Ngày thứ bảy vì nông thôn mới

Từ “Ngày thứ bảy vì dân” được hình thành vào năm 2014, tháng 4/2016, “Ngày thứ bảy vì dân” được huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng chuyển thành “Ngày thứ bảy vì nông thôn mới (NTM)”. Sự chuyển đổi này đã phần nào cho thấy, quyết tâm của Di Linh trong việc đưa NTM sớm về đích.

Huyện Di Linh có 18 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào các DTTS chiếm 38,93% dân số tập trung tại 17 xã và thị trấn, 84 thôn, tổ dân phố.

Để thúc đẩy phong trào xây dựng NTM đi vào từng thôn xóm, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của mọi người dân, Ngày thứ bảy vì NTM được Di Linh duy trì sinh hoạt 2 tuần một lần – mỗi lần sinh hoạt đều có sự tham dự của lãnh đạo huyện (Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, UBND và Ủy ban Mặt trận tổ quốc) và người đứng đầu các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể liên quan.


Xây dựng vườn hộ - chăn nuôi - quản lý bảo vệ rừng là mô hình đang được hình thành tại nhiều vùng đồng bào DTTS ở Di Linh

Tại đây, lãnh đạo huyện và các ngành của huyện sẽ lắng nghe những ý kiến phản ánh và kiến nghị từ cơ sở có liên quan đến xây dựng NTM. Trong đó, chủ yếu là những vấn đề còn vướng mắc, gắn với thực tế tại các xã trong quá trình triển khai xây dựng NTM, như: Làm đường giao thông, cải tạo hệ thống điện, xử lý môi trường, vận động nhân dân tham gia mua bảo hiểm y tế… Kết thúc buổi sinh hoạt, nội dung kết luận sẽ được ban hành bằng văn bản để làm căn cứ triển khai.

“Chúng tôi đã chủ động xây dựng kế hoạch, đăng ký nội dung công việc cụ thể theo từng tuần, từng tháng với Ban Chỉ đạo Chương trình Xây dựng NTM huyện Di Linh. Sau khi được lãnh đạo Ban phê duyệt sẽ phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ, công chức, viên chức xã phụ trách xuống cơ sở cùng người dân chung tay xây dựng NTM. Nhìn chung, phong trào Ngày thứ bảy vì NTM nhận được sự ủng hộ tích cực của đông đảo nhân dân” - ông K’Hoa, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Điền chia sẻ.

Với cách làm này, những tiêu chí NTM còn lại, tiêu chí chưa đạt, hay những bất cập, vướng mắc của các xã dần dần được Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của huyện cùng với các xã tập trung tháo gỡ hiệu quả. Đặc biệt, từ khi có Ngày thứ bảy vì NTM, những phần việc không cần kinh phí, hoặc không có kinh phí hỗ trợ (trồng hoa ven đường, khơi thông cống rãnh, thu dọn vệ sinh, san gạt mặt bằng hội trường thôn, phát quang bụi rậm tại các tuyến đường liên xã, cải tạo sân bóng chuyền thôn, tu sửa đường vào khu dân cư) đều được thực hiện nhanh chóng với sự chung tay tích cực của bà con, tạo nên cảnh quan tươi đẹp cho các vùng nông thôn.

Những làng quê trù phú với diện mạo mới nhờ phong trào xây dựng NTM

Kể từ khi phát động phong trào Ngày thứ bảy vì NTM, đến năm 2019, người dân huyện Di Linh đã tự bỏ tiền, ngày công để tu sửa đường làng, đường vào khu sản xuất được trên 35 km; trồng được 37 km đường hoa, đổ sân bê tông 25 nhà văn hóa thôn, kéo được gần 4 km điện thắp sáng đường quê, làm sân bê tông cho 99 hộ người DTTS... Tổng số tiền mà người dân đóng góp cho phong trào Ngày thứ bảy vì NTM khoảng 4,5 tỷ đồng và hơn 12.000 ngày công…

Sự đồng lòng này, cùng với nguồn vốn Chương trình NTM, Chương trình 135, Chương trình 30a và các chương trình dành cho đồng bào DTTS… đã giúp Di Linh có những kết quả đáng ghi nhận. Nếu như năm 2014, toàn huyện chỉ có một xã đạt chuẩn xã điểm xây dựng NTM của tỉnh, thì đến năm 2019, Di Linh đã có 12/18 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, thị trấn Di Linh đạt chuẩn văn minh đô thị.

Năm 2019, huyện Di Linh cũng đã chọn ra 12 thôn thuộc 12 xã để xây dựng khu dân cư kiểu mẫu. Mỗi thôn xây dựng khu dân cư kiểu mẫu được huyện hỗ trợ 100 triệu đồng từ nguồn quỹ dự phòng. Đây được xem là cú hích, một điểm nhấn ban đầu, khích lệ người dân thực hiện thắng lợi chủ trương xây dựng khu dân cư kiểu mẫu. Dự kiến, năm 2020, ít nhất sẽ có thêm 10 khu dân cư ở Di Linh được triển khai xây dựng khu dân cư kiểu mẫu.

Bài, ảnh: Mai Hoàng/Báo Công thương điện tử

Tin cùng chuyên mục