Tuyên Quang xây dựng nông thôn mới - bài học từ thực tiễn

Chặng đường hơn 13 năm xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh Tuyên Quang đang bước sang một giai đoạn mới với sự chuyển mình mạnh mẽ về chất góp phần tạo nền móng quan trọng để Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện. "Trái ngọt" của những thành công ấy chính là "sự hài lòng của người dân", sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Trụ sở làm việc xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương được đầu tư khang trang

Bắt đầu từ mỗi nhà, mỗi làng xóm 

Về Kim Quan hôm nay, vẫn là những làng, xóm đã hình thành từ bao đời, nhưng nay như khoác một tấm áo mới lộng lẫy hơn nhiều lần. Dễ nhận thấy nhất là những con đường được cứng hóa rộng rãi với các loại hoa, cây cảnh đua nhau khoe sắc, những công trình dân sinh khang trang, những con đường bê tông chắc chắn, sạch sẽ đã thay thế cho cung đường lầy lội bùn đất năm nào. Từ một xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Sơn, thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2005 chỉ đạt 8,1 triệu đồng/người/năm, thì đến nay xã Kim Quan đã đạt thu nhập bình quân 51,14 triệu đồng/người/năm, sản phẩm chè Ngọc Thúy Kim Quan đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao…

Với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị nhất là vai trò đầu tàu của các tổ chức hội, thời gian qua nhiều cuộc vận động và phong trào đã được triển khai sâu rộng trên địa bàn xã như: Hội Liên hiệp Phụ nữ của tỉnh nổi bật với thực hiện cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch" và phong trào "Nhà sạch vườn đẹp"; Hội Nông dân với phong trào "Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi"; Hội Cựu chiến binh nổi bật trong vận động hội viên tham gia góp của, góp công xây dựng NTM, làm kinh tế; Đoàn Thanh niên với các phong trào "Thắp sáng đường quê", "Ngày thứ Bảy tình nguyện", "Chủ nhật xanh", Chương trình "khởi nghiệp"; …

Phát huy thế mạnh của địa phương 

Xác định xây dựng NTM là một quá trình đi lên không ngừng nghỉ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đồng thời luôn kịp thời điều chỉnh để phù hợp với thực tế, không sa vào "bệnh thành tích" mà lấy hiệu quả thực chất làm mục tiêu số một. Trong quá trình thực hiện Chương trình, tỉnh Tuyên Quang đã xác định nêu cao vai trò chủ thể của nhân dân với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Cùng với đó, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành hệ thống chính sách đồng bộ, linh hoạt nhằm huy động đa dạng nguồn lực để hỗ trợ thực hiện Chương trình và được các địa phương cùng nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, như: Nghị quyết số 09/2020/NQ-HĐND ngày 15/12/2020 về chính sách hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 55/NQ-HĐND ngày 20/11/2020 Thông qua Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND, ngày 16/7/2021 về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 88/NQ-HĐND, ngày 21/12/2021 thông qua Đề án xây dựng nhà văn hóa thôn, tổ dân phố gắn với sân thể thao và̀ khuôn viên trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 27/2022/NQ-HĐND ngày 10/12/2022 Quy định cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia, giữa các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 10/2023/NQ-HĐND ngày 07/7/2023 Quy định về mức hỗ trợ thực hiện dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, dự án phát triển sản xuất cộng đồng thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 10/NQ-HĐND ngày 27/3/2024 về lựa chọn huyện thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2024 - 2025 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang theo quy định của Nghị quyết số 111/2024/QH15; ….

Thực hiện Nghị quyết số 55/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành bê tông hóa 901,08km đường giao thông nông thôn và đường nội đồng trong tổng số 1.080km của kế hoạch cả giai đoạn; xây dựng được 161/200 cây cầu của cả giai đoạn. Dự kiến đến hết năm 2024 đường thôn sẽ được bê tông hóa đạt trên 80%, đường nội đồng sẽ bê tông hóa đạt trên 65% hoàn thành theo mục tiêu của Nghị quyết, qua đó từng bước gỡ “nút thắt” cho giao thông nông thôn và xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia các bậc học: mầm non 55,3%, tiểu học 74,2%, trung học cơ sở 68,2%, trung học phổ thông 31,4%. Toàn tỉnh có 96,4% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã; 100% xã có nhà văn hóa xã. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 14,03%; dự kiến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh sẽ giảm còn 10,95%. Hiện nay, 100% xã vùng dân tộc thiểu số của tỉnh đã có đường ô tô đến trung tâm xã; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và nguồn điện khác đạt trên 99,9%.

Qua triển khai thực hiện các chính sách và lồng ghép các chương trình, đề án, dự án tại các xã đã thu hút được nhiều nguồn lực cho triển khai thực hiện Chương trình, tạo sự chủ động cho người dân và cộng đồng trong thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn, khơi dậy sức mạnh tiềm ẩn trong nhân dân góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; qua đó từng bước hoàn thành các mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2021-2025 đã đề ra. Đến nay toàn tỉnh có 70/121 xã đã được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó có 14 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 02 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, thành phố Tuyên Quang đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Sự hài lòng và nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới

Xác định người dân là chủ thể thụ hưởng trong xây dựng NTM, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã chú trọng phát huy vai trò của người dân trong thực hiện Chương trình đặc biệt trong việc trực tiếp tham gia các công việc cụ thể để hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM. Mức độ hài lòng về xây dựng NTM của nhân dân được xem là thước đo chính xác về kết quả xây dựng NTM của các địa phương. Thông qua việc lấy ý kiến để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đề xuất và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, thể hiện được ý chí nguyện vọng và sự tham gia giám sát của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2021 đến tháng 9/2024, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã lấy ý kiến của người dân tại 31 xã của các huyện, thành phố với kết quả 96,86% số người dân được lấy ý kiến đều hài lòng về kết quả xây dựng NTM.

Đến các vùng nông thôn thời điểm này không khó để được đi những con đường bê tông rộng rãi cùng với những đường cây xanh mướt, đường hoa khoe sắc; được thấy những ngôi nhà khang trang, những công trình văn hóa-thể thao, những làng quê như phố; cùng với việc thay đổi tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, thu nhập của người dân các vùng nông thôn ngày càng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, nông thôn mới thực sự đã làm “thay da đổi thịt” tỉnh miền núi Tuyên Quang. Những kết quả đó sẽ là nền tảng để Tuyên Quang tiếp tục phấn đấu vươn tới những mục tiêu cao hơn trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM thời gian tới./.

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục