Thay đổi diện mạo giao thông nông thôn

Sau hơn 10 năm Tuyên Quang thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, hệ thống đường giao thông nông thôn được đầu tư tương đối đồng bộ, tỷ lệ nhựa hóa và bê tông hóa đạt cao, nhiều tuyến đường mới được phát triển theo quy hoạch đảm bảo kết nối giữa các vùng trong và ngoài tỉnh. Đây là điều kiện thuận lợi để Tuyên Quang tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phấn đấu để Tuyên Quang trở thành tỉnh có tốc độ phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc theo Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh, và Nghị quyết số 33-NQ/TU ngày 22/6/2021 về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025 đồng bộ, theo hướng hiện đại nhằm tạo sự đột phá cho sự phát triển của địa phương đồng thời gắn với công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Khánh thành cầu giao thông suối Phai tạng thôn Nà Mỵ, xã Thổ Bình.

Giao thông nông thôn (GTNT) là một trong những tiêu chí đặc biệt quan trọng, bởi có đường giao thông thuận lợi sẽ tạo điều kiện để kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Tuy nhiên, để thực hiện được tiêu chí này là cả một hành trình khó khăn.

Giai đoạn 2010-2020, tỉnh Tuyên Quang đã hoàn thành xây dựng 2.900 km đường giao thông thôn, bản và đường nội đồng theo phương thức tỉnh hỗ trợ xi-măng, ống cống và chi phí quản lý; người dân hiến đất, góp cát sỏi và công lao động. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh đặt ra mục tiêu làm 1.080 km đường bê-tông nông thôn và nội đồng. Phấn đấu đến hết năm 2025, tất cả các thôn của tỉnh có đường ô-tô tới trung tâm; 85% đường thôn và hơn 65% đường nội đồng được “cứng” hóa.

Từ nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp của Chương trình mục tiêu quốc quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua nội dung đầu tư của Chương trình cũng đã có nhiều đổi mới, phù hợp với tình hình, trình độ phát triển nông thôn theo từng thời kỳ. Giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn ngân sách nhà nước đã được tập trung ưu tiên hỗ trợ cho các xã đặc biệt khó khăn, các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản (giao thông, thuỷ lợi, điện, trường học, trạm y tế, nước sạch, hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường…). Thông qua việc đầu tư, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư, kết cấu hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục… được quan tâm đầu tư, xây dựng đồng bộ, hiện đại.

Riêng đối với giao thông nông thôn sau gần 3 năm tỉnh Tuyên Quang thực hiện Nghị quyết số 55/NQ-HĐND ngày 20/11/2020 của HĐND tỉnh Tuyên Quang về việc thông qua Đề án Bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021 – 2025; hệ thống giao thông nông thôn ở tỉnh miền núi Tuyên Quang đã có những đổi thay rõ rệt.

Năm 2021: Nhựa hóa, bê tông hóa 253 km đường giao thông nông thôn (117 km đường thôn, 136 km đường nội đồng) trong đó có 109,8 km tại các xã về đích năm 2021 (đường trục xã, liên xã 24,1 km; đường thôn, xóm: 26,5 km; đường ngõ xóm 18,4 km; đường nội đồng 40,8 km); Năm 2022, toàn tỉnh đã nhựa hóa, bê tông hóa 227 km đường giao thông nông thôn, (126 km đường thôn, 101 km đường nội đồng) trong đó có 88,2 km ở 08 xã đăng ký hoàn thành xây dựng đạt chuẩn xã nông thôn mới (đường trục xã, liên xã 7,2 km; đường trục thôn - liên thôn: 22,17 km; đường ngõ xóm 23,5 km; đường nội đồng 35,29 km); Cùng với hàng trăm km đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, 77 cây cầu mới được xây dựng đã từng bước xóa bỏ các điểm cách trở do suối, ngòi, tăng cường kết nối hệ thống giao thông vùng, miền, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại an toàn, phục vụ sản xuất, giao thương hàng hóa; Năm 2023: Dự kiến xây dựng, nâng cấp 694,4 km đường giao thông (gồm: 76,1 km đường huyện; 127,7 km đường trục xã, liên xã; 363,7 km đường trục thôn, liên thôn; 24,1 km đường ngõ xóm; 102,78 km đường giao thông nội đồng); 68 công trình cầu, kè chống sạt lở; 05 công trình đường vận xuất; giải phóng mặt bằng bến xe khách trung tâm huyện Hàm Yên và xây dựng bến thuỷ huyện Lâm Bình. Xây dựng 39 cầu trên đường giao thông nông thôn.

Cầu Bảy Hào, thôn Lẹm xã Kháng Nhật, huyện Sơn Dương (Ảnh nguồn Internet)

Đến tháng 9/2023 đã có 70/122 xã đạt tiêu chí về Giao thông. Tổng số đường thôn được cứng hoá là 2.969,53/3.953,8 km đạt tỷ lệ 75%; đường nội đồng là 843,28/1.651,85 km đạt tỷ lệ 51%. Hiện nay, 100% số xã trên địa bàn tỉnh có đường ô tô kết nối với đường huyện và các trung tâm hành chính, đảm bảo đi lại thuận tiện quanh năm

Đặc biệt, Cao tốc Hà Giang - Tuyên Quang được khởi công chiều 28/5/2023 với tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng, quy mô hai làn xe, dự kiến hoàn thành cuối năm 2025. Dự án giai đoạn 1 hoàn thành sẽ tạo hành lang phát triển kinh tế từ trung tâm Thủ đô Hà Nội theo cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đến Hà Giang, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa ngày càng tăng cao. Đồng thời, giải quyết điểm nghẽn về giao thông liên kết vùng, nội vùng giữa tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang; Đồng thời ngày 29/5/2023 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 586 phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai được chia làm 2 giai đoạn, tổng chiều dài 40,2km (đoạn qua tỉnh Tuyên Quang dài 11,63km, đoạn qua tỉnh Phú Thọ dài 28,57km). Dự án có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc. Sau khi hoàn thành, cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ sẽ đáp ứng được nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, nâng cao hiệu quả khai thác, rút ngắn thời gian, khoảng cách kết nối giữa tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Hà Nội.

Xóa cầu tạm, gỡ “nút thắt” về giao thông

Trên địa bàn xã Chiêu Yên, huyện Yên Sơn có 2 con suối, đây là nguồn cung cấp nước phục vụ tưới tiêu, sinh hoạt sản xuất, nhưng cũng là trở ngại trong việc đi lại của người dân, khi mùa mưa đến, lũ về nhiều, dòng nước suối dâng cao từ 1m đến 1,2m, vì thế, trẻ em không thể đến trường, còn người lớn cố gắng đi qua cũng rất vất vả, nguy hiểm. 

Thực hiện Nghị quyết số 55/NQ-HĐND, xã Chiêu Yên được đầu tư xây dựng 5 cây cầu, tại 3 thôn: Đán Khao, Tân Lập và Phai Đá. Sau khi hoàn thiện, các cây cầu đã mang lại nhiều thuận lợi cho địa phương, xoá các điểm nghẽn về hạ tầng giao thông nông thôn phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, giúp việc vận chuyển hàng hoá, nông, lâm sản được thuận tiện hơn. 

Cầu Lũng Ỏi, xã Chiêu Yên, được hoàn thành và đưa vào sử dụng vào đầu tháng 6/2023. Giờ đây có cây cầu mới bằng bê tông vững chắc, những lo lắng, bất an của nhân dân đã không còn nữa, thay vào đó là vui mừng, phấn khởi, thống nhất một lòng góp công, góp sức, hiến đất làm cầu. 

Nhịp cầu nối những bờ vui

Tháng 01/2023, cây cầu Tân Dân được khánh thành đưa vào sử dụng giúp nối liền thôn Tân Dân, xã Hợp Hoà với thôn Tân Phú, xã Thiện Kế, huyện Sơn Dương, là một ngày không thể quên đối với Nhân dân nơi đây. Ông Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Hợp Hoà, huyện Sơn Dương cho biết, thôn Tân Dân là thôn cuối của xã Hợp Hoà, tiếp giáp với thôn Tân Phú, xã Thiện Kế chỉ cách một con suối nhỏ. Nhiều năm trước, các hoạt động sinh hoạt, đi lại của nhân dân, việc đến lớp, đến trường của trẻ em đều gặp nhiều trở ngại mỗi khi mùa mưa đến. Đến nay cầu Tân Dân được khánh thành, trẻ em đi học, Nhân dân hai thôn đi lại thuận tiện, nông sản của bà con làm ra vận chuyển cũng dễ dàng, được giá hơn. 

Gần 3 năm thực hiện Nghị quyết, hàng nghìn hộ dân tự nguyện hiến trên 103.000 m2 đất ở, đất nông nghiệp để xây dựng mới 77 cây cầu, giúp hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông tại các thôn bản khó khăn thuộc 7 huyện, thành phố của tỉnh Tuyên Quang. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện tiêu chí giao thông ở các xã trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đến nay 12 xã xây dựng NTM năm 2023 của tỉnh mới chỉ có 3/12 xã đạt tiêu chí giao thông (Minh Hương, Thành Long, huyện Hàm Yên và Phú Lương, huyện Sơn Dương), đến hết tháng 8/2023 mới chỉ hoàn thành 82 km/228,78 km đường giao thông nông thôn theo kế hoạch được giao. Trong thời gian tới Tuyên Quang sẽ chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục làm tốt công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện ở cơ sở; triển khai thực hiện việc quản lý, tổ chức vệ sinh, bảo trì các tuyến đường giao thông nông thôn, cầu trên đường giao thông nông thôn trên địa bàn theo quy định; tiếp tục thực hiện lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, đề án khác để tăng thêm nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn…

Để hệ thống giao thông nông thôn ngày càng được hoàn thiện và đồng bộ, trong năm nay và cả những năm tới, Tuyên Quang tiếp tục huy động tối đa mọi nguồn lực, lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn từ nhiều thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức khác nhau, ưu tiên bố trí kế hoạch hoặc vốn để đầu tư phát triển giao thông nông thôn; tăng cường công tác bảo trì sau đầu tư; phát huy vai trò giám sát cộng đồng đối với các công trình thực hiện theo cơ chế “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”

Đến nay nhiều tuyến đường, cây cầu, liên kết vùng trong và ngoài tỉnh được nâng cấp, xây mới. Qua đó, tạo “đòn bẩy” đưa nền kinh tế của tỉnh Tuyên Quang phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế - xã hội, giao thương vận tải hàng hóa, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế du lịch tiến tới hoàn thiện hệ thống giao thông đồng bộ theo quy hoạch mạng lưới giao thông tỉnh Tuyên Quang đến năm 2030.  Đồng thời tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh cả trước mắt và lâu dài... Qua đó, góp phần hoàn thành kế hoạch xây dựng nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang năm 2023 và các năm tiếp theo./.

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục