Tuyên Quang dồn lực ở chặng nước rút quyết tâm hoàn thành kế hoạch xây dựng Nông thôn mới năm 2023

Sau hơn 12 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) Xây dựng nông thôn mới (NTM), năm 2023, tỉnh Tuyên Quang đặt mục tiêu có thêm 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 09 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành kế hoạch trên, ngày 07/12/2023 UBND tỉnh Tuyên Quang đã có Văn bản số 6155/UBND-KT gửi các thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh, UBND các huyện thành phố đôn đốc thực hiện kế hoạch xây dựng NTM.

.Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh họp cùng các Sở, ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình năm 2023

Sau hơn 12 năm thực hiện, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương, của tỉnh, cùng với quyết tâm cao, cách làm sáng tạo của các địa phương và sự nỗ lực của Nhân dân, Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả khá toàn diện. Cơ sở hạ tầng, bức tranh nông thôn có nhiều đổi thay tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Các tiêu chí NTM lần lượt được củng cố, hoàn thiện và nâng chất. Ngành Nông nghiệp có những thay đổi rõ nét, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, gắn với thương mại, dịch vụ và du lịch. 

Thời gian qua các cấp, các ngành đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng NTM đạt được kết quả khá toàn diện. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng xã NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và tiến độ thực hiện các mô hình chuyên đề tại một số địa phương còn rất chậm. Để đẩy mạnh thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, tập trung hoàn thành các mục tiêu kế hoạch năm 2023 và phấn đấu hoàn thành kế hoạch xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025; UBND tỉnh giao các sở, ngành liên quan, và UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:

UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu (theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2010-2015 và giai đoạn 2016-2020 rà soát, đánh giá lại các tiêu chí; xây dựng lộ trình triển khai củng cố các tiêu chí, đáp ứng yêu cầu các tiêu chí xã NTM, xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu (Theo đúng yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025).

Đối với các xã đăng ký đạt chuẩn năm 2023, tiến hành rà soát, đánh giá các tiêu chí, xác định rõ các công trình thiết yếu cần phải xây dựng, sửa chữa, nâng cấp đáp ứng yêu cầu đạt chuẩn của từng tiêu chí (chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng môi trường sống ở nông thôn), phù hợp với nhu cầu sử dụng và nguồn lực huy động tránh dàn trải, lãng phí. Hoàn thiện hồ sơ xét công nhận theo đúng kế hoạch.

Uỷ ban nhân dân huyện Hàm Yên, huyện Sơn Dương tăng cường triển khai các giải pháp để hoàn thiện các tiêu chí huyện nông thôn mới; rà soát hồ sơ các xã đã đạt chuẩn theo các Bộ tiêu chí của giai đoạn trước để củng cố đáp ứng theo quy định của các Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025.

Các thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tại các xã thuộc địa bàn được phân công phụ trách; Hướng dẫn đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu theo lĩnh vực chuyên môn của ngành, đơn vị tại các xã mục tiêu, đảm bảo thẩm định đạt chuẩn quy định theo đúng lộ trình kế hoạch; kịp thời phối hợp với chính quyền cơ sở tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Đến ngày 31/12/2022, Toàn tỉnh có 54/122 xã (44,3%) đạt chuẩn NTM, 08 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 01 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Bình quân toàn tỉnh đạt 15,16 tiêu chí/xã; có 01/07 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM. Toàn tỉnh có 191 sản phẩm OCOP trên địa bàn 94 xã, phường, thị trấn của 134 chủ thể (gồm 104 hợp tác xã, 11 doanh nghiệp, 04 tố hợp tác và 15 hộ kinh doanh); trong đó 149 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 41 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 01 sản phẩm trình Hội đồng OCOP quốc gia đánh giá, phân hạng 5 sao (chè Shan Tuyết Hồng Thái, loại 1 tôm 1 lá)". Xây dựng được 41 mô hình trình diễn áp dụng các giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, trong đó 38 mô hình về trồng trọt với tổng diện tích 174,5 ha và 03 mô hình về chăn nuôi (có 04 sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý: Cam sành Hàm Yên, Bưởi Soi Hà Yên Sơn, Chè Shan tuyết Na Hang và Rượu ngô men lá Na Hang). Dự kiến hết năm 2023, có thêm 95 sản phẩm được đánh giá, phân loại OCOP lần đầu; 50 sản phẩm đánh giá lại và 11 sản phẩm nâng hạng (trong đó có 01 sản phẩm 05 sao); đang thực hiện xây dựng, đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Chiêm Hóa” cho sản phẩm thịt Trâu của huyện Chiêm Hóa; có 16 hàng hóa, dịch vụ được cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, lũy kế có 307 sản phẩm, dịch vụ được bảo hộ; trong đó trên 70 sản phẩm nông sản chủ lực, đặc sản được cấp Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu.

Có thể thấy, Tuyên Quang đã, đang nhận diện đúng thực tế để phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu. Với sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, tập trung cùng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của Nhân dân trong tỉnh, tin rằng Tuyên Quang sẽ hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM theo đúng lộ trình đã đề ra./.

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục