Vươn mình trên đất khó

TQĐT - Trước những năm 2000, Linh Phú là một trong những xã vùng sâu nghèo nhất huyện Chiêm Hóa. Cán bộ muốn đến các thôn, bản thì phải lội suối, leo đồi, đi đường mòn, đời sống đồng bào còn hết sức khó khăn.

Trạm Y tế xã Linh Phú (Chiêm Hóa) được đầu tư xây dựng theo chuẩn nông thôn mới,
đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân trong xã.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Linh Phú Hà Ngọc Vũ, từ năm 2000 đến nay, khi Chương trình 135, Chương trình xây dựng nông thôn mới cùng các chương trình dự án khác về với Linh Phú, kết cấu hạ tầng như đường giao thông, trạm y tế, trường, lớp học, thủy lợi... lần lượt được đầu tư xây dựng đã tiếp sức cho xã vươn lên.

Những vùng đất ven sông suối có nước tưới được bà con nhân dân tận dụng cải tạo đưa vào trồng ngô, cấy lúa hằng năm, nâng bình quân lương thực qua các năm từ năm 2010 - 2015 đạt hơn 2.200 tấn/năm. Năm 2016, tổng sản lượng lương thực (thóc, ngô) vụ xuân đạt 1.025 tấn, bằng 106,5% kế hoạch vụ xuân. Cùng với trồng lúa, bà con tích cực phát triển chăn nuôi lợn, gà, trồng cây ăn quả như chuối, cam, quýt... Nhiều hộ có thu nhập khá, ổn định từ chăn nuôi như gia đình ông Ma Văn Cam, thôn Mã Lương, ông Đinh Văn Thịnh, thôn Nà Luông. Ông Cam chia sẻ, từ phát triển chăn nuôi lợn hướng nạc theo hướng sản xuất hàng hóa và nuôi hơn 10 lợn nái để chủ động nguồn giống, cung cấp giống cho bà con, thương lái trên địa bàn đã giúp gia đình ông có thu nhập ổn định gần 100 triệu đồng/năm.

Khai thác lợi thế đất rừng, xã khuyến khích người dân trồng rừng kinh tế theo quy hoạch vùng nguyên liệu cung cấp cho Công ty cổ phần Giấy An Hòa gắn với bảo vệ rừng. Nhiệm kỳ 2010 - 2015, toàn xã trồng trên 814 ha rừng sản xuất, đạt 281% so với Nghị quyết đề ra; tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 84%. Năm 2016, toàn xã trồng rừng được 36,2/33 ha, bằng 109,6% kế hoạch. Anh Hà Ngọc Dư, Trưởng thôn Pác Hóp phấn khởi nói, ngoài phát triển kinh tế từ rừng, người dân trong xã còn biết tận dụng những mảnh đất ven rừng, đất đồi, đất vườn tạp để trồng chè, trồng mía... tăng thêm thu nhập.


Cán bộ khuyến nông huyện và cán bộ thôn Pác Hóp, xã Linh Phú (Chiêm Hóa)
 kiểm tra tình hình sâu bệnh trên cây mía.

Chi bộ thôn Khuổi Hóp có 7 đảng viên đều là những người đi đầu trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Tiêu biểu như đảng viên Tái Đức Văn Trưởng thôn có thu nhập bình quân hơn 100 triệu đồng/năm từ chăn nuôi gần 10 con lợn thịt/lứa, nuôi 2 trâu, trồng 1 ha chè và 6,5 ha rừng sản xuất và trồng cây nông nghiệp khác; hay gia đình ông Dương Văn Nguyện có thu nhập trên 50 triệu đồng/năm nhờ áp dụng các giống cây, con mới trong trồng trọt và chăn nuôi. Không những đi đầu trong phát triển kinh tế, đảng viên trong chi bộ thôn Khuổi Hóp còn tuyên truyền vận động cho quần chúng tích cực trồng trọt, chăn nuôi, nhờ đó đời sống kinh tế của nhân dân đã có bước chuyển biến mạnh. Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo trong thôn chiếm tới hơn 50%, đến cuối năm 2015 giảm xuống còn hơn 20%, thu nhập bình quân đầu người đạt 12 triệu đồng/người/năm.

Tận dụng diện tích đất đồi, đất vườn tạp, đất ven núi để trồng chè và sản xuất chè an toàn, từ năm 2014 đến nay xã Linh Phú đã có gần 20 ha chè được trồng và sản xuất theo quy trình sản xuất hữu cơ, giá bán chè khô đạt 150.000 đồng/kg. Toàn bộ diện tích chè tuy mới trồng được hơn 2 năm nhưng cây chè đang cho thu hoạch và từng bước tăng thêm thu nhập cho người dân. Linh Phú phấn đấu đến năm 2020, toàn xã có 38,7 ha chè, gồm 20 ha trồng mới và 18,7 ha chè thâm canh. Hiện mô hình đang được triển khai thực hiện tại 7/8 thôn của xã với 50 hộ tham gia. Gia đình chị Nguyễn Thị Kính, thôn Khuổi Hóp, một trong những hộ thực hiện mô hình sản xuất chè sạch cho biết, gia đình tận dụng gần 1 ha đất đồi, đất vườn tạp để trồng chè, đến nay chè đã được gần 3 năm tuổi và đang cho thu hoạch, sản lượng bình quân đạt gần 10 kg chè khô/tháng. 

Người dân xã Linh Phú còn tận dụng những vùng đất trống, chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng mía nguyên liệu. Bản Cấy, Pác Hóp là vựa mía của xã, trong đó riêng khu vực Bản Cấy vùng mía nguyên liệu là 50 ha, cả xã có 84 ha. Nhiều hộ gia đình có thu nhập gần 100 triệu đồng/năm từ trồng mía, như hộ Đinh Hồng Táy, Hà Ngọc Khuyết (thôn Khuổi Hóp)...

Bài, ảnh: Hải Hương

Tin cùng chuyên mục