Tổ chức sản xuất: "Yêu cầu đặt ra cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa"

Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá là động lực để tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân, tạo sự ổn định, phát triển bền vững; giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa có ý nghĩa quan trọng, quyết định.

Ảnh sưu tầm

Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá. Để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn và hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ngoài những cơ chế, chính sách của Trung ương, thì trong thời gian qua, Tỉnh Tuyên Quang đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn (kênh mương nội đồng, đường giao thông nội đồng, hệ thống thủy lợi, vườn ươm cây giống), hỗ trợ phát triển các hình thức tổ chức sản xuất (doanh nghiệp, chủ trang trại, hợp tác xã), hỗ trợ phát triển sản xuất các cây trồng chủ lực (cây cam, chè, mía đường, lạc, gỗ nguyên liệu), vật nuôi chủ lực (con trâu, con cá đặc sản)... để thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Từ đó, nông nghiệp và nông thôn của tỉnh đã có sự phát triển tích cực, an ninh lương thực được đảm bảo, sản xuất chuyển dịch theo hướng hàng hóa, đã hình thành một số vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu tập trung; một số sản phẩm sản xuất và chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được thương hiệu, đang từng bước khẳng định được vị trí  trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Tuy nhiên, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp hàng hóa còn hạn chế; liên kết sản xuất giữa người nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp chưa nhiều, chưa tạo được chuỗi liên kết sản xuất bền vững; việc  đổi mới hình thức tổ chức sản xuất của các tổ hợp tác, hợp tác xã còn chậm, hoạt động chưa hiệu quả.

Để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa đến năm 2025 theo mục tiêu Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 22/5/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI. Yêu cầu đặt ra về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, quản lý trong nông nghiệp, nông thôn là hết sức cấp thiết.

Đặc biệt, việc sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hợp tác xã nông lâm nghiệp kiểu mới, các tổ hợp tác, mở rộng các ngành nghề dịch vụ, gắn với chuỗi cung ứng sản phẩm hàng hóa, đảm nhiệm tốt vai trò là tổ chức đại diện của nông dân trong chuỗi sản xuất - tiêu thụ. Tổ chức tốt sản xuất các sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ theo tiêu chuẩn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đồng thời, tăng cường các biện pháp liên doanh, liên kết giữa Tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp để sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị (các hộ nông dân phải tham gia vào làm thành viên của các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã kiểu mới để tổ chức sản xuất theo nhu cầu, đặt hàng của doanh nghiệp; doanh nghiệp đóng vai trò dịch vụ đầu vào: cung ứng giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi, vật tư, kỹ thuật.. và đầu ra của sản phẩm: chế biến, tiêu thụ sản phẩm; Tổ hợp tác, HTX đóng vai trò đại diện của nông dân trong chuỗi sản xuất - tiêu thụ: ký kết hợp đồng với doanh nghiệp, xây dựng kế hoạch và tổ chức sản xuất, quản lý đầu vào, đầu ra của sản phẩm, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm).

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 170 nghìn hộ nông dân sản xuất nông, lâm nghiệp, nếu không tập hợp thành tổ chức (Tổ hợp tác hoặc hợp tác xã) và có kế hoạch sản xuất cụ thể sẽ là mạnh ai người ấy làm và dẫn đến phát triển tự phát, không xuất phát từ nhu cầu của thị trường, làm cho sản phẩm sản xuất ra không bán được dẫn đến thua lỗ… Nếu làm tốt được việc tổ chức liên kết sản xuất sẽ khắc phục được việc sản xuất nhỏ lẻ; sản xuất theo quy trình kỹ thuật chung, quản lý được chất lượng hàng hóa (sản phẩm đồng đều và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm), hạn chế được việc sản xuất vượt quá nhu cầu của thị trường, ổn định giá cả... Thông qua đó sẽ từng bước hạn chế tình trạng “được mùa mất giá” và “được giá mất mùa” đối với sản phẩm nông nghiệp hàng hóa.

Trần Gia Lam - Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục