Tuyên Quang nỗ lực thực hiện công tác bình đẳng giới

Thời gian qua việc triển khai hiệu quả công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới đã giúp nâng cao nhận thức, vận động toàn xã hội cùng góp sức thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình về bình đẳng giới. Sự tham gia, phối hợp của các ngành, các cấp, các tổ chức và cả cộng đồng đã giảm thiểu tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, xóa bỏ bất bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em gái, tạo điều kiện tốt nhất để phụ nữ được phát huy vai trò của mình trong cuộc sống và tham gia các hoạt động xã hội, góp phần không nhỏ trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Tháng hành động vì trẻ em năm 2022

Xác định công tác bình đẳng giới là một nhiệm vụ quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Sở Lao động - TB và XH tỉnh Tuyên Quang đã triển khai nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ vươn lên trong học tập, lao động, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bình đẳng và tiến bộ, tích cực tham gia vào các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội. Năm 2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều văn bản hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các sở, ngành và các đơn vị triển khai thực hiện, trong đó đã đặc biệt chú trọng đến các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực quản lý Nhà nước về bình đẳng giới; hướng dẫn các cơ quan, các huyện tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới trên các phương tiện thông tin đại chúng, đảm bảo nâng cao hiểu biết và nhận thức đúng về bình đẳng giới một cách toàn diện trong mọi tầng lớp nhân dân.

Tham mưu ban hành Kế hoạch số 67/KH-UBND ngày 26/4/2022 về triển khai thực hiện Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Kế hoạch số số 81/KH-UBND ngày 18/5/2022 về thực hiện chương trình nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng cần trợ giúp xã hội giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Văn bản số 1495/UBND-KGVX, ngày 04/5/2022 về việc vận động ủng hộ Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh năm 2022; Văn bản số 1580/UBND-THVX, ngày 10/5/2022 về việc tổ chức khám sàng lọc cho trẻ em bị khuyết tật trên địa bàn tỉnh năm 2022; tiến hành kiểm tra, rà soát các văn hóa phẩm phát hành trên địa bàn tỉnh, các công ty in, phát hành để kịp thời chấn chỉnh, xử lý các văn hóa phẩm mang tính định kiến xã hội, phân biệt giới; phối hợp với Công an tỉnh, Trung tâm phòng chống HIV tập huấn tuyên tuyền phòng chống tội phạm, đặc biệt phòng chống tội phạm mua bán người đối với phụ nữ và trẻ em.

Diễn đàn trẻ em năm 2022

06 tháng đầu năm 2022, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã trao 200 gói hỗ trợ đồ ấm (trị giá 500.000 đồng/gói bao gồm; 01 chăn ấm, 01 áo khoác mùa đông và 01 khăn len) cho trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn 02 huyện Hàm Yên và Chiêm Hóa; trao 50 suất học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn vươn lên học khá, giỏi trên địa bàn xã Kiên Đài, huyện Chiêm Hóa trị giá 1.000.000 đồng/suất; trao hỗ trợ quà tặng cho 100 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2022 trên địa bàn huyện Hàm Yên và Yên Sơn, trị giá 500.000 đồng/suất; trao 300 suất quà, trị giá 300.000 đồng/suất cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn các huyện, thành phố nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2022; trao 30 suất quà và 02 suất trợ cấp đột  xuất cho trẻ em thuộc xã Hà Lang - Chiêm Hóa, tổng trị giá 15 triệu đồng (nguồn Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh); hỗ trợ 18 trẻ em có chỉ định phẫu thuật nụ cười đi phẫu thuật đợt 1 năm 2022 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - Hà Nội, theo chương trình của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, sau khám có 9 trẻ được phẫu thuật, giá trị phẫu thuật ước tính gần 80 triệu đồng.

Nhằm tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, Sở lao động  - TB và XH đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới đến năm 2030, trong đó đã xác định các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể: Hằng năm, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân được truyền thông, phổ biến, cập nhật thông tin về pháp luật, chính sách về bình đẳng giới ít nhất 02 cuộc; đến năm 2025 đạt 100% sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, triển khai hoạt động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới hằng năm;  phấn đấu đến năm 2030 nhận thức về bình đẳng giới của các nhóm đối tượng trong cộng đồng tăng từ 10 - 15% so với năm 2025; phấn đấu đến năm 2025 đạt ít nhất 70% cơ quan truyền thông áp dụng thí điểm và đến năm 2030 đạt 90% cơ quan truyền thông chính thức áp dụng Bộ chỉ số về giới trong truyền thông; đến năm 2025 đạt 95% và đến năm 2030 đạt 100% các hương ước, quy ước của cộng đồng đã được thông qua không có sự phân biệt đối xử về giới.

Đến hết năm 2021 ngành Lao động - TB và XH đã thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới về tiêu chí 18.5 về đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình, bảo vệ và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực của gia đình và đời sống xã. Năm 2022 sẽ tiếp tục thẩm định hồ sơ của 08 xã về đích NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới về tiêu chí 18.5 lên 62 xã, góp phần không nhỏ vào thành công chung của tỉnh trong công cuộc xây dựng xã nông thôn mới.

Bà Mai Thị Thanh Bình, Phó giám đốc Sở Lao động -TB và XH tỉnh Tuyên Quang cho rằng “Bình đẳng giới nên được phản ánh trong các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) cũng như các tiêu chí xây dựng NTM, ở bất kỳ nội dung và lĩnh vực nào phù hợp và có liên quan. Điều này có thể được thực hiện bằng cách lồng ghép giới trong các hoạt động khác nhau của chương trình chứ không chỉ hạn chế trong các hoạt động nhằm thực hiện chỉ tiêu 18.5. “Đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình; phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; phòng chống xâm hại trẻ em; bảo vệ và hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn (nếu có); bảo vệ và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong gia đình và đời sống xã hội” một trong 57 chỉ tiêu của 19 tiêu chí xây dựng NTM cấp xã, trong khi giới không được đề cập đến trong hệ thống các tiêu chí còn lại của 19 tiêu chí NTM. Điều này đặt ra giới hạn căn bản đối với chiến lược và cách tiếp cận lồng ghép giới một cách đầy đủ”.

Ở nông thôn, phụ nữ chiếm tới 50% dân số và chiếm tỷ lệ cao trong lực lượng lao động nông thôn, tới 60 - 70%. Như vậy, phụ nữ là thành phần quan trọng trong lực lượng lao động. Vì thế, phụ nữ cần nhận được lợi ích một cách bình đẳng. Mục đích lồng ghép giới là để đảm bảo phụ nữ có cùng các cơ hội cũng như các lợi ích như nam giới trong phát triển nông thôn. Và điều đó không chỉ tốt cho phụ nữ mà còn tốt cho gia đình và xã hội nói chung. Để xóa dần khoảng cách giới, thực hiện bình đẳng giới cần có nhiều giải pháp, từ quy định đến thực tiễn và những khó khăn khi mà triển khai bình đẳng giới trong xây dựng nông thôn mới thời gian qua. Nếu không có sự lồng ghép giới hoặc không đưa vấn đề giới xuyên suốt trong các mục tiêu tổng quan và các mục tiêu thành phần thì rất khó cải tạo được vấn đề mất bình đẳng giới đang tồn tại hiện nay.

Thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ bằng cách đưa ra các “hành động tích cực” đảm bảo mức độ tham gia của phụ nữ trong các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất. Cùng với đó tiêu chí Giáo dục và Đào tạo, tiêu chí Y tế cần có sự cân bằng để đảm bảo rằng tỉ lệ hoàn thành tiêu chí đối với phụ nữ và trẻ em gái không thấp hơn nam giới và trẻ em trai. Đối với các tiêu chí khác liên quan đến hộ gia đình hoặc cá nhân, có thể điều chỉnh nhằm đảm bảo rằng cả phụ nữ và nam giới đều được ghi nhận như nhau đối với việc hoàn thành các tiêu chí đó./.

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục