Ý Đảng lòng dân trong xây dựng nông thôn mới

Trong những năm qua kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn của tỉnh đã từng bước được đầu tư đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện được vai trò thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh hơn, bước đầu tạo lập được sự kết nối của các địa phương trong tỉnh.

Với đặc thù của tỉnh miền núi, việc phát triển giao thông nông thôn luôn được tỉnh Tuyên Quang xác định là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021-2025 được Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành tại Nghị quyết số 55/NQ-HĐND ngày 20/11/2020 với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, Nhà nước hỗ trợ xi măng, ống cống và chi phí vận chuyển, bốc xếp, thuê máy trộn bê tông 20 triệu đồng/km đối với đường thôn, 15 triệu đồng/km đối với đường nội đồng; kinh phí cho công tác quản lý 2 triệu đồng/km. Nhân dân tự nguyện hiến đất và giải phóng mặt bằng, đóng góp ngày công lao động, máy, thiết bị phục vụ thi công, vật tư, vật liệu và tự tổ chức thi công công trình đảm bảo chất lượngđã và đang được người dân đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia thực hiện.

Cùng với nỗ lực chung của toàn tỉnh, để thực hiện và hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, các huyện, thành phố đã tập trung các nguồn lực để đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn theo hướng đồng bộ, hiện đại tạo động lực thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội nông thôn.Các địa phươngđã duy trì và phát huy cách làm sáng tạo, hiệu quả từ những giai đoạn trước - đó là huy động sức dân tham gia làm đường giao thông nông thôn, tạo thêm nguồn lực đáng kể, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

Năm 2021, xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương phấn đấu về đích nông thôn mới. Vì vậy, khi triển khai Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, huyện Sơn Dương đã ưu tiên và lựa chọn xã Tú Thịnh là xã đầu tiên để thực hiện.Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2025, huyện Sơn Dương sẽ thực hiện bê tông hóa trên 150 km đường giao thông nông thôn; 99,5 km đường giao thông nội đồng và 30 cầu trên đường giao thông nông thôn.Qua rà soát, xã Tú Thịnh có nhu cầu bê tông hóa trên 17 km đường giao thông, trong đó có trên 4 km đường do huyện quản lý, còn lại13 km đường giao thông nông thôn được đưa vào kế hoạch năm 2021. Để góp phần hoàn thành mục tiêu kế hoạch, Cấp ủy chính quyền xã Tú Thịnh đã chỉ đạo các thôn tổ chức họp, lấy ý kiến và có sự bàn bạc, thống nhất trong nhân dân. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh đã giúp người dân hiểu rõ ý nghĩa của Chương trình và cùng đồng thuận tham gia.

Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông Vận tải tham gialàm đường giao thông nông thôn tại xã Tú Thịnh

Tú Tác là một thôn có điều kiện kinh tế đang phát triển của xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương. Thôn Tú Tác có gần 30 hộ nghèo,cận nghèo trong tổng số trên 260 hộ gia đình. Ngay sau khi có chủ trương phê duyệt kế hoạch thực hiện làm đường giao thông nông thôn năm 2021. Cấp ủy chính quyền thôn Tú Tác đã tổ chức họp dân, tổ chức tuyên truyền, “dân vận khéo” vận động được nhiều hộ gia đình trong thôn tự nguyện đóng góp tiền, hiến đất, phá bỏ hoa màu… để thôn tổ chức thi công xây dựng công trình đường giao thông nội đồng vào vùng sản xuất hàng hóa rộng trên 20ha, tiêu biểu như hộ gia đình ông Nguyễn Văn Khoa, ông Chu Văn Luông…

Tại huyện Hàm Yên, nhiều năm qua tuyến đường vào khu sản xuất nông nghiệp hàng hóa của thôn 1 Minh Thái, xã Thái Sơn đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Khi có chủ trương hỗ trợ của Nhà nước, mới chỉ có 02 hộ dân tự nguyện tham gia đóng góp. Cấp ủy chính quyền thôn đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân trong thôn. “Mưa dầm thấm lâu”, nhận thấy sự quyết tâm của 2 gia đình, nhiều hộ dân thường xuyên đi lại sản xuất trên tuyến đường này đã “chung sức, đồng lòng”đóng góp tiền của, ngày công lao động hoàn thành tuyến đường. Trong 5 năm tới, huyện Hàm Yên sẽ thực hiện bê tông hóa 167 km đường thôn, 58 km đường nội đồng và xây dựng 32 cầu trên đường giao thông nông thôn. Đây là yếu tố quan trọng để huyệnHàm Yên hoàn thành mục tiêu phấn đấu đạt Huyện nông thôn mới vào năm 2025.

Giai đoạn 2021-2025, huyện Yên Sơn phấn đấu bê tông hóa 351,93 km đường giao thông nông thôn và đường nội đồng, xây dựng 49 cầu trên đường giao thông nông thôn. Năm 2021, bê tông hóa 61,51 km đường giao thông nông thôn, xây dựng 6 cầu trên đường giao thông nông thôn. Cũng với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, xã Chiêu Yên, huyện Yên Sơn đã huy động được sự tham gia tích cực của nhân dân thông qua những việc làm thiết thực như: Tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền, vật liệu, ngày công lao động... Khi Ủy ban nhân dân xã triển khai Đề án, nhận thấy lợi ích của việc làm đường giao thông nông thôn, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã tự nguyện hiến đất để thôn, xã thi công xây dựng công trình. Có thể nói, đây là Đề án nhận được sự vào cuộc, đồng tình hưởng ứng của người dân. Ngay sau khi triển khai thực hiện, đã khơi dậy nguồn lực trong nhân dân cùng chung sức triển khai thực hiện một cách hiệu quả.

Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư công bị cắt giảm đáng kể, việc chủ động, linh hoạt lồng ghép các chương trình, dự án để xây dựng hạ tầng giao thông, nhất là giao thông nông thôn  ngày càng trở nên khó khăn. Vì vậy, bên cạnh việc chủ động cân đối nguồn kinh phí để hỗ trợ kịp thời,nguyên tắc “công bằng, công khai, miễn giảm cho các hộ nghèo, gia đình chính sách trong quá trình huy động nguồn lực từ người dân” được các địa phương trong tỉnh đặc biệt quan tâm và quán triệt nghiêm túc. Tùy theo điều kiện cụ thể của từng hộ gia đình, từng thôn, xóm, xã để vận dụng hình thức đóng góp đảm bảo phù hợp. Với cách làm sáng tạo, vừa huy động được sức dân, vừa giãn mức đóng góp của người dân thông qua việc vận động các hộ gia đình tự nguyện hiến đất, di dời nhà cửa, công trình kiến trúc để giải phóng mặt bằng... việc làm này vừa nhận được sự đồng tình của người dân, vừa mang ý nghĩa sẻ chia sâu sắc, góp phần gắn kết tình cảm, trách nhiệm xóm làng, cộng đồng dân cư trong xây dựng nông thôn mới.

Với mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu bê tông hóa ít nhất 1.080 km đường thôn và đường nội đồng; xây dựng ít nhất 200 cầu trên đường giao thông nông thôn. Từ năm 2026 đến năm 2030 sẽ tiếp tục đầu tư, xây dựng các cầu còn lại trên đường giao thông nông thôn theo đề án. Việc thực hiện Đề án cũng sẽ góp phần phát triển  hệ thống giao thông nông thôn, đáp ứng nhu cầu đi lại thuận lợi, phục vụ sản xuất, đảm bảo lưu thông hàng hóa, góp phần giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn./.

Nguyễn Thị Thu Hương/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục