Minh Khương quyết tâm vượt khó về đích nông thôn mới

Minh Khương là xã tham gia thực hiện Chương trình 135 còn nhiều khó khăn của huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, với xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, kết cấu hạ tầng kém đồng bộ… Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Minh Khương đã “thay da, đổi thịt”.

 

Cam sành cây trồng chủ lực tại xã Minh Khương

Minh Khương có trên 1.000 hộ dân, trong đó 70% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Dao. Là xã đặc biệt khó khăn nên chính quyền luôn trăn trở tìm các giải pháp phù hợp nhất để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Trong đó, xã đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu rõ vai trò, lợi ích trong xây dựng nông thôn mới; tích cực huy động, lồng ghép các nguồn lực, thực hiện các dự án hỗ trợ sản xuất, ngành nghề thủ công truyền thống nhằm phát huy lợi thế của địa phương. Song song với việc vận động người dân đóng góp, hiến đất làm đường giao thông, nhà văn hóa… xã còn vận động nhân dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để tăng thu nhập, tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới… Nhận thức vai trò làm chủ của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, với chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”, cả hệ thống chính trị của Minh Khương đã vào cuộc, toàn thể người dân quyết tâm, chung sức, đồng lòng, sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Minh Khương đã nỗ lực vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức, đến nay đã đạt được 13/19 tiêu chí còn 06 tiêu chí cần hoàn thành (Trường học, cơ sở vật chất văn hóa,  Nhà ở dân cư, Thu nhập, Hộ nghèo, Môi trường và an toàn thực phẩm).

Đoàn thanh niên xã ra quân dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm

Xác định tiêu chí Thu nhập và Nghèo đa chiều là 2 tiêu chí khó đạt được và khó duy trì nhất, xã Minh Khương tích cực chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, tăng cường thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng; khuyến khích người dân liên kết thành lập các tổ hội nghề nghiệp, các HTX hoạt động theo hướng liên kết sản xuất từ khâu chọn giống, đến chăm sóc, mở rộng thị trường tiêu thụ đặc biệt là thương hiệu Cam sành Hàm Yên. Hiện xã Minh Khương có khoảng 458 ha cam, trong đó trên 200 ha cam sành, trên 100 ha cam V2, cam Vinh đang cho thu hoạch. Niên vụ 2021 - 2022, sản lượng khoảng 5.500 tấn. Đây là nguồn thu nhập chính của người dân trong xã, vì thế việc tiêu thụ cam được UBND xã đặc biệt quan tâm. Xã đã xây dựng kế hoạch chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ cam, không để cam tồn đọng. Trước đó, UBND xã tuyên truyền, vận động người dân chăm sóc cam đúng quy trình kỹ thuật, chuyển đổi sang chăm sóc theo hướng hữu cơ, và VietGAP để đảm bảo thương hiệu và chất lượng cam đã được xây dựng những năm qua... Hợp tác xã nông sản sạch Minh Khương được ra đời năm 2020 với 7 thành viên và trên 60 ha cam. Thành viên hợp tác xã là những hộ có diện tích cam nhiều, trồng nhiều năm nên có kinh nghiệm trong chăm sóc, thu hái, bảo quản. Đến nay Hợp tác xã nông sản sạch Minh Khương đã hoàn thành việc dán tem truy xuất nguồn gốc cho cam. Có truy xuất nguồn gốc, cam của xã viên hợp tác xã đã vào được siêu thị, lên được các sàn thương mại điện tử cung ứng cam đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Ngoài tổ chức sản xuất, Minh Khương cũng quan tâm đến vấn đề môi trường, nhiều mô hình cải tạo cảnh quan môi trường thiết thực đã được đưa vào áp dụng như:  Tổ chức ra mắt và thành lập 01 mô hình điểm tại thôn Xít Xa về công tác vệ sinh môi trường, vận động nhân dân thu gom, xử lý rác thải. Tổ chức cho 10 khu dân cư ký cam kết thi đua thực hiện phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải, chống rác thải nhựa”. Tổ chức các buổi vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, trường học, thu gom rác thải, vệ sinh phát dọn đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh mương… Đến nay không gian nông thôn của Minh Khương ngày càng được cải thiện, đảm bảo vệ sinh môi trường, sáng - xanh - sạch - đẹp. Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt 100%. Công tác thu gom rác thải được tiến hành thường xuyên, liên tục. Tại các thôn đã thành lập tổ thu gom rác thải với các điểm tập kết rác được xây dựng trên địa bàn. Đến nay xã đảm bảo yêu cầu nước thải từ khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất, kinh doanh được thu gom, xử lý theo quy định. Công tác an ninh trật tự được duy trì, đảm bảo ổn định, người dân tuân thủ các quy định về phòng chống dịch Covid-19 trong trạng thái bình thường mới, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Ngoài ra để khắc phục vượt khó, xã Minh Khương cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng hộ gia đình, từng người dân sinh sống trên địa bàn xã. Việc tuyên truyền được thực hiện lồng ghép qua các lớp tập huấn và các cuộc vận động của nhiều tổ chức đoàn thể như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”; “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”; “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, “Thắp sáng đường quê”... Chất lượng hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục thể thao được nâng lên. Hằng năm tỷ lệ khu dân cư văn hóa đạt trên 80%, tỷ lệ hộ gia đình văn hóa đạt trên 90%. Với cách làm sáng tạo Minh Khương đã và đang từng bước làm đổi thay đáng kể nhận thức cũng như cách làm của người nông dân về xây dựng nông thôn mới. Đây được xem là hướng đi hiệu quả trong việc nâng cao đời sống cho người dân. Đó cũng là cơ sở góp phần giúp địa phương đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và bền vững đến cuối năm 2021 xuống còn 13,5% (139 hộ); tỷ lệ lao động có việc làm trong độ tuổi lao động là 2.526/2583 người đạt 97,8%; tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo là 912/2.526 người đạt 36,1%.

Trong lộ trình xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, mỗi xã, mỗi địa phương có một cách làm khác nhau nhưng tựu chung ở một tinh thần: đó là sự quyết tâm cao, sự đồng lòng đoàn kết nhất trí chung tay, chung sức của cả cộng đồng. Với Minh Khương - chính sự nỗ lực là yếu tố quyết định để “về đích” nông thôn mới vào cuối năm 2022.

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục