Nỗ lực thực hiện tiêu chí Giáo dục và Đào tạo trong xây dựng nông thôn mới

Giáo dục là một trong những tiêu chí quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Tại tỉnh Tuyên Quang, được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, tinh thần cộng đồng trách nhiệm của các cấp, các ngành, thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT, thực hiện thành công công tác xây dựng NTM.

Trường Tiểu học Phan Thiết tổ chức ngoại khoá cho các em học sinh

Nhiều kết quả nổi bật

Theo Sở GD-ĐT, trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM có 02 tiêu chí thuộc lĩnh vực GD-ĐT, gồm: Tiêu chí số 5 Trường học và tiêu chí số 14 GD-ĐT. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, Sở GD-ĐT đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và hướng dẫn các địa phương trong công tác quy hoạch và tổ chức sắp xếp, tinh gọn mạng lưới trường, lớp phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Thống kê đến cuối tháng 4/2024, toàn tỉnh có 79/122 xã đạt tiêu chí số 5, đạt 64,75%; phổ cập giáo dục (PCGD) mầm non cho trẻ em 5 tuổi: 122/122 xã đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ em 5 tuổi; 07/07 huyện, thành phố đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ em 5 tuổi; tỉnh Tuyên Quang đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ em 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học: 122/122 xã đạt chuẩn PCGD tiểu học; 4/7 huyện đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 2; 3/7 huyện, thành phố đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3; tỉnh Tuyên Quang đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 2. Xóa mù chữ: 122/122 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ; 7/7 huyện, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, tỉnh Tuyên Quang đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Đối với kết quả thực hiện tiêu chí số 5 huyện NTM, ngành GD-ĐT đã rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Tập trung kinh phí đầu tư cơ sở vật chất có trọng điểm theo quy hoạch trường chuẩn quốc gia và theo kế hoạch xây dựng NTM của đơn vị. Đến nay các trường đạt chuẩn quốc gia có 11/35 trường THPT chiếm 21,3%; 101/148 trường THCS chiếm 67,8 %; 92/124 trường TH chiếm 74,2 %; 84/152 trường Mầm non chiếm 55,3%.

Thực hiện tiêu chí số 14 về GD-ĐT, ngành tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển trường học đạt chuẩn quốc gia, xây dựng kế hoạch kiểm tra công nhận trường đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất. Tập trung kinh phí đầu tư cơ sở vật chất. Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng xã hội và phụ huynh, gia đình học sinh, xây dựng môi trường lành mạnh để quản lý, chăm sóc, giáo dục học sinh. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng theo quy định trường chuẩn

Tiếp tục nâng chất

Để tiếp tục hoàn thành tốt tiêu chí giáo dục trong xây dựng NTM, Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có 53% số trường mầm non, trên 70% trường tiểu học, trên 70% trường THCS và trên 35% trường THPT đạt chuẩn quốc gia theo chuẩn mới. Đồng thời, tăng cường số lượng và chất lượng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT; triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn; nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non; duy trì và nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục…

Phát huy tốt vai trò của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, thành viên Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập và phổ cập giáo dục các cấp đối với công tác PCGD, xóa mù chữ (XMC). Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cán bộ, nhân dân hiểu đúng về ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm trong việc thực hiện PCGD, XMC.. Đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục, tạo phong trào toàn dân chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo nói chung, trong đó có PCGD, XMC. Thống kê đến nay, trên địa bàn tỉnh số xã đạt tiêu chí 14 với chỉ tiêu 14.1, 14.2 gồm 121/122 xã, đạt 99,18%. Tỷ lệ trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%.

Xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu, Tuyên Quang triển khai lồng ghép nhiều chương trình xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học, từ chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình xã hội hóa, kêu gọi sự vào cuộc của phụ huynh học sinh để đầu tư xây mới, sửa chữa  trường, lớp học. Trong năm 2023 đã thực hiện xây dựng mới, sửa chữa 75 công trình trường học, gồm: 23 công trình trường Mầm non, mẫu giáo; 28 công trình trường Tiểu học và bán trú; 23 công trình trường Trung học cơ sở; xây dựng 01 cơ sở hạ tầng Trường THCS & THPT Kháng Nhật huyện Sơn Dương; kế hoạch năm 2024 dự kiến xây dựng 55 công trình trường học, gồm: 19 công trình trường Mầm non; 18 công trình trường Tiểu học và bán trú; 16 công trình trường Trung học cơ sở; xây dựng 01 cơ sở hạ tầng Trường THPT Sơn Nam huyện Sơn Dương; xây dựng 01 cơ sở hạ tầng Trường THPT ATK Tân Trào.

Một số giải pháp

Để tiếp tục hoàn thành tốt tiêu chí giáo dục trong xây dựng NTM, Tuyên Quang cần tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học, phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 70% trường học trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia theo chuẩn mới. Đồng thời, tăng cường số lượng và chất lượng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới GDĐT; triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn; nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non; duy trì và nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục.

 Theo đó, một số công việc trọng tâm được toàn ngành đặt ra là: tổ chức sắp xếp hệ thống mạng lưới cơ sở GD-ĐT, quy mô trường, lớp phù hợp và khoa học; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, giảng viên đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới; triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình Giáo dục phổ thông mới ở các bước tiếp theo, nâng cao chất lượng GD-ĐT; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trường, lớp phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới; phát huy tốt các nguồn lực góp phần phát triển sự nghiệp GD-ĐT./.

Trần Hồng Khuyên/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục