Chú trọng phát triển sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới ở Lực Hành

Xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là cốt lõi trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. hời gian qua, xã Lực Hành, huyện Yên Sơn đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong phát triển sản xuất như: áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa… nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.

Nhiều năm trở lại đây, nghề trồng na đã trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ nông dân ở Lực Hành. Trước đây, người trồng na ở Lực Hành chỉ trồng, chăm sóc theo phương pháp truyền thống nên hiệu quả không cao. Để nâng cao giá trị của cây na, bà con nông dân trên địa bàn xã đã áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất như cắt tỉa cành, tạo tán, sử dụng phân bón có nguồn gốc sinh học. Đặc biệt là thụ phấn nhân tạo cho cây na để cây ra quả và thu hoạch theo ý muốn, tăng năng suất và tạo ra sản phẩm không chỉ có mẫu mã đẹp mà còn có chất lượng thơm ngon, an toàn, được khách hàng nhiều nơi ưa chuộng. Từ trồng na, nhiều nông dân nơi đây đã thu về vài trăm triệu đồng/vụ.

Gia đình ông Đỗ Khắc Hoạt, thôn Minh Khai là hộ trồng na có thâm niên lâu năm ở Lực Hành. Nhờ áp dụng kỹ thuật thụ phấn cho hoa và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học để phòng trừ dịch hại theo quy trình VietGAP nên sản phẩm của gia đình ông luôn đạt cả về năng xuất, chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Với trên 700 cây na được trồng, hàng năm đã mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập đáng kể.

Vườn na của gia đình ông Đỗ Khắc Hoạt, thôn Minh Khai, xã Lực Hành, huyện Yên Sơn

Ông Đỗ Khắc Hoạt chia sẻ: Nhờ việc thụ phấn nhân tạo, người trồng có thể quyết định được số lượng quả trên 1 cây, phân được thời gian quả chín theo đợt để tránh thu hoạch ồ ạt, đặc biệt là không năm nào na bị mất mùa. Thụ phấn thường tiến hành vào thờ gian từ 7 - 9 giờ sáng khi những hoa có 3 cánh trong đã nở, đầu nhụy đã chuyển sang màu trắng, có nhiều chất dính. Do có tiếng trồng na sạch nên cứ đến vụ vườn na của gia đình ông được thương lái ưu tiên thu mua với giá khá cao so với giá chung của thị trường.Thực hiện tốt các khâu chăm sóc, hơn 2 ha na đã mang lại cho gia đình ông Hoạt khoảng 200 triệu đồng tiền lãi mỗi vụ.

Trong sản xuất, xã Lực Hành luôn quan tâm đến quy hoạch, nâng cao giá trị đối với những loại cây ăn quả có thế mạnh của địa phương, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã. Đồng thời, vận động, hướng dẫn bà con nông dân sản xuất an toàn và liên kết theo chuỗi giá trị nhằm giúp nông dân tiêu thụ nông sản gắn với thực hiện chương trình mỗi xã một sản  phẩm. Với các cơ chế chính sách của tỉnh, xã cũng đã khuyến khích được người dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại theo hướng sản xuất hàng hóa, mở các ngành nghề dịch vụ để tăng thêm nguồn thu nhập cho người dân.

Ông Hoàng Văn Kế, Chủ tịch UBND xã Lực Hành cho biết: Để nâng cao thu nhập cho người dân theo tiêu chí nông thôn mới, ngoài việc đẩy mạnh xây dựng các công trình hạ tầng ở nông thôn, xã đã phát huy hiệu quả các chương trình dự án hỗ trợ phát triển sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương, xây dựng các mô hình kinh tế cho thu nhập cao. Trong đó tập trung vào phát triển những cây trồng chủ lực của xã như là cây bưởi, cây na và cây dong riềng. Thời gian tới xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Từ thực tế cho thấy, việc chú trọng phát triển sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người dân ở Lực Hành. Từ sản xuất, người nông dân tích lũy được vốn, kinh nghiệm trong quản lý và sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và tăng thu nhập, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn./.

Nguyễn Thị Thu Hương/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục