Điểm check in (cầu Tình yêu) tại thôn Biến để du khách chụp ảnh lưu niệm
Thôn Biến nằm giữa hai dẫy núi đá cao và những khu rừng nguyên sinh với nhiều hang động, thác nước đẹp. Vẻ đẹp hoang sơ, thuần khiết của những con suối quanh năm mát mẻ, những hang động luôn gợi mở cho du khách sự tò mò, muốn được khám phá. Thời gian qua, nhiều đoàn du khách trong và ngoài tỉnh, du khách nước ngoài đã được trải nghiệm, khám phá hang Thẳm Nặm, hang Chợ Khỉ, Thẳm Vài với nhiều khối nhũ đá muôn sắc và được ngắm thác nước Tát Điền, thác Pù Chú chảy dài trên núi đá.
Thôn Biến có 184 hộ gia đình với 801 nhân khẩu, thôn có trên 90% là đồng bào dân tộc Dao Đỏ. Nơi đây còn lưu giữ được những nét văn hóa của đồng bào dân tộc Dao Đỏ như: Hát Páo Dung; Múa màng; Thổi tù…, tất cả đã tạo nên một thôn Biến rất riêng. Nếu như trước đây, người dân làm du lịch theo hướng tự phát, không hiệu quả thì nay họ đã thay đổi tư duy, thay đổi cách làm. Đến với thôn Biến, du khách không chỉ được hòa mình vào thiên nhiên núi rừng, say sưa với những điệu múa, bài hát mà còn được trải nghiệm các công đoạn làm nên những bộ trang phục của người phụ nữ Dao Đỏ. Để hoàn thành một bộ trang phục Dao Đỏ phải trải qua rất nhiều công đoạn công phu và tỉ mỉ, có khi mất vài tháng mới hoàn chỉnh. Hầu hết phụ nữ dân tộc Dao Đỏ đều có khả năng thêu rất tinh xảo, thể hiện sự tinh tế và khéo léo trên trang phục.
Là một trong các hộ làm du lịch Homestay tại thôn Biến được nhiều du khách đánh giá có dịch vụ và chất lượng tốt đó là Homestay Thảm Ngần của anh Lý Tiến Phương - dân tộc Dao. Bắt tay vào làm du lịch Homestay được 3 năm nay, anh Phương đã tích lũy cho mình một số kinh nghiệm. Nội thất và đồ trang trí trong Homestay của anh Phương được thiết kế hiện đại xong vẫn mang đậm nét văn hóa truyền thống của địa phương. Ngoài việc đầu tư hạ tầng lưu trú để phục vụ du khách, anh còn học hỏi chế biến nhiều món ăn bản địa để phục vụ khi du khách có nhu cầu. Anh Phương cho biết: Homestay hiện cung cấp dịch vụ nghỉ với các loại phòng khác nhau, từ nhà sàn cộng đồng với hơn 10 đệm ngủ đến phòng ngủ riêng biệt; có phục vụ ăn uống cho du khách, có người hướng dẫn khi du khách tham quan, trải nghiệm khám phá du lịch nơi đây.
Anh Ma Phúc Hiến, Trưởng thôn Biến chia sẻ: Nếu như trước kia, thôn Biến có 01 hoặc 02 gia đình làm Homestay, thì đến nay đã có nhiều hộ gia đình bắt tay đầu tư vào làm du lịch. Tiềm năng sẵn có, cộng với tư duy của bà con đã có nhiều thay đổi, người dân đã dần tích lũy kinh nghiệm làm du lịch một cách bài bản và hiệu quả. Cùng với sự hỗ trợ đầu tư của nhà nước, các hộ dân làm du lịch đã chủ động nâng cấp, chỉnh trang nhà ở, đầu tư trang thiết bị sinh hoạt hiện đại để phục vụ du khách đến tham quan trải nghiệm. Ý thức, nhận thức của bà con về việc làm đẹp cảnh quan môi trường sống xung quanh được nâng lên, các công trình vệ sinh được xây dựng theo quy chuẩn. Qua đó, đã tác động tích cực đến vấn đề an sinh xã hội, bà con đã tích cực, chủ động trong việc thực hiện quy ước, hương ước của thôn, phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, tổng số hộ nghèo của thôn là 104 hộ, chiếm tỷ lệ 56,5%; dự kiến đến cuối năm 2024 giảm 13 hộ, còn 91 hộ, chiếm tỷ lệ 49,5%. Phấn đấu năm 2025 giảm 10 hộ, còn 81 hộ, chiếm 44,02%. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay của thôn đạt 26,81 triệu đồng/người/năm; phấn đấu năm 2024 đạt 28,61 triệu đồng/người/năm; năm 2025 đạt 30,22 triệu đồng/người/năm.
Trao đổi với bà Ma Thị Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn, cho biết: Với phương châm “Làm du lịch bằng cả trái tim” và hướng tới mục tiêu quảng bá, giới thiệu thôn Biến là điểm đến hấp dẫn cho du khách thập phương, nhân dân thôn Biến đang nỗ lực từng ngày để hoàn thiện về cơ sở vật chất cũng như thay đổi tư duy làm du lịch, sự mộc mạc thân thiện từ đất và con người nơi đây đang thu hút nhiều khách du lịch đến với thôn Biến.
Với mục tiêu đến năm 2025 xây dựng khu du lịch thôn Biến, xã Phúc Sơn trở thành khu du lịch có thương hiệu thu hút du khách của huyện Lâm Bình, trong đó có từ 3 đến 5 hộ làm Homestay đủ điều kiện đón khách, mỗi hộ từ 10 - 15 khách/ngày đêm; thành lập từ 01 - 02 đội văn nghệ hát các làn điệu truyền thống; 01 tổ hợp tác dệt thổ cẩm; 01 đội lưu động Homestay hỗ trợ, phục vụ khách… cấp uỷ, chính quyền địa phương đã xây dựng kế hoạch, xác định mục tiêu và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. Đồng thời, phối hợp với các phòng, ban chuyên môn cấp huyện mở các lớp tập huấn hướng dẫn người dân khôi phục các nghề truyền thống như: thêu, dệt, đan lát, làm giấy bản, chạm bạc; duy trì hoạt động đội văn nghệ của thôn để phục vụ biểu diễn cho du khách; mời du khách tham gia trải nghiệm thực tế vào quá trình lao động sản xuất. Đặc biệt, kết nối điểm du lịch thôn Biến với các tour du lịch trong huyện và các huyện lân cận gắn với việc thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới đang triển khai rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh./.