Hàm Yên nỗ lực trong công tác giảm nghèo

Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo đảm an sinh xã hội và góp phần trong việc thực hiện kế hoạch phấn đấu huyện Hàm Yên đạt huyện nông thôn mới vào năm 2025. Thời gian qua, huyện Hàm Yên đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện có hiệu quả 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo có cơ hội phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh, huyện Hàm Yên đã thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và phân công các thành viên phụ trách, theo dõi và hướng dẫn các địa phương triển khai kế hoạch thực hiện. Theo đó, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng. Giới thiệu các gương điển hình, sáng kiến, mô hình tốt về giảm nghèo để thúc đẩy, nhân rộng và lan tỏa trên địa bàn toàn huyện.

Để trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2025, huyện Hàm Yên xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Vì vậy, thời gian qua, huyện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả như tạo điều kiện để hộ nghèo được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao thu nhập. Đồng thời hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo về chính sách hỗ trợ về nhà ở. Chỉ tính trong năm 2023, toàn huyện đã triển khai hỗ trợ 262 hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn làm mới và sửa chữa nhà ở với kinh phí 11.815 triệu đồng. Trong đó: Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 93 nhà với số tiền 4.550 triệu đồng; Quỹ Thiện Tâm 08 nhà với số tiền 480 triệu đồng; Ngân hàng Ngoại thương 38 nhà với số tiền 1.900 triệu đồng; UBND tỉnh Đồng Nai 20 nhà với số tiền là 1.000 triệu đồng; Hội doanh nghiệp tỉnh 09 nhà với số tiền 450 triệu đồng; Nguồn việt kiều 20 nhà với số tiền 1.000 triệu đồng; HĐND - UBND huyện 01 nhà với số tiền 50 triệu đồng; Quỹ vì người nghèo huyện 15 nhà với số tiền 750 triệu đồng; Quỹ Vì người nghèo xã 20 nhà với số tiền 204 triệu đồng; Trung tâm y tế huyện 02 nhà với số tiền 100 triệu đồng; Quỹ đền ơn đáp nghĩa huyện 18 nhà với số tiền 580 triệu đồng; Hội Liên hiệp phụ nữ huyện 02 nhà với số tiền 100 triệu đồng; Đoàn thanh niên huyện 03 nhà với số tiền 240 triệu đồng; Hội Cựu chiến binh huyện 06 nhà với số tiền 250 triệu đồng; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện 01 nhà với số tiền 50 triệu đồng; doanh nghiệp và các nguồn hỗ trợ khác 05 nhà với số tiền 111 triệu đồng. Với những giải pháp cụ thể, phù hợp, huyện Hàm Yên giảm 1.542 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 14,80 % xuống còn 10,33%.

Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Hàm Yên thăm mô hình thoát nghèo từ nuôi bò sinh sản của gia đình anh Hoàng Văn Thể, thôn 1 Làng Bát, xã Tân Thành (Nguồn ảnh: Tuyên Quang Online)

Bà Ma Như Trang  Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hàm Yên cho biết: Bên cạnh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo như: chính sách tín dụng, y tế, xóa nhà ở tạm, chính sách lao động việc làm... huyện Hàm Yên đã triển khai 16 mô hình khuyến nông, trong đó có 8 mô hình thực hiện trên cây cam, 02 mô hình thực hiện trên cây mía, 01 mô hình thực hiện trên cây lấy hạt vụ đông, 01 mô hình trên cây rau, 01 mô hình thực hiện nâng cao tỷ lệ tiêm văc xin phòng bệnh Cúm gia cầm, 01 mô hình hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi dê vỗ béo, 01 mô hình chăn nuôi vịt bầu đất. Qua đó, đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất. Đến nay, tổng nguồn vốn dư nợ cho hộ nghèo vay đạt trên 550 tỷ đồng. Trên địa bàn huyện có 160 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký 1.533,81 tỷ; 79 Hợp tác xã; 144 trang trại.

Huyện cũng đã thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động nghèo; chú trọng thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm và học nghề ở các xã vùng tái định cư, vùng ít đất sản xuất. Năm 2023, đã giải quyết việc làm cho 3.653 người, trong đó: giải quyết việc làm trong các ngành kinh tế: 2.423 lao động; Lao động đi làm việc tại các tỉnh, thành phố 1.124 lao động; Xuất khẩu lao động nước ngoài: 106 lao động. Mặt khác, từ nguồn vốn sự nghiệp của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, huyện đã tổ chức 23 lớp đào tạo nghề cho 794 học viên với số kinh phí trên 1.232 triệu đồng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%, trong đó qua đào tạo nghề đạt 44,2%.

Trong giai đoạn 2021-2025, huyện Hàm Yên phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm từ 3% trở lên. Để thực hiện tốt công tác giảm nghèo, huyện sẽ tiếp tục thực hiện việc rà soát, nắm chắc nguyên nhân dẫn đến nghèo để có giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ. Đồng thời huy động tối đa các nguồn lực để hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo. Hỗ trợ người nghèo sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet, ứng dụng công nghệ thông tin để học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm giải pháp vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng./.

Nguyễn Thị Thu Hương/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục