Xây dựng Nông thôn mới theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Nông nghiệp, nông dân và nông thôn Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người cũng đã chỉ rõ quá trình, bước đi để xây dựng “Nông thôn mới” thiết thực, hiệu quả, đó là phải xây dựng cơ sở vật chất cho người nông dân. Xây dựng nông thôn mới thực chất và trước hết là xây dựng những người nông dân mới - người nông dân xã hội chủ nghĩa. Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nông thôn mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả, làm thay đổi diện mạo nông thôn nước ta.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nông thôn mới là: Nông thôn mới phải cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Để xây dựng thành công nông thôn mới, theo Hồ Chí Minh, trước hết mỗi người phải tự xây dựng đời sống mới cho riêng mình, từ đó góp phần xây dựng đời sống mới cho cộng đồng. Người cho rằng, xây dựng đời sống mới là sức mạnh tổng hợp của nhiều người: “Do nhiều người nhóm lại mà thành Làng, do nhiều Làng nhóm lại mà thành Nước. Nếu người này cũng xấu, người kia cũng xấu, thì thành Làng xấu, Nước hèn; nếu mỗi người tốt, thì Làng tốt, Nước mạnh. Người là gốc của Làng, Nước, nếu mỗi người cố gắng làm đúng đời sống mới thì Dân tộc nhất định phú cường”. Tháng 5-1955, nói chuyện với các đại biểu trước khi Hội nghị đổi công toàn quốc bế mạc, Hồ Chí Minh căn dặn, muốn xây dựng nông thôn mới thành công cần phải đánh thông tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng, làm cho ai cũng hiểu thấu rằng: Hiện nay chỉ có tổ đổi công tốt, sản xuất mới có thể tăng gia, kinh tế nông thôn mới có thể phát triển, đời sống nhân dân mới có thể ấm no, mọi việc khác mới có thể thi hành.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với nông dân (Ảnh nguồn Internet)

Việc xây dựng đời sống mới phải được thực hiện trên các nguyên tắc: Cần, Kiệm, Liêm, Chính và tích cực tăng gia sản xuất theo tinh thần “Làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm”. Bác nhấn mạnh: “Muốn tăng gia sản xuất, mọi người phải Cần, phải Kiệm. Không Cần, thì phí thời giờ nhiều mà sản xuất được ít. Không Kiệm thì làm được bao nhiêu, dùng hết bấy nhiêu, rút cục cũng như sản xuất được ít. Tăng gia sản xuất ích riêng cho mình mà cũng ích chung cho cả nước. Nếu không có tinh thần Liêm và Chính, nếu tham lam ích kỷ, thì không thể phát đạt việc tăng gia sản xuất. Vì vậy, tăng gia sản xuất và đời sống mới phải đi đôi với nhau, không thể lìa nhau”.

Một trong những nội dung quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nông thôn mới là việc chăm lo rèn luyện phẩm chất đạo đức, nhân cách và đời sống văn hóa mới cho nông dân. Đây là vấn đề nòng cốt trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Vì người nông dân (vừa là chủ thể, vừa là đối tượng, vừa là mục tiêu cuối cùng của công cuộc xây dựng nông thôn mới), nên phải siêng năng, cần cù, hăng hái thi đua sản xuất và thực hành tiết kiệm, có tinh thần làm chủ, chủ động, sáng tạo trong lao động, sống có tinh thần, trách nhiệm, có tình, có nghĩa, luôn thương yêu, sẵn sàng “nhường cơm sẻ áo”... Trong nông thôn, người nông dân phải trên thuận, dưới hòa, không thiên tư, thiên ái, không tham lam, ích kỷ, không tư lợi dù là cây kim sợi chỉ của chung. Hồ Chí Minh khẳng định: Khi xây dựng “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ, cái gì cũng làm mới mà cái gì cũ mà xấu thì bỏ (tính lười biếng, tham lam...); cái gì cũ, không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý (cưới hỏi quá xa xỉ...); cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm (tương thân, tương ái, tận trung với nước, hiếu với dân...); cái mới mà hay, thì phải làm (ăn ở hợp vệ sinh, làm việc ngăn nắp)”.

Bên cạnh việc rèn luyện đạo đức cho nông dân, Người chủ trương trong xây dựng đời sống mới ở nông thôn phải coi trọng văn hóa và coi đó là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, động lực của sự phát triển xã hội. Do đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm khi xây dựng nông thôn mới về văn hóa là “phải làm cho cả làng đều biết chữ, biết đạo đức và trách nhiệm của công dân”, về phong tục “phải cấm hẳn say sưa, cờ bạc, hút xách, bợm bãi, trộm cắp. Phải tìm cách làm cho không có đánh chửi nhau, kiện cáo nhau. Làm cho làng mình thành một làng “phong thuần tục mỹ”. “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Do đó, khi xây dựng nông thôn mới cần chú ý nâng cao nhận thức cho người dân về văn hóa để các giá trị của văn hóa thấm sâu vào tâm trí, tư duy của mỗi người dân, từ đó người dân không ngừng nâng cao nhận thức về văn hóa.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới cần phát huy vai trò của tổ chức Đảng và hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chính phủ cần phải chuẩn bị kế hoạch xây dựng nông thôn mới và kiểu mẫu xây dựng nhà cho nông dân làm theo”. Để nhân dân hiểu rõ ý nghĩa của việc xây dựng đời sống mới ở nông thôn, theo Hồ Chí Minh cần coi trọng công tác vận động, tuyên truyền, giải thích và làm gương để phong trào xây dựng nông thôn mới trở thành hành động thiết thực. Người nhấn mạnh: “Trước hết, phải tuyên truyền, giải thích và làm gương. Phải chịu khó nói rõ cho mọi người hiểu đời sống mới có ích thế nào, cách thi hành đời sống mới thế nào... Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước”. Làm như vậy, nhân dân càng tín nhiệm Đảng, chính quyền càng nêu cao tinh thần tập thể, tinh thần làm chủ, tinh thần chủ động và càng hăng hái lao động sản xuất. Bên cạnh vai trò của Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp cũng có vai trò quan trọng trong công tác xây dựng nông thôn mới.

Như vậy, quan điểm xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng nông thôn mới là xây dựng con người mới lấy văn hóa làm nền tảng tinh thần để hình thành người nông dân có phẩm chất đạo đức, nhân cách; kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển; đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân không ngừng được nâng cao. Quá trình đó gắn liền với vai trò lãnh đạo của Đảng, hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương.

Thấm nhuần tư tưởng, đạo đức và những lời dạy thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Các cấp chính quyền tỉnh Tuyên Quang luôn giành sự quan tâm hàng đầu trong hoạch định, cũng như thực thi chính sách về phát triển Nông nghiệp, Nông dân và Nông thôn. Toàn tỉnh có 54/122 xã (chiếm 44% tổng số xã) đạt chuẩn NTM, 01 đơn vị cấp huyện (chiếm 14% số huyện) được công nhận đạt chuẩn NTM. Đồng thời, có 08 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và có 01 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Chương trình được triển khai quyết liệt, đồng bộ, rộng khắp cả nước, với sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình của nhân dân, có nhiều cách làm hay, hiệu quả, tạo sự chuyển biến lớn cả về lượng và chất đối với làng quê Việt Nam. Kết cấu hạ tầng điện đường, trường, trạm được xây dựng đồng bộ. Hệ thống tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn được đồng bộ hơn với sản xuất hàng hóa, quy mô lớn. Cùng với đó, hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ có nhiều tiến bộ và nhiều kết quả tốt. Công tác đào tạo nghề cho khu vực nông nghiệp, nông thôn được đẩy mạnh. Đã hình thành nhiều trang trại, hợp tác xã kiểu mới, các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực nông nghiệp. Hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn đã có bước phát triển cả về số lượng và quy mô, đa dạng về loại hình và cấp độ chợ (chợ đầu mối nông sản, chợ chuyên doanh, chợ đầu mối bán buôn, chợ hoa – sinh vật cảnh, chợ văn hoá – du lịch, chợ ẩm thực…) từng bước đáp ứng được nhu cầu của người dân nông thôn.

Lê Thành Trung/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục