Xây dựng nông thôn mới: Kết quả vượt chỉ tiêu mong đợi

TQĐT - Sau 7 xã điểm của tỉnh về đích trong Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), năm 2015 tỉnh ta có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Tràng Đà (TP Tuyên Quang), Hoàng Khai (Yên Sơn) và Yên Nguyên (Chiêm Hóa), đưa tổng số toàn tỉnh có 10 xã đạt chuẩn xây dựng NTM.

Nhiều cách làm sáng tạo

Bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Tuyên Quang có xuất phát điểm thấp, sản xuất còn mang nặng tính tự cấp. Năm 2011 qua rà soát ở 129 xã trong tỉnh, bình quân mới đạt 2,8 tiêu chí/xã, đến hết năm 2015 nâng mức bình quân lên 10 tiêu chí/xã, trong đó có 10 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới. Tỉnh chỉ đạo mỗi huyện, thành phố chọn 1 xã làm điểm để nhân ra diện rộng. Tuy nhiên trong quá trình tổ chức thực hiện nhờ biết khai thác tiềm năng, phát huy nội lực, 3 xã gồm: Hoàng Khai, Yên Nguyên và Tràng Đà đã được bổ sung vào kế hoạch hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2011 - 2015. Thực hiện phương châm “mỗi xã một sản phẩm”, đến nay một số xã điểm này xây dựng được thương hiệu cho các sản phẩm của địa phương như chè Bát Tiên Mỹ Bằng; chè xanh Vĩnh Tân xã Tân Trào; mật ong Phong Thổ An Khang; rượu chuối Kim Bình; mía đạt năng suất cao xã Bình Xa; cá chiên đặc sản, ớt xuất khẩu Yên Nguyên. 


Nhà Văn hóa thôn Nà Kham, xã Năng Khả (Nà Hang).

Điều dễ nhận thấy là ở 10 xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới có xuất phát điểm rất khác nhau. Khi bắt tay vào thực hiện, năm 2011 có xã đã đạt được 6 tiêu chí, nhưng có xã lại mới đạt 2 tiêu chí. Xã Mỹ Bằng về đích sớm là bởi người đứng đầu có cách làm sáng tạo trong việc huy động nguồn vốn (kêu gọi người xa quê chung tay giúp sức), đầu tư máy trộn bê tông và gây dựng phong trào thi đua cứng hóa giao thông nông thôn để các thôn vận động bà con đẩy nhanh tiến độ và vượt chỉ tiêu kế hoạch. Với Yên Nguyên “xã áp chót” được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới lại chú trọng chọn 2 tiêu chí khó nhất làm khâu đột phá là tiêu chí về thu nhập và hình thức tổ chức sản xuất. Nhờ phát huy nguồn lực tại chỗ, hết năm 2013 xã đã hoàn thành 2 tiêu chí trên. 

Các xã khác xây dựng nông thôn mới thành công nhờ hiệu quả trong việc huy động nguồn vốn từ doanh nghiệp, vốn tín dụng và vốn nhân dân. Trong đó, Tràng Đà (TP Tuyên Quang) huy động được 186 tỷ đồng; Thượng Lâm (Lâm Bình) huy động được 77 tỷ 200 triệu đồng; xã Năng Khả (Nà Hang) huy động được 92 tỷ đồng.  

Những kinh nghiệm quý

Thành công của Chương trình xây dựng nông thôn mới tại 10 xã điểm của tỉnh đã làm thay đổi nhận thức của người dân, đẩy lùi tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước. Những kinh nghiệm quý về xây dựng nông thôn mới ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới đó là phát huy vai trò của người đứng đầu; triển khai vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của người dân; lựa chọn tiêu chí mang lại lợi ích thiết thực với đời sống nhân dân ưu tiên làm trước; động viên kịp thời cá nhân, tập thể có cách làm sáng tạo.


Gia đình anh Hoàng Văn Cường ở Làng Gò, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa)
nuôi trâu sinh sản mỗi năm thu lãi trên 100 triệu đồng. 

Cùng với đó, Ban chỉ đạo xây dựng nông mới các xã chủ động xây dựng được kế hoạch, xác định rõ nội dung, tiến độ thực hiện từng chỉ tiêu trong tiêu chí và phân công trách nhiệm cụ thể cho cán bộ, xác định việc làm của người dân và phần Nhà nước hỗ trợ. Công tác tuyên truyền thực hiện theo phương châm “nói cho dân nghe, dân biết, dân bàn, dân tin và dân làm”. Quá trình chỉ đạo đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán và tập trung. Trong đó ưu tiên phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, phục vụ trực tiếp cho người dân theo nguyên tắc dân có nhu cầu. Trên cơ sở đó, xã đề xuất xây dựng công trình, Nhà nước phân bổ vốn hỗ trợ. 

Trong xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, việc huy động nguồn lực của cộng đồng phải đảm bảo công bằng, công khai dân chủ, tự nguyện và phù hợp với nguồn lực sẵn có của địa phương. Đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo chỉ nên huy động bằng ngày công đóng góp, không huy động bằng tiền. Có chế độ, chính sách phù hợp, phân cấp mạnh cho cơ sở, tăng cường kiểm tra giám sát đôn đốc quá trình thực hiện; tổng kết rút kinh nghiệm để nhân diện rộng. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những cá nhân tập thể có đóng góp tích cực trong huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới.             

Bài, ảnh: Duy Hùng

Tin cùng chuyên mục