Sơn Dương những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới

Những kết quả đạt trong thực hiện chương trình nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011-2022 là tiền đề quan trọng để huyện Sơn Dương thực hiện Đề án xây dựng huyện Sơn Dương đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2023-2025 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang phê duyệt tại Quyết định số 150/QĐ-UBND ngày 24/4/2023.

Huyện Sơn Dương có 25 xã thuộc khu vực III, khu vực II vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; trong đó có 72 thôn nằm trong 7 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, 14 xã thuộc vùng ATK. Toàn huyện có 9.199 hộ nghèo đa chiều chiếm tỷ lệ 18,27%. Những năm qua được sự quan tâm của các cấp, các ngành cùng với sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Sơn Dương đã đạt được nhiều kết quả trong phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội, thu nhập của người dân đã được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được nâng cao, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được củng cố; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất chuyển dịch theo chiều hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, nông thôn ổn định, an ninh trật tự được giữ vững và nâng cao.

Đặc biệt sự vào cuộc đồng bộ của toàn bộ hệ thống chính trị các cấp trong công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới, đã từng bước khơi dậy được sự đồng thuận của toàn thể cộng đồng dân cư nông thôn, từ đó tạo sự lan tỏa và phát huy được sức mạnh đoàn kết, tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện xây dựng nông thôn mới. Qua phong trào xây dựng nông thôn mới đã có nhiều nhân tố mới, nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, nhiều xã đã có chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp; tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao đời sống vật chất cho người dân, từng bước giảm nghèo bền vững. Đến nay huyện Sơn Dương có 13/30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 43,33%, có 01 xã (Sơn Nam) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; tiêu chí bình quân đạt 15,3 tiêu chí/xã.

Phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân

Xác định đổi mới phương thức sản xuất là điều kiện nâng cao thu nhập và chất lượng đời sống người dân, trong thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện Sơn Dương chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, xem đây là “chìa khóa” xây dựng NTM bền vững và có chiều sâu.

Theo đó, trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện Sơn Dương tập trung thực hiện cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu thị trường, từng bước xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Trong đó chú trọng phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của địa phương theo chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Đến nay Sơn Dương đã xây dựng thành công các chuỗi liên kết giá trị nông sản, xây dựng thương hiệu sản phẩm, đã có 33 sản phẩm OCOP, 09 sản phẩm 4 sao, 24 sản phẩm 3 sao góp phần thúc đẩy phát triển những sản phẩm đặc sản của địa phương. Đề án thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Sơn Dương giai đoạn 2021 - 2025 phấn đấu đạt trên 31 sản phẩm được xếp hạng 3 sao OCOP trở lên, ít nhất mỗi xã có 1 sản phẩm OCOP được xây dựng, tiêu chuẩn hóa, tham gia đánh giá xếp hạng theo tiêu chuẩn OCOP. Nâng cấp một số sản phẩm 3 sao lên 4 sao; Phát triển mới ít nhất 10 tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP; Ưu tiên mô hình thành lập hợp tác xã; ưu tiên đơn vị có sự tham gia quản trị của người địa phương. Xây dựng các sản phẩm OCOP tham gia chuỗi liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ, hữu cơ để nâng cao chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Xây dựng các điểm bán hàng giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Gắn đào tạo nghề cho lao động nông thôn với giảm nghèo bền vững

Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần giảm hộ nghèo trên địa bàn, thời gian qua, huyện Sơn Dương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khảo sát, xây dựng chương trình đào tạo nghề theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động được lựa chọn học những nghề phù hợp với nhu.  Đến hết năm 2021 đã tổ chức học nghề cho 2.860 lao động nông thôn, trong đó số lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo là 316 học viên, đạt tỉ lệ trên 10%. Các ngành nghề như: May công nghiệp, điện công nghiệp, điện lạnh, cơ khí hàn, sữa chữa máy nông nghiệp, công nghệ ô tô, chăn nuôi, trồng cây công nghiệp, được chú trọng đào tạo,  tỷ lệ học viên sau đào tạo có việc làm và thu nhập ổn định đạt trên 90%; nhiều học viên thuộc hộ nghèo đã thoát nghèo, vươn lên thành hộ có thu nhập ổn định, nhiều hộ có mô hình kinh tế phát triển khá ở địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở địa phương, 06 tháng đầu năm 2023 huyện Sơn Dương tổ chức khai giảng 4 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại 2 xã Đại Phú và Minh Thanh với 140 học viên tham gia, trong đó có 1 lớp đào tạo nghề điện, 1 lớp đào tạo trồng lúa hữu cơ và 2 lớp đào tạo về chăn nuôi gia súc gia cầm.

Quan tâm giải quyết môi trường nông thôn

Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Sơn Dương đã được các tổ chức đoàn thể huyện triển khai với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, hiệu quả. Qua đó, nâng cao ý thức của mỗi người dân và cộng đồng trong việc tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng môi trường sống xanh, sạch, đẹp và xây dựng đô thị văn minh. Huyện đã quy hoạch chi tiết xây dựng Nhà máy xử lý rác thải huyện tại thôn Phúc Lợi, xã Phúc Ứng và xây dựng các bãi xử lý rác thải tập trung tại 7 xã. Toàn huyện có 13 xã đạt tiêu chí về môi trường; có 41 công trình cấp nước sạch tập trung cho 4.293 hộ. Các xã, thị trấn đã xây dựng 334 mô hình tổ tự quản về bảo vệ môi trường, vệ sinh đường làng ngõ xóm với trên 3.500 thành viên; 400 khu dân cư ký cam kết bảo vệ môi trường; trên 90% người dân trên địa bàn huyện được sử dụng nguồn nước sạch... Tổ chức thực hiện phong trào “Ngày thứ 7 tham gia xây dựng nông thôn mới gắn với việc thực hiện Đề án số 02”, lựa chọn các công việc cụ thể, lâu dài theo nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị để cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân thực hiện có hiệu quả.

Lễ khai giảng năm học mới xã Thượng Ấm năm 2022-2023

Với sự quan tâm của Quốc hội, các Bộ, ban, ngành Trung ương, sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành và sự chung tay, góp sức của người dân, tổng nguồn lực huy động trên địa bàn huyện để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2011-2022 là 2.993.151 triệu đồng. Cụ thể như sau: Vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp từ chương trình 947.505 triệu đồng, chiếm 31,66% (Ngân sách Trung ương 285.355 triệu đồng; ngân sách tỉnh 390.180 triệu đồng; ngân sách huyện 271.970 triệu đồng); Vốn lồng ghép các chương trình dự án 1.155.808 triệu đồng, chiếm 38,62%; Vốn tín dụng 89.486 triệu đồng, chiếm 3,00%; Vốn doanh nghiệp 281.795 triệu đồng, chiếm 9,41%; Vốn cộng đồng dân cư và huy động khác là 518.556 triệu đồng, chiếm 17,32%.

Sự quyết tâm cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện, triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, làm cho diện mạo nông thôn Sơn Dương thay đổi tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, nhân dân nhận thức được việc xây dựng nông thôn là đem lại lợi ích cho người dân một cách thiết thực, đồng thời xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và Nhân dân đối với quê hương cách mạng, Thủ đô Kháng chiến nơi Bác Hồ và các cơ quan Trung ương đã ở và làm việc trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Sơn Dương đã khơi dậy phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới sâu rộng ở các xã, là cơ sở thuận lợi để thực hiện xây dựng huyện Sơn Dương trở thành huyện nông thôn mới trong giai đoạn 2023-2025./.

Lê Tuấn Nghĩa/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục