Phát huy vai trò của Hội Nông dân trong xây dựng nông thôn mới

Hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua, hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã và đang ra sức thực hiện các phần việc nhằm góp phần cùng chính quyền địa phương chung tay góp sức xây dựng nông thôn mới.

 

Hội nông dân xã Tràng đà ra quân thu gom rác thải

Trong những năm qua, Hội nông dân tỉnh Tuyên Quang đã thực sự phát huy được vai trò nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước với nhiều cải tiến, sáng tạo kỹ thuật, nội dung thi đua phong phú, rộng khắp ở các cấp Hội qua đó đã thu hút được đông đảo hội viên tham gia; trọng tâm là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; phong trào nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng an ninh, gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo vệ môi trường. Đồng thời đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; vận động hội viên làm đường bê tông nông thôn; xây dựng 3 công trình vệ sinh (nhà tắm, nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi); xây dựng hầm bể Biogas nhằm xử lý chất thải trong sinh hoạt và chăn nuôi, bảo vệ môi trường sinh thái, giải quyết nhu cầu chất đốt trong nông thôn.

Thực hiện phong trào "Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới", các cấp Hội tích cực tuyên truyền, vận động hội viên nông dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới. Tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân ủng hộ trên 4,6 tỷ đồng, đóng góp trên 27.800 công lao động sửa chữa 62 km kênh mương, 29 km đường giao thông; bê tông hoá 4 km đường giao thông, 1,5 km đường nội đồng, kiên cố hóa 1,7 km kênh mương, sửa chữa làm mới 10 nhà văn hóa thôn, 01 cầu giao thông liên thôn; vận động nhân dân hiến trên 14.800m2 đất, lắp đặt 70 cột đèn chiếu sáng tại các đường ở thôn, bản.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được các cấp Hội Nông dân quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện. Các cơ sở Hội tích cực tuyên truyền vận động hội viên, nông dân thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; phối hợp tổ chức các hoạt động năm du lịch, lễ hội văn hóa, thể thao truyền thống các dân tộc gắn với hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản của địa phương; không rải tiền, vàng mã trên đường đưa tang. Các cơ sở Hội tổ chức cho 100% hộ gia đình hội viên nông dân ký cam kết sản xuất, kinh doanh an toàn vệ sinh thực phẩm; tuyên truyền, vận động 107.000 hộ đăng ký xây dựng gia đình nông dân văn hóa.

 Để hỗ trợ cho hội viên, nông dân có vốn đầu tư sản xuất, Hội Nông dân tỉnh đã ký kết thỏa thuận với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thành lập 735 tổ liên kết với 17.171 thành viên vay vốn với tổng dư nợ 1.697,6 tỷ đồng. Tiếp tục nhận uỷ thác với Ngân hàng Chính sách Xã hội với tổng dư nợ 957,05 tỷ đồng cho 19.023 hộ vay tại 590 tổ tiết kiệm và vay vốn. Quản lý và sử dụng có hiệu quả 37.484,6 tỷ đồng vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân. Trong quá trình thực hiện các hội viên đã dần thay đổi tư duy chuyển từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất sản phẩm theo hướng hàng hóa. Trong đó, thành lập được các mô hình kinh tế tập thể, Hợp tác xã, tổ hợp tác đa dạng về ngành nghề như: Mô hình trồng cây dược liệu, nuôi ong, sản xuất chè theo theo tiêu chuẩn VietGap, HTX du lịch cộng đồng và dịch vụ tổng hợp, HTX dịch vụ nông nghiệp xây dựng kinh doanh... đặc biệt đã xuất hiện một số mô hình sản xuất theo mô hình Việt GAP hướng tới mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ...Nhiều sản phẩm nông nghiệp đã có mã QR CORD và được chứng nhận sản phẩm nông nghiệp 3 sao, 4 sao. Bên cạnh đó, các hội viên còn chủ động quảng bá sản phẩm thông qua việc tham gia các gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp tại các siêu thị, Hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh và trên các sàn giao dịch điện tử.

Hội Nông dân tỉnh trực tiếp quản lý 1.891 hộ nghèo và hộ chính sách vay, mua 1.891 con bò, cho 1.269 hộ vay luân chuyển 1.269 con bò, nâng số hộ được hưởng lợi lên 3.160 hộ, góp phần tích cực trong việc xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, giảm nghèo bền vững.

Để hỗ trợ việc làm cho nông dân, Trung tâm dạy nghề đã trực tiếp tổ chức 57 lớp dạy nghề cho 2005 lao động nông thôn, 50 buổi tuyên truyền, tư vấn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng cho 2.165 lượt người; phối hợp tổ chức đào tạo cho 93 người làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Tổ chức cung ứng cho vay 1.113 tấn phân bón trả chậm, 500 gói chế phẩm Sumitri, Men PADCO cho hội viên nông dân; phối hợp tổ chức 40 buổi tuyên truyền hướng dẫn sử dụng phân bón và chế phẩm cho trên 2.000 lượt hội viên nông dân; tổ chức 540 hội nghị tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho trên 31.800 lượt người.

Nhằm hỗ trợ hội viên nông dân tại các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới, trong năm 2023, Hội Nông dân tỉnh thành lập các tổ công tác, vận động, hướng dẫn các hội viên, nông dân tích cực tham gia vay vốn phát triển sản xuất, chỉnh trang nhà cửa, vệ sinh đường làng ngõ xóm, xây dựng hầm bể Biogas và các công trình vệ sinh khác. Kết quả, đến cuối tháng 11/2023 đã lắp đặt được 336 hầm bể biogas, 411 bể tự hoại.

Với những cách làm thiết thực, sáng tạo, các cấp Hội Nông dân tỉnh đã khơi dậy và phát huy tiềm năng của hội viên, nông dân, góp phần quan trọng cùng với chính quyền trong việc hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại địa phương./.

Trần Hồng Khuyên/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục