Cách làm sáng tạo giúp huyện miền núi Phú Thọ về đích xây dựng nông thôn mới sớm 2 năm

Huyện Thanh Ba (tỉnh Phú Thọ) phấn đấu hết năm 2025 sẽ có hơn một nửa số xã đạt nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đến năm 2030, Thanh Ba phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới nâng cao.

Là huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ, xuất phát điểm thấp, nhưng đến nay huyện Thanh Ba đã về đích xây dựng nông thôn mới trước 2 năm. Với nhiều cách làm sáng tạo, đột phá, Thanh Ba đã thực sự trở thành điểm sáng của Phú Thọ trong xây dựng nông thôn mới. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Dân Việt đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Kim Chi - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thanh Ba.

Bà Nguyễn Kim Chi - TUV, Bí thư Huyện ủy Thanh Ba

Triển khai Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, tỉnh Phú Thọ xây dựng kế hoạch với mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025 huyện Thanh Ba và Phù Ninh đạt chuẩn NTM. Xin bà cho biết những kết quả, chuyển biến cơ bản của huyện Thanh Ba đến nay?

- Năm 2011, khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, huyện Thanh Ba có xuất phát điểm thấp, bình quân các xã chỉ đạt 3,3 tiêu chí; thu nhập chỉ đạt mức 15,7 triệu đồng/người/năm.

Sau 12 năm thực hiện xây dựng NTM, đến thời điểm này, huyện Thanh Ba đã hoàn thành hồ sơ xây dựng huyện NTM, đang chờ được Trung ương công nhận; thị trấn Thanh Ba đã hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn đô thị văn minh, đang chờ các cấp thẩm định, công nhận.

Hiện, toàn huyện đã có 18/18 xã đạt chuẩn NTM (trong đó, 3 xã gồm Đồng Xuân, Thanh Hà, Đông Thành đạt NTM nâng cao); 22 khu dân cư NTM kiểu mẫu. Thu nhập bình quân hơn 49,1 triệu đồng/người/năm (tăng 33,4 triệu đồng với năm 2011); giá trị sản phẩm đạt 116 triệu đồng/ha đất canh tác nông lâm nghiệp và thủy sản; tỷ lệ đường giao thông nông thôn bê tông kiên cố hóa về xã 100%, đường xóm và đường trục chính nội đồng sạch, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,82%, hộ cận nghèo giảm còn 3,62%; tỷ lệ dân số tham gia BHYT là 92,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo truyền nghề hơn 72,9%...

Lãnh đạo huyện Thanh Ba giới thiệu dự án sản xuất, chế biến chè búp tím Thanh Ba (đạt OCOP 4 sao, đang trình Trung ương công nhận 5 sao) với Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phú Thọ Phùng Khánh Tài (áo kẻ).

Đặc biệt, huyện Thanh Ba xác định xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc; mục tiêu người dân được tiếp cận, được thụ hưởng, được nâng cao đời sống cả về vật chất và tinh thần.

Do đó, trong quy hoạch chung xây dựng các xã luôn bảo đảm theo hướng phát triển xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, có sự phân công, phân cấp quản lý, đầu tư cụ thể, với phương châm nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ; bảo đảm quan điểm mục tiêu phát triển hạ tầng, kinh tế-xã hội đồng bộ và khai thác cao nhất tiềm năng, thế mạnh, văn hóa, thiên nhiên, con người; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được tăng cường và giữ vững.

Ðể có được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng NTM, những năm qua Thanh Ba đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tư duy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và xác định rõ xây dựng NTM không phải là một dự án hỗ trợ mà là chương trình thực hiện trong nhiều năm, người dân phải thật sự là chủ thể của chương trình xây dựng nông thôn mới.

Bà có thể chia sẻ cách làm hay, sáng tạo về việc huyện Thanh Ba bứt phá mạnh mẽ trong xây dựng NTM, vượt mục tiêu và hoàn thành trước kế hoạch 2 năm?

- Thanh Ba bắt tay xây dựng NTM với nền sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; làm nông nghiệp theo kiểu cũ, năng suất, chất lượng và giá trị nông sản còn thấp. Bởi vậy, huyện đã ưu tiên tối đa cơ chế chính sách, nguồn lực để mở hướng phát triển kinh tế nông thôn với quan điểm nâng cao thu nhập cho người dân là yếu tố quyết định thành công của chương trình xây dựng NTM.

Thực hiện dồn điền đổi thửa đã tạo ra cánh đồng mẫu lớn "1 giống, 1 thời vụ, 1 quy trình" sản xuất lúa chất lượng cao ở hầu hết ở các xã của huyện Thanh Ba

Bước ngoặt lớn nhất, có thể coi là bước chuyển biến căn bản từ sản xuất nhỏ lẻ truyền thống sang sản xuất lớn, hàng hóa của huyện, đó là thành công bước đầu trong chuyển đổi ruộng đất, dồn điền đổi thửa. Năm 2017, thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU của BTV Tỉnh ủy Phú Thọ về công tác dồn đổi, tích tụ và tập trung đất đai phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh (Nghị quyết 08), Thanh Ba đã xây dựng đề án, kế hoạch và hướng dẫn về công tác dồn đổi, tích tụ và tập trung đất đai, phát triển sản xuất nông nghiệp đến năm 2020.

Theo đó, cách làm mới của huyện Thanh Ba so với các địa bàn khác đó là kiên trì và quyết liệt với mục tiêu: mỗi hộ hoặc nhiều hộ chỉ sản xuất trên 1 thửa gắn với cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngay trong năm 2017 các xã: Đỗ Sơn, Đỗ Xuyên, Lương Lỗ, Hoàng Cương, Thanh Hà đã đăng ký dồn đổi với diện tích gần 1.000ha trên quy mô toàn xã; 13 xã đăng ký dồn đổi làm điểm từ 1-3 khu với diện tích gần 250ha.

 Xã tiên phong thực hiện dồn điền đổi thửa là xã Lương Lỗ. Với sự đoàn kết, đồng lòng của cán bộ, nhân dân, chỉ sau thời gian rất ngắn triển khai, xã Lương Lỗ đã tạo bước đột phá, xây dựng được cánh đồng mẫu lớn rộng đến 200ha, năng suất lúa cao hơn trước, đạt 5,9 tấn/ha. Giá trị của giống lúa mới cao hơn trước 1,5 lần….

Nhận thấy cách làm của xã Lương Lỗ triệt để và hiệu quả, Huyện ủy Thanh Ba xây dựng Nghị quyết chuyên đề về dồn điền đổi thửa, phát động tất cả các xã học tập Lương Lỗ. Ðến tháng 2/2019, huyện Thanh Ba đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, 13 xã đạt chuẩn NTM.

Xây dựng nông thôn mới đã nâng cao thu nhập, đời sống tinh thần của người dân ở Thanh Ba từng ngày. Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, trở thành miền quê đáng sống

Thành công của chủ trương chuyển đổi ruộng đất, dồn điền đổi thửa ở huyện đã sớm được khẳng định khi nhiều cánh đồng lớn, cánh đồng mẫu sản xuất cùng "1 giống, 1 thời vụ, 1 quy trình" ra đời. Có thể kể đến như mô hình sản xuất tập trung các giống lúa lai từ 2ha trở lên thực hiện ở 19/19 xã, thị trấn; giống lúa thuần chất lượng cao (chủ yếu JO2) có quy mô từ 10ha trở lên tập trung ở các xã (Lương Lỗ, Đỗ Xuyên, Thanh Hà...) với diện tích lớn 700ha lúa chất lượng cao, năng suất đạt trung bình 59 tạ/ha)…

Xác định cần đổi mới cách làm để đạt hiệu quả lâu dài, nhiệm kỳ 2021-2025, Huyện ủy Thanh Ba đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, tăng cường liên kết trong sản xuất theo chuỗi bền vững, nòng cốt là các HTX nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề và xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng, tạo đột phá trong xây dựng NTM.

Tính đến nay, toàn huyện đã có hơn 30 HTX. Trong đó, hoạt động nổi bật là HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đông Thành khi thu hút gần 700 hộ là thành viên tham gia, tạo việc làm cho hàng trăm lao động.

Đồng thời, tại địa phương xuất hiện ngày càng nhiều mô hình cánh đồng mẫu lớn (mô hình bưởi tại xã Đông Thành, mô hình trồng rau theo công nghệ Israel tại Thanh Hà, mô hình liên kết sản xuất chuối tại Đỗ Sơn, liên kết trồng rau hữu cơ ở Đỗ Xuyên, mô hình cây gai xanh AP1 tại xã Hoàng Cương…); có 20 sản phẩm nông nghiệp được công nhận đạt chuẩn OCOP từ 3-5 sao, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng NTM tại địa phương.

Thanh Ba cũng là huyện đầu tiên trong tỉnh Phú Thọ xây dựng thành công sản phẩm "Chè đinh cao cấp Hoài Trung" đạt hạng 5 sao

Bên cạnh đó, ngoài hỗ trợ ngân sách của tỉnh, huyện Thanh Ba còn chủ động khai thác các nguồn thu từ đất (đấu giá quyền sử dụng đất, xử lý đất xen kẹt...) để đầu tư xây dựng hạ tầng cho NTM. Trong đó, tập trung vào hai khâu đột phá, đó là đấu giá quyền sử dụng đất và giải phóng mặt bằng để huy động nguồn lực.

Đến nay, huyện Thanh Ba đã huy động tổng kinh phí thực hiện NTM là 4.844,9 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương 258,9 tỷ đồng, chiếm 5,34%; vốn cấp tỉnh, huyện, xã là 1.793 tỷ đồng (chiếm 37,01%); vốn lồng ghép là 1.143,4 tỷ đồng, bằng 23,6%; vốn huy động từ cộng đồng dân cư (dân góp tiền mặt và ngày công, hiến đất, vật kiến trúc, làm đường) là 1.649,5 tỷ đồng, chiếm 34,05%.

Với hướng đi đúng và cách làm hiệu quả, huyện Thanh Ba đã thực hiện thành công nhiều mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng nông thôn mới, thành điểm sáng của Phú Thọ.

Toàn cảnh xã nông thôn mới nâng cao Thanh Hà của huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ

Bước sang giai đoạn mới, Chương trình xây dựng NTM sẽ được huyện Thanh Ba triển khai như thế nào và đâu là lộ trình, đích đến thưa bà?

- Xác định xây dựng NTM chỉ có điểm đầu, không có điểm kết thúc, huyện Thanh Ba đang tập trung giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí huyện đạt chuẩn NTM, các xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, các thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu, hướng đến xây dựng huyện Thanh Ba đạt chuẩn NTM nâng cao.

Cụ thể, huyện Thanh Ba phấn đấu giai đoạn 2023 - 2025 mỗi năm có 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (lũy kế đến hết năm 2025 có 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã NTM kiểu mẫu); đến năm 2030 huyện Thanh Ba đạt chuẩn huyện NTM nâng cao.

Theo đó, huyện Thanh Ba sẽ tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, kết nối giữa các vùng với trục trung tâm đô thị và các trục kinh tế, khu vực động lực của tỉnh. Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, bền vững, gắn sản xuất với chế biến nông sản, nâng cao đời sống về mọi mặt cho người dân nông thôn. Từng bước gắn sản xuất nông nghiệp, NTM với du lịch, dịch vụ, bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng làng xã sáng - xanh - sạch - đẹp, giàu bản sắc văn hóa...

Từ một huyện khó khăn, sau hơn một thập kỷ nỗ lực trên hành trình xây dựng NTM, huyện đã làm nên kỳ tích. Đây không chỉ là nỗ lực để huyện đạt chuẩn huyện NTM, mà mục tiêu quan trọng nhất để Thanh Ba hướng tới là xây dựng mảnh đất này ngày càng giàu đẹp, văn minh, ấm áp nghĩa tình, trở thành một "miền quê đáng sống".

snn.phutho.gov.vn

Tin cùng chuyên mục