Tuyên Quang họp lấy ý kiến hồ sơ đề nghị công nhận “Thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020”

Ngày 04 tháng 11 năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang tổ chức họp Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia để thảo luận, bỏ phiếu đề nghị xét, công nhận “Thành phố Tuyên Quang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020” theo trình tự, thủ tục quy định.
Quang cảnh cuộc họp

Tham dự cuộc họp có các thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Tuyên Quang theo Quyết định số 98/QĐ-UBND ngày 03/4/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016-2020. Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì cuộc họp.

Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, từ ngày 21/8/2020 đến ngày 15/9/2020, Đoàn thẩm tra theo Quyết định số 280/QĐ-UBND ngày 17/7/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức thẩm tra kết quả Thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và đánh giá kết quả thực hiện 19 tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 đối với 5/5 xã thuộc thành phố Tuyên Quang. Kết quả thẩm tra, thành phố đủ điều kiện đề nghị xét công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, với 5/5 xã (đạt 100%) đã đạt 19/19 tiêu chí, được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang quyết định công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới theo quy định.

Kết quả thẩm tra cũng cho thấy, giai đoạn từ năm 2010 đến nay, tổng số vốn đã huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố đạt khoảng 501.183,9 triệu đồng, trong đó: Vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là: 90.254,5 triệu đồng, chiếm 18,6%; vốn lồng ghép từ Chương trình, dự án: 168.476,3 triệu đồng, chiếm 34,7%; vốn vay tín dụng: 76.296,4 triệu đồng, chiếm 15,7%; vốn huy động từ các doanh nghiệp: 39.740,5 triệu đồng, chiếm 7,9%; vốn nhân dân đóng góp: 126.416,2 triệu đồng, chiếm 26,1%. Việc phân bổ, quản lý, sử dụng đảm bảo đúng nguyên tắc, đúng mục đích, đúng đối tượng; UBND thành phố đã chỉ đạo các xã tập trung triển khai có trọng tâm, trọng điểm, trong đó ưu tiên công trình phục vụ phát triển sản xuất, dân sinh thiết yếu như: Giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa xã, thôn, xóm, đầu tư phát triển sản xuất,... Việc huy động đóng góp của nhân dân được thực hiện đúng qui định, đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, do người dân tự thảo luận, quyết định đầu tư theo quy hoạch dưới sự hướng dẫn, định hướng của chính quyền địa phương và không huy động quá sức dân. Nhân dân trực tiếp quản lý, quyết định đầu tư, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn do mình đóng góp thông qua Ban Phát triển các thôn, Ban giám sát cộng đồng nên đã đảm bảo được sự đồng thuận, nhất trí cao, đáp ứng được yêu cầu tiến độ và chất lượng xây dựng công trình phúc lợi ở các thôn, xóm trên địa bàn thành phố. Quá trình tổ chức thực hiện, thành phố Tuyên Quang đã chủ động tập trung mọi nguồn lực để thực hiện chương trình, các công trình xây dựng cơ bản đã được bố trí đủ vốn, thanh quyết toán theo đúng quy định, không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong quá trình thực hiện Chương trình.

Cũng theo nội dung báo cáo tại cuộc họp, kết quả tổng hợp việc lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Tuyên Quang năm 2020 của Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Tuyên Quang cho thấy: Tổng số hộ lấy ý kiến: 28.323/33.945 đạt 83,40% số hộ tại 15/15 xã, phường (yêu cầu > 60 %), trong tổng số 11 câu hỏi theo quy định tại Văn bản số 122/HD-MTTW-BTT ngày 16/9/2019 của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam về việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới cho thấy: Tỷ lệ người dân hài lòng đạt cao nhất (đạt 98,9%) liên quan đến nội dung tình hình đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội của thành phố, của các xã; tỷ lệ người dân hài lòng đạt thấp nhất là 95% liên quan đến nội dung hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn thị xã/thành phố; công tác bảo vệ môi trường; các cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm của thành phố, nhất là trên địa bàn các xã.

Cùng với đó, kết quả tổng hợp ý kiến tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh và 6/6 huyện trên địa bàn tỉnh đều nhất trí với báo cáo kết quả thẩm tra hồ sơ đề nghị xét, công nhận thành phố Tuyên Quang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh tổ chức họp, thảo luận, bỏ phiếu và hoàn thiện hồ sơ đề các Bộ, ngành Trung ương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Tuyên Quang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020.

Đồng chí Nguyễn Văn Việt – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh phát biểu tại cuộc họp

Kết quả thảo luận tại cuộc họp đã thống nhất kết luận: Hồ sơ đề nghị xét, công nhận thành phố Tuyên Quang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đầy đủ, đạt yêu cầu so với quy định tại Quyết định số 2540/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Về tỷ lệ hài lòng của người dân đạt theo quy định. Về kết quả thực hiện các tiêu chí xã nông thôn mới: Thành phố Tuyên Quang có 5/5 xã (đạt 100%) đạt chuẩn nông thôn mới. Về tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới: Đến ngày 30/6/2019, theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 8932/BKHĐT-KTNN ngày 01/11/2017, thành phố Tuyên Quang không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới trái quy định tại thời điểm thẩm tra, thẩm định.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh đã tiến hành bỏ phiếu đề nghị xét, công nhận thành phố Tuyên Quang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020, với tỷ lệ số phiếu đồng ý đạt 100% (quy định đạt từ 90% trở lên), đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ đề nghị thẩm định, xét, công nhận theo quy định tại Quyết định số 2540/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Trần Gia Lam/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục