Kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Kiên Giang và tỉnh Đồng Tháp

Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, là Chương trình tổng thể về kinh tế - xã hội - an ninh - chính trị, trong đó việc thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và phát triển sản xuất nâng cao đời sống của nhân dân trên địa bàn nông thôn đặc biệt được coi trọng; là cuộc "cách mạng" về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.Trong xây dựng nông thôn mới ở các tỉnh bạn có nhiều sáng tạo cần học tập để vận dụng vào thực tiễn xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Thực hiện Kế hoạch số 104/KH-UBND ngày 31/12/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang, năm 2017. Từ ngày 28/09/2017 đến ngày 09/10/2017, Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang tổ chức Đoàn cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh, cấp huyện đi học tập kinh nghiệm tại tỉnh Kiên Giang và tỉnh Đồng Tháp.

Để chuẩn bị tốt cho chuyến đi học tập kinh nghiệm tại 02 tỉnh, Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang đã có văn bản đề nghị Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Kiên Giang và tỉnh Đồng Tháp giúp đỡ, tạo điều kiện về chương trình, thời gian, nội dung trao đổi, học tập kinh nghiệm về xây dựng nông thôn mới và lựa chọn địa điểm để thăm quan, học tập các mô hình thực tế trên địa bàn.


 Đoàn công tác tỉnh Tuyên Quang trao đổi, học tập kinh nghiệm về xây dựng nông thôn mới tại xã Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang

Tại tỉnh Kiên Giang, Đoàn công tác đã trao đổi, học tập kinh nghiệm với Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Kiên Giang; Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Giồng Riềng; Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng. Đoàn công tác đã trao đổi một số nội dung như: Tình hình triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn (Công tác lãnh đạo, chỉ đạo; việc ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình); kết quả huy động nguồn lực để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới (kết quả thực hiện nâng số tiêu chí bình quân, công tác phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, công tác vệ sinh môi trường nông thôn); kết quả thực hiện xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới (phương thức lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện; tiếp cận cơ chế chính sách của tỉnh, thị xã để hoàn thiện các tiêu chí; công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, cộng đồng xã hội tham gia đóng góp nguồn lực thực hiện; nghiên cứu hồ sơ đề nghị công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới…). Đoàn công tác đi tham quan thực tế một số công trình hạ tầng kinh tế - xã hội, thực hiện theo phương châm: “Nhà nước và nhân dân cùng làm” như: Đường giao thông thôn, nhà văn hóa thôn, xóa nhà tạm dột nát, môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm… và một số mô hình sản xuất hàng hóa giúp tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn xã Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng, như: Mô hình làm Bánh tráng (thương hiệu Bánh tráng Thạnh Hưng) đã được tỉnh Kiên Giang công nhận là nghề Bánh tráng truyền thống; Mô hình trồng hồ tiêu kết hợp thả cá trên các kênh rạch dẫn nước; Mô hình Hộ nông thôn mới…


 Mô hình trồng hồ tiêu kết hợp thả cá trên các kênh rạch dẫn nước tại xã Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang

Tại tỉnh Đồng Tháp, Đoàn công tác trao đổi, học tập kinh nghiệm với Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Đồng Tháp, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Hòa An, thành phố Cao Lãnh.  Nội dung trao đổi: Tình hình triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, đặc biệt chú trọng đến mô hình “xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu” và “thôn đạt chuẩn nông thôn mới”, “hộ gia đình đăng ký cam kết thực hiện đạt chuẩn nông thôn mới”. Đoàn công tác tham quan một số mô hình sản xuất như: Sản xuất xoài theo tiêu chuẩn VietGAP có liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp; Mô hình “Hội quán nông dân”: Là mô hình do nông dân tự lập ra để cùng sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm và kỹ thuật mới trong sản xuất…


Mô hình sản xuất xoài theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Hòa An, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp

Mô hình “Hội quán nông dân” tại xã Hòa An, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp

Qua chuyến học tập kinh nghiệm tại tỉnh Kiên Giang và tỉnh Đồng Tháp, Đoàn công tác đã rút ra được một số kinh nghiệm trong việc tổ chức thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, cụ thể:

Thứ nhất, phải có quyết tâm chính trị cao, nhất là vai trò của người đứng đầu; sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt, thường xuyên, liên tục, đồng bộ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Có bộ máy giúp việc các cấp đủ năng lực, chuyên nghiệp, bám sát thực tế.

Thứ hai, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia đóng góp tiền, vật liệu, ngày công và phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới.

Thứ ba, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc qua quá trình triển khai thực hiện. Làm tốt công tác thi đua, khen thưởng nhằm kịp thời động viên, khuyến khích các địa phương, tổ chức, cá nhân trong xây dựng nông thôn mới.

Thứ tư, có cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện ở từng địa phương; phát huy cao độ vai trò dân chủ ở cơ sở.

Thứ năm, chú trọng phát triển sản xuất thông qua liên kết gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ. Phát huy vai trò của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác… trong phát triển sản xuất nông lâm nghiệp hàng hóa.

Những kinh nghiệm trên sẽ giúp cho các thành viên trong Đoàn công tác nâng cao chất lượng trong công tác tham mưu tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Tuyên Quang./.

Nguyễn Thành Lê - Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục