Phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới của Hội Nông dân huyện Hàm Yên

Những năm qua, Hội Nông dân huyện Hàm Yên đã tích cực triển khai thực hiện các chương trình, dự án về nông nghiệp nhằm từng bước nâng cao vai trò của tổ chức hội và giúp hội viên nâng cao thu nhập. Một trong những phong trào đã và đang được triển khai có hiệu quả, được đông đảo hội viên tích cực tham gia hưởng ứng, đó là phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã góp phần quan trọng trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới.

Xác định phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi là một trong những phong trào trọng tâm, xuyên suốt trong hoạt động của các cấp hội nông dân trên địa bàn huyện. Để thực hiện tốt phong trào này Hội Nông dân huyện Hàm Yên đã xây dựng chương trình kế hoạch cụ thể để triển khai rộng rãi đến các cơ sở hội. Trong đó tập trung vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của từng vùng sản xuất, tiềm năng đất đai là điều kiện quan trọng để nông dân xây dựng những mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm trong xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp đã đạt hiệu quả kinh tế thiết thực. Đây được xem là giải pháp quan trọng để khai thác tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương, với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng miền, qua đó tăng thu nhập cho nông dân và đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững.

Nhờ có điều kiện tự nhiên, khí hậu thuận lợi, cùng với những cánh rừng và vùng chuyên canh cây ăn quả bạt ngàn hoa, nên nghề nuôi ong mật ở Hàm Yên những năm qua phát triển mạnh, nhiều hộ nông dân từ phát triển nuôi ong mật đã cho thu nhập cao, mặt khác ngoài lợi ích về kinh tế, nuôi ong mật còn góp phần ổn định sinh thái, bảo vệ môi trường và thụ phấn cho cây trồng. Phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, 9 năm nay, anh Quách Trung Kiên, thôn Quang Thái 2, xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên luôn duy trì phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Khởi nghiệp nghề nuôi ong từ cuối năm 2012 với 36 đàn ong, không phụ công người, từ 36 đàn ong ban đầu, đến nay anh Kiên đã nhân giống lên hơn 1.000 đàn ong, thu hoạch trên 50 tấn mật/năm, với giá bán trung bình 50 triệu đồng/tấn, trừ hết chi phí mỗi năm anh Kiên thu lãi gần 1,5 tỷ đồng.Theo anh Kiên, nuôi ong không tốn nhiều công sức như những nghề khác, chỉ cần nắm được kỹ thuật, chịu khó, kiên trì là có thể nuôi được. Mặt khác nuôi ong ít hao phí sức lực nhưng lại đòi hỏi sự khéo léo và cũng phải cần mẫn như con ong.


Mô hình nuôi ong của anh Quách Trung Kiên, thôn Quang Thái 2, xã Thái Hòa

Hiện nay xã Thái Hòa có rất nhiều hộ gia đình đầu tư phát triển nghề nuôi ong mật, nhưng phát triển mạnh nhất là ở thôn Quang Thái 2 và đây cũng là thôn đầu tiên của xã về phát triển nghề này. Nghề nuôi ong lấy mật đòi hỏi người nuôi phải có sự khéo léo, tỷ mỉ và phải am hiểu về đặc tính của ong như xây tổ, chia đàn, am hiểu về mùa hoa nở, mùa ong đi lấy mật, biết cách luân chuyển đàn ong tìm kiếm những nơi có nguồn mật hoa dồi dào. Vào thời điểm chính vụ hoa nhiều, mỗi tháng người nuôi ong sẽ thu hoạch được 3 lần lấy mật, với giá cả thị trường như hiện nay từ 45 đến 50 triệu đồng/tấn mật ong thì người nông dân sẽ có nguồn thu nhập không nhỏ. Để duy trì phát triển nghề nuôi ong mật, tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên, xã Thái Hòa khuyến khích nhân rộng, tạo điều kiện liên doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm; đào tạo chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi ong mật cho nông dân để phát triển nghề nuôi ong mật, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.

Thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 22/5/2016 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016-2025 và Đề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, những năm qua các cấp Hội nông dân trong huyện đã tập trung tuyên truyền và phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện cải tạo, phục tráng, nâng cao chất lượng, tầm vóc đàn trâu, bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo đã nâng cao khối lượng đàn trâu, bò và thu nhập cho bà con nông dân.

Từ năm 2018 đến nay, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đã phối hợp với Hội Nông dân huyện tuyên truyền vận động bà con nông dân triển khai thụ tinh nhân tạo đạt tỷ lệ sinh sản cao cho trên 1 nghìn con trâu bò, trong đó có gần 1 nghìn con trâu bằng giống Murrah của Ấn Độ và giống trâu nội. Việc triển khai phương pháp này có ưu điểm là chất lượng con giống được nâng lên rõ rệt, hạn chế chi phí cho nông dân, nguồn con giống được kiểm soát, hạn chế tối đa lây lan bệnh tật, khắc phục sự chênh lệch tầm vóc, khối lượng, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người nông dân, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng cho đàn trâu, bò. Việc tập  trung cải tạo, phục tráng, nâng cao tầm vóc đàn trâu bò đã làm thay đổi nhận thức, kỹ thuật chăn nuôi của bà con nông dân từ nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, thúc đẩy phát triển đàn gia súc trên địa bàn, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập cho hội viên nông dân, thực hiện có hiệu quả tiêu chí về thu nhập trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương

Để giúp hội viên phát triển kinh tế, các cấp Hội Nông dân trong huyện đã cũng đã chủ động khai thác các nguồn vốn từ trung ương và nguồn vốn của địa phương để tín chấp cho nông dân vay đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình; tổ chức hội đã phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện nhận tín chấp và ủy thác giúp hàng nghìn lượt hộ hội viên nông dân vay vốn để phát triển kinh tế. Từ các nguồn vốn vay, các dự án được triển khai trong những năm vừa qua gắn với phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi của Hội Nông dân đã góp phần động viên, khích lệ nông dân trong huyện đổi mới cách nghĩ, cách làm khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh của địa phương thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Đến nay toàn huyện Hàm Yên đã có trên 5.500 hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, tăng trên 1000 hộ so với năm 2015. Trong đó cấp cơ sở 4.500 hộ; cấp huyện 789 hộ; cấp tỉnh 198 hộ và cấp trung ương 50 hộ.

Có thể khẳng định phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở huyện Hàm Yên không chỉ tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn khơi dậy tinh thần đoàn kết gắn bó ý thức tự lực tự cường cần cù sáng tạo của giai cấp nông dân vươn lên làm giàu chính đáng góp phần tích cực trong công tác giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm quốc phòng, an ninh thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương những năm qua./.

Nguyễn Thị Thu Hương/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục