Sức vươn Xuân Vân

Nằm ven bên dòng sông Gâm, xã Xuân Vân (Yên Sơn) có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế ven sông. Bằng sự chăm chỉ và chủ động vượt khó, người dân xã Xuân Vân đã mang đến sự trù phú, ấm no và mở ra tương lai tươi sáng cho dải đất bình yên này.

Quê nghèo “lột xác”

Trong ánh nắng nhẹ nhàng của một buổi sáng đầu xuân, chúng tôi chạy xe men theo dòng sông Gâm đến xã Xuân Vân, dải đất trù phú ven sông mướt xanh là những vườn cây ăn quả, những chuyến xe tải vào, ra chở nặng hàng hóa như gợi mở ra một bức tranh kinh tế sôi động, sầm uất.

Theo lời đồng chí Triệu Ngọc Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Vân, kinh tế của xã chủ yếu dựa vào nông nghiệp là chính. Trước đây, người dân trong xã phát triển kinh tế chủ yếu từ cây lúa, cây ngô…, cái nghèo mãi quẩn quanh vây lấy người dân. Để tìm hướng phát triển kinh tế, người dân đã tìm tòi, thử nghiệm nhiều loại cây trồng để tìm ra loại cây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng. Thế rồi, nhận thấy với lợi thế ven sông phù hợp với cây ăn quả, đặc biệt là cây bưởi, cam, quýt… chỉ trong thời gian ngắn, diện tích cây ăn quả ở xã đã tăng nhanh. Ban đầu chỉ có vài nhà trồng, đến nay, cả xã có trên 1.000 ha diện tích trồng cây ăn quả.

Một góc thôn Sơn Hạ, xã Xuân Vân (Yên Sơn).

Anh Bế Văn Tần, Trưởng thôn Soi Hà cho biết, trước đây vùng đất này vẫn còn nghèo khó lắm. Từ những năm 2003, nhờ phát triển, mở rộng trồng cây bưởi mà đến nay thôn chỉ còn 4 hộ nghèo. Cả thôn có 108 hộ thì cả 108 hộ đều trồng bưởi. Diện tích cây bưởi của cả thôn là hơn 105 ha. Nhờ cây bưởi mà cuộc sống của người dân thực sự khởi sắc, nhiều hộ vươn lên trở thành “tỷ phú” nông dân như hộ ông Đỗ Khắc Khoát, Đỗ Khắc Thỏa, Lý Phúc Hưng.

Đã gắn bó với cây bưởi hơn 40 năm nay, ông Đỗ Khắc Khoát, thôn Soi Hà chia sẻ, với ưu thế của bưởi đường Soi Hà chín sớm, thu hoạch khoảng từ tháng 9 đến tháng 10, sớm hơn 1 đến 2 tháng so với các loại bưởi khác. Bưởi đường Soi Hà mỏng vỏ, múi bưởi dày và đều nhau, khi bóc ra hạt tép đều mọng nước, tuy ngọt nhưng không bị dính tay. Giá bán ổn định hàng năm từ 18 - 20 nghìn đồng/quả. Mỗi cây bưởi cho thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/vụ. Với hơn 300 gốc bưởi đã cho thu hoạch, mỗi năm trừ chi phí, vườn bưởi của gia đình ông cho thu lãi gần 500 triệu đồng.

Bên ngôi biệt thự 2 tầng, to, nổi bật nhất xóm nằm bên vườn bưởi, chị Nguyễn Thị Nhung, thôn Soi Đát hồ hởi khoe: “Chị có được cơ ngơi như này chính là nhờ cây bưởi đấy!”. Chồng mất sớm, một mình chị làm đủ thứ nghề để nuôi 3 con ăn học. 20 năm trước, chị tìm đến cây bưởi với hy vọng một ngày sẽ khấm khá. Cây không phụ lòng người, sau 3 năm chăm bón, cây bưởi hợp đất, hợp nước đã cho ra những trái ngọt đầu tiên. Có thu nhập từ bưởi, chị có thêm điều kiện mở rộng diện tích, đến nay, chị có vườn bưởi rộng hơn 3 ha với 500 gốc bưởi, mỗi năm cho gia đình chị thu nhập hơn 700 triệu đồng.

Bên cạnh cây bưởi thì hồng không hạt Xuân Vân cũng là loại quả đặc sản nức tiếng khắp vùng. Hiện toàn xã có khoảng 20 ha hồng không hạt, tập trung tại các thôn Đô Thượng 1, Đô Thượng 3, Sơn Hạ 1, Khuân Khán, Vông Vàng 1.

Gia đình ông Đặng Việt Đảng, thôn Sơn Hạ 1 đã trồng giống hồng không hạt được gần 30 năm nay, hiện gia đình ông có hơn 100 cây hồng. Vụ thu hoạch hồng năm 2023 gia đình ông thu được 4 tấn quả, giá bán trung bình 25.000 - 27.000 đồng/kg, thu được hơn 100 triệu đồng. Ông Đảng cho biết, nếu so với nhiều loại cây trồng khác thì trồng hồng đơn giản hơn, đầu tư không nhiều, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh hại, ít mất mùa. Cây hồng ngâm Xuân Vân ra hoa từ tháng 3, kết quả tháng 4, có thể cho thu hoạch rải rác từ tháng 8 đến tháng 11, rộ nhất là sau Tết Trung thu. Nhờ thích hợp thổ nhưỡng và khí hậu của vùng đất Xuân Vân nên cây sinh trưởng, phát triển khỏe, ít bị sâu bệnh hại, đặc biệt là rất sai quả, trung bình cây 8 - 10 tuổi có thể cho thu hàng tạ quả. Nhờ cây hồng mà gia đình ông xây được nhà cửa khang trang, con cái học hành đầy đủ.

Để phát triển bền vững vùng cây ăn quả, huyện Yên Sơn, xã Xuân Vân đã quy hoạch nhằm tạo cho các loại cây ăn quả phát triển tập trung, bền vững, lâu dài, tránh phát triển nóng. Hiện Xuân Vân có 950 ha bưởi, 88 ha cam; 12 ha na; 26 ha hồng.

“Hiện bưởi đường Xuân Vân đã đạt OCOP 3 sao. Ngoài ra, bưởi Soi Hà Xuân Vân được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý, được Hội Người tiêu dùng Việt Nam bình chọn vào “Top 10 nhãn hiệu, thương hiệu nổi tiếng”. Hồng không hạt Xuân Vân cũng được Sở Khoa học và Công nghệ trao Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể” - Đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Ngọc Lý tự hào chia sẻ.

Con đường bê tông đi vào khu sản xuất ở thôn Sơn Hạ 1, xã Xuân Vân (Yên Sơn) vừa được hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2023.

Kết nối ý Đảng, lòng dân

Xã Xuân Vân có 12 dân tộc anh em sinh sống. Bằng những nỗ lực trong lao động sản xuất, từ chỗ thu nhập đầu người những năm trước năm 2010 chỉ đạt bình quân dưới 8 triệu đồng/năm, đến hết năm 2023, đã tăng lên 42 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo giảm xuống còn 5,4%; 98% đường giao thông đã được bê tông hóa khang trang đến từng hộ gia đình theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; 74,6% kênh mương được kiên cố…

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lê Hồng Việt khẳng định, năm 2023, xã Xuân Vân cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Cơ hội để địa phương nắm bắt, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới là khi công trình cầu Xuân Vân có tổng mức đầu tư 278 tỷ đồng, sau 2 năm khởi công cây cầu đã sắp hoàn thành trong niềm mong đợi của người dân đôi bờ sông Gâm và các xã lân cận. Ngoài ra, trên địa bàn xã có Nhà máy rượu 9 Chum tạo việc làm thường xuyên cho 60 lao động, với mức lương từ 6 - 9 triệu đồng/tháng. Cùng với đó, xã đang được huyện và tỉnh quy hoạch Cụm công nghiệp Xuân Vân với diện tích 50 ha và Nhà máy điện sinh khối chuẩn bị được đầu tư xây dựng với diện tích 20 ha. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục chỉ đạo nhân dân phát huy tối đa các sản phẩm nông nghiệp đã có thương hiệu trên địa bàn xã như: Bưởi Soi Hà đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý; các sản phẩm OCOP như: Bưởi đường Xuân Vân, Bưởi ngọt Xuân Vân, Hồng ngâm không hạt, Bánh làng nghề Vân Giang...

Rời vùng đất ven sông Xuân Vân, trong tôi vẫn đọng lại hình ảnh bức tranh quê với cảm xúc vui mừng khó tả. Nhờ định hướng đúng đắn của cấp ủy, chính quyền, sự nhạy bén của người dân đã biến những làng quê nghèo ngày càng đổi mới, phát triển mạnh mẽ hơn. 

Vân Anh/baotuyenquang.com.vn

Tin cùng chuyên mục