Khách du lịch đến với Lễ hội Hoa lê xã Hồng Thái, huyện Na Hang
Tuyên Quang là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, người dân luôn có tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái vì cộng đồng. Ngày nay, những giá trị văn hóa tốt đẹp đó càng được phát huy trong xây dựng NTM. Những năm qua, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa'' gắn với phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng NTM" được triển khai sâu rộng ở hầu khắp các xã trong tỉnh. Phong trào không chỉ dừng lại ở thực hiện tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa và tiêu chí số 16 về văn hóa mà còn bao trùm toàn bộ các lĩnh vực trong đời sống của người dân nông thôn. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tích cực vận động người dân thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Hằng năm, các địa phương tổ chức nhiều hội thi, hội diễn văn nghệ, thể thao quần chúng thu hút đông đảo Nhân dân tham gia; 100% số khu dân cư trong tỉnh đều tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” gắn với biểu dương, khen thưởng gia đình văn hóa tiêu biểu đã thực sự tạo ra sự gắn kết trong cộng đồng. Các thiết chế văn hóa, thể thao được quan tâm đầu tư, cải tạo và nâng cấp; mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân có những bước chuyển biến tích cực; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ngày càng được giữ vững.
Ngày Hội sắc màu thổ cẩm và ẩm thực huyện Lâm Bình năm 2024
Tiêu chí số 16 về Văn hóa được các cấp, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở triển khai thực hiện đồng bộ, sâu rộng, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của Nhân dân. Nhiều khu dân cư đã phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp nhau giảm nghèo, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; hương ước, quy ước ở khu dân cư. Ngành Văn hoá cũng đã đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM thông qua tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ văn hoá cơ sở và cán bộ phụ trách xây dựng nông thôn mới các cấp; phát triển phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí phong phú đa dạng, lành mạnh cho Nhân dân. Đã tổ chức thành công năm du lịch Tuyên Quang 2024 với nhiều hoạt động hấp dẫn và điểm nhấn là Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang lần thứ 3 trình diễn, phục vụ du khách trải nghiệm bay khinh khí cầu với 22 khinh khí cầu do các phi công quốc tế, đến từ các quốc gia: Anh, Australia, Tây Ban Nha, Hà Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam điều khiển. Trong khuôn khổ chương trình, còn có các hoạt động như: Trưng bày, giới thiệu sản phẩm du lịch, làng nghề Tuyên Quang năm 2024 với sự góp mặt của hơn 100 gian hàng của tỉnh Tuyên Quang và các tỉnh, thành phố trong cả nước; hội nghị kết nối đầu tư, thương mại, du lịch và làng nghề vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Tuyên Quang; ra mắt sản phẩm du lịch đặc trưng với chủ đề "Khoáng nóng Mỹ Lâm-Suối nguồn kỳ diệu"; giải bóng đá nữ các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang mở rộng; giải Cầu lông Câu lạc bộ toàn quốc năm 2024…
Đặc biệt Lễ hội Hương sắc Na Hang với chủ đề “Lung linh huyền thoại hồ trên núi”, đua thuyền Kayak mở rộng, Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn; triển khai mô hình đón khách du lịch ngắm cảnh, trải nghiệm theo mùa như: Lễ hội hoa lê, mùa vàng Hồng Thái, hoa cải vàng, tuyến đường hoa lê dài nhất (huyện Na Hang), du lịch mới “Về nơi hát Then” với dịch vụ Du thuyền cao cấp. Đặc biệt, còn có hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm du lịch, làng nghề Tuyên Quang năm 2024…Tại Khu du lịch Tân Trào, Ban Quản lý các khu du lịch tỉnh triển khai hiệu quả sản phẩm du lịch “Bơi mảng nghe hát Then trên hồ Nà Nưa”, các điểm check-in cặp đàn tính khổng lồ và Cầu hoa Khuôn Pén, trải nghiệm du lịch tại quần thể Flamingo Tân Trào… Từ khi có các hoạt động phụ trợ này, du lịch về nguồn ở Tân Trào không đơn điệu, mà phong phú, hấp dẫn hơn. Du khách có nhiều lưu trú lâu hơn để trải nghiệm các dịch vụ.
Xác định văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Tuyên Quang đã quan tâm bố trí nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện các tiêu chí về văn hóa. Qua đó, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Ngành văn hóa đã tham mưu cho Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 88/NQ-HĐND ngày 21/12/2021 thông qua Đề án xây dựng nhà văn hóa thôn, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025 và Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 479/QĐ-UBND 29/4/2022 về thành lập Ban Chỉ đạo để triển khai thực hiện Đề án. Tham mưu hướng dẫn số 1100/HD-SVHTTTT, ngày 27/10/2022 về Thực hiện Bộ tiêu chí thôn nông thôn mới và thôn nông thôn mới kiểu mẫu thuộc lĩnh vực Văn hoá, Thể thao trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 - 2025, Hướng dẫn số 969/SVHTTDL-QLVHGD, ngày 30/09/2022 của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch hướng dẫn Thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu về Văn hóa, Thể thao và Du lịch thuộc Bộ Tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới các cấp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025.
Tiêu chí số 6 về Cơ sở vật chất văn hoá: Tính đến tháng 9/2024 các huyện, thành phố đã và đang triển khai xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa 69 nhà văn hoá thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hoá gắn với sân thể thao và khuôn viên, cụ thể: Huyện Sơn Dương (12 nhà); huyện Yên Sơn (19 nhà); huyện Hàm Yên (18 nhà); huyện Chiêm Hoá (09 nhà); huyện Na Hang (02 nhà); huyện Lâm Bình (03 nhà) và thành phố Tuyên Quang (06 nhà). Đồng thời tổ chức trên 90 buổi biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, trên 150 buổi biểu diễn văn nghệ quần chúng; thực hiện 896 buổi tuyên truyền lưu động tại các trục đường, điểm chợ, thôn, bản, địa bàn đông dân cư; làm mới và thay đổi nội dung 117 cụm cổ động tại trung tâm huyện, thành phố trong đó có các xã và ven lộ các xã xây dựng nông thôn mới; treo 1.820 lượt băng rôn; khẩu hiệu; biên tập 260 chương trình thông tin tổng hợp, trong đó có trên 60 chương trình có chủ đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Xác định phát triển du lịch là một trong lĩnh vực đột phá kinh tế của tỉnh, nhằm nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn, thời gian qua Tuyên Quang đã và đang chú trọng khai thác, phát triển các loại hình du lịch là tiềm năng, thế mạnh của tỉnh… Tuyên Quang đã chủ động liên kết, ký kết hợp tác phát triển du lịch với các đơn vị tại Vĩnh Phúc, Hà Nội để xây dựng tua du lịch “Thủ đô Văn hiến - Thủ đô Kháng chiến”, tua du lịch Hà Nội - Tam Đảo - Tây Thiên (Vĩnh Phúc) - Sơn Dương - Tân Trào (Tuyên Quang), tua Chiến khu Ngọc Thanh - Tam Đảo - Tây Thiên - Tân Trào - ATK Định Hóa. Đồng thời hằng năm tham gia kết nối du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Bắc tổ chức gian trưng bày giới thiệu sản phẩm văn hóa, du lịch của các địa phương thu hút hàng chục nghìn du khách tham quan, tìm hiểu.. Du lịch, dịch vụ phát triển mạnh đã góp phần phát triển kinh tế cho người dân địa phương. Chính nhờ những chính sách kích cầu du lịch hợp lý, lượng khách du lịch đến với Tuyên Quang trong 8 tháng năm 2024 đạt con số đầy ấn tượng. Đó là gần 2 triệu lượt khách. Năm 2024, tỉnh Tuyên Quang phấn đấu thu hút hơn 2,7 triệu lượt khách du lịch, tổng thu từ khách du lịch đạt 3.600 tỷ đồng.
Mục tiêu xuyên suốt trong chương trình xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Vì vậy, bên cạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa cần khơi gợi bồi đắp những giá trị văn hóa tốt đẹp trong mỗi người dân, mỗi gia đình và trong từng thôn, xóm, khu dân cư. Để văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần trong xã hội, vừa bảo đảm mục tiêu xây dựng nông thôn mới hiện đại, nhưng vẫn giữ gìn được nét văn hóa truyền thống của nông thôn, hướng đến xây dựng nông thôn mới bền vững, hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng của người dân. Để hoàn thành mục tiêu này Tuyên Quang sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách trong lĩnh vực văn hóa, nâng cấp hệ thống các thiết chế văn hóa; nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đổi mới phương thức tổ chức, hoạt động để văn hóa thực sự thu hút, góp phần vào xây dựng và phát triển nông thôn mới./.