 tiêu chí còn 06 tiêu chí chưa đạt (Giao thông; Giáo dục; Văn hóa; Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, Môi trường, Chất lượng môi trường sống). Các tiêu chí chưa đạt phần nhiều liên quan đến cơ sở hạ tầng đây cũng chính là khó khăn chung của các xã khi xây dựng NTM… (04/05 xã bao gồm cả NTM nâng cao đều chưa đạt tiêu chí Giao thông, 04/05 xã chưa đạt tiêu chí trường học, giáo dục, 02/05 xã chưa đạt tiêu chí Cơ sở vật chất văn hóa)

Để đưa các xã trên về đích NTM năm 2022, Sơn Dương cần thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:  về Giao thông : xây dựng 51 km đường giao thông, trong đó: đường trục thôn, liên thôn 33 km; đường nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa 18 km; về Thủy lợi: xây dựng 36 km kênh mương bằng cấu kiện bê tông thành mỏng đúc sẵn; về Điện: xây dựng mới trạm biến áp 110 Kv Sơn Nam, xây dựng mới 9,95 km đường dây trung thế và 12 trạm biến áp trên địa bàn các xã Quyết Thắng, Vĩnh Lợi, Thượng Ấm, Cấp Tiến, Minh Thanh, thị trấn Sơn Dương, Tam Đa, Đông Lợi, Sơn Nam, Đại Phú, Ninh Lai; về Trường học: xây dựng 12 công trình trường học, phòng học các cấp (04 công trình trường Mầm non, mẫu giáo; 04 công trình trường Tiểu học; 04 trường Trung học cơ sở); Về Cơ sở vật chất văn hóa: xây dựng 01 sân thể thao và 01 công trình phòng chức năng nhà văn hóa xã Thượng Ấm; Về Nhà ở dân cư: sửa chữa, làm mới nhà cho 476 hộ nghèo; Về cơ sở vật chất y tế: xây dựng mới 02 trạm y tế tại các xã Thượng Ấm, Hào Phú; xây dựng 02 nghĩa trang tại các xã Thượng Ấm, Hào Phú; 439 công trình nhà tắm, 557 công trình nhà tiêu.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới  Lê Hải Nam cho biết: “Mục tiêu này không nhiều, nhưng năm 2022, do nguồn vốn trung ương, vốn sự nghiệp được phân bổ muộn, tình hình dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp đã trở thành rào cản cho sự tăng trưởng trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội của huyện. Để hoàn thành mục tiêu trên có thể nói thật sự là một thách thức.

Mặt khác, việc duy trì, giữ vững những tiêu chí nông thôn mới theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025 cũng là cả vấn đề đối với huyện, đặc biệt trong bối cảnh nguồn lực nội tại chưa đủ mạnh… Bởi lẽ, với các tiêu chí “tĩnh” như giao thông, thủy lợi, trường học.., theo thời gian và quá trình sử dụng sẽ xuống cấp nên cần có thêm nguồn kinh phí để duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Còn với các tiêu chí “động” như tỷ lệ hộ nghèo đã chiều, an ninh trật tự, môi trường… lại phụ thuộc không ít vào yếu tố khách quan cũng như ý thức của người dân, nếu không có giải pháp sát với thực tế thì khó duy trì, phát triển bền vững.

Phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng đời sống

Xác định đổi mới phương thức sản xuất là điều kiện nâng cao thu nhập và chất lượng đời sống người dân, trong thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện Sơn Dương chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, xem đây là “chìa khóa” xây dựng NTM bền vững và có chiều sâu.

Theo đó, trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện Sơn Dương tập trung thực hiện cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu thị trường. Trên cơ sở Quyết định số 358/QĐ-UBND ngày 08/6/2021 của UBND tỉnh Tuyên Quang “về việc phê duyệt Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản, hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết đảm bảo chất lượng, giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới  giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” huyện Sơn Dương đã triển khai thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với thị trường tiêu thụ, từng bước xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng; trong đó chú trọng phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của địa phương theo chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).

Theo ông Hoàng Văn Niên, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, thành công trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi bò, gồm bốn mô hình: mô hình chăn nuôi bò tập trung; mô hình chăn nuôi bò phân tán; mô hình trồng cỏ thâm canh và chế biến thức ăn xanh thô; mô hình chế biến thức ăn thô (ủ chua thức ăn cho bò), đã tạo điều kiện thuận lợi cho chăn nuôi bò, phát triển toàn diện theo hướng tập trung, khép kín, gắn với an toàn dịch bệnh và thân thiện với môi trường. Các loại hình tổ chức sản xuất được đổi mới phù hợp, hiệu quả; kinh tế hộ tiếp tục được hỗ trợ và tổ chức theo hướng quy mô lớn hơn, dần thích nghi với cơ chế thị trường. Đặc biệt, với 25 sản phẩm thế mạnh có khả năng tham gia chương trình OCOP, bước đầu huyện Sơn Dương đã xây dựng thành công các chuỗi liên kết giá trị nông sản, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đến nay, toàn huyện có 22 sản phẩm OCOP trong đó có 09 sản phẩm đạt 4 sao và 13 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển những sản phẩm đặc sản của địa phương.

Gắn đào tạo nghề cho lao động nông thôn với giảm nghèo bền vững

Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần giảm hộ nghèo trên địa bàn, thời gian qua, huyện Sơn Dương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khảo sát, xây dựng chương trình đào tạo nghề theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động được lựa chọn học những nghề phù hợp với nhu.  Đến hết năm 2021 đã tổ chức học nghề cho 2.860 lao động nông thôn, trong đó số lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo là 316 học viên, đạt tỉ lệ trên 10%. Các ngành nghề như: May công nghiệp, điện công nghiệp, điện lạnh, cơ khí hàn, sữa chữa máy nông nghiệp, công nghệ ô tô, chăn nuôi, trồng cây công nghiệp, được chú trọng đào tạo,  tỷ lệ học viên sau đào tạo có việc làm và thu nhập ổn định đạt trên 90%; nhiều học viên thuộc hộ nghèo đã thoát nghèo, vươn lên thành hộ có thu nhập ổn định, nhiều hộ có mô hình kinh tế phát triển khá ở địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Quan tâm thích đáng vấn đề môi trường nông thôn

Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Sơn Dương đã được các tổ chức đoàn thể huyện triển khai với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, hiệu quả. Qua đó, nâng cao ý thức của mỗi người dân và cộng đồng trong việc tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng môi trường sống xanh, sạch, đẹp và xây dựng đô thị văn minh. Huyện đã quy hoạch chi tiết xây dựng Nhà máy xử lý rác thải huyện tại thôn Phúc Lợi, xã Phúc Ứng và xây dựng các bãi xử lý rác thải tập trung tại 7 xã. Toàn huyện có 13 xã đạt tiêu chí về môi trường; có 41 công trình cấp nước sạch tập trung cho 4.293 hộ. Các xã, thị trấn đã xây dựng 334 mô hình tổ tự quản về bảo vệ môi trường, vệ sinh đường làng ngõ xóm với trên 3.500 thành viên; 400 khu dân cư ký cam kết bảo vệ môi trường; trên 90% người dân trên địa bàn huyện được sử dụng nguồn nước sạch...

Việc xây dựng NTM đang chuyển biến mạnh mẽ từ “lượng” sang “chất”. Do vậy, việc hoàn thiện các tiêu chí mới và giữ vững các tiêu chí đã đạt được trong quá trình xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với các xã thực hiện xây dựng NTM. Hiện nay, huyện đang triển khai thống kê, rà soát các tiêu chí NTM đạt và chưa đạt theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025 của từng xã để phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, thành viên trong Ban Chỉ đạo để hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện các giải pháp phù hợp nhằm duy trì và phát triển bền vững các tiêu chí, tiến tới xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu tại các xã đã đạt chuẩn NTM, trong đó chú trọng các tiêu chí về Lao động, Thu nhập, Nghèo đa chiều, Môi trường, sản phẩm OCOP; chủ động huy động và thực hiện lồng ghép các nguồn vốn trong điều kiện nguồn ngân sách để thực hiện các tiêu chí NTM theo đúng tiến độ; tập trung ưu tiên cho vốn phát triển sản xuất và hạ tầng phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân tin rằng huyện Sơn Dương sẽ hoàn thành đúng kế hoạch đề ra./.

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục