Tuyên Quang đẩy mạnh thực hiện kế hoạch xây dựng nông thôn mới năm 2022

Việc thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19 thời gian vừa qua phần nào ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Trong trạng thái “bình thường mới” hiện nay, các huyện, thành phố đang nỗ lực thực hiện các tiêu chí NTM đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm 2022 đã đề ra.

Phiên giao dịch việc làm, cơ hội có việc làm tăng thu nhập cho người lao động

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến nay, Tuyên Quang  đã có 01 đơn vị cấp huyện, 54/122 xã đạt chuẩn NTM, 08 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 01 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu... Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2022, Tuyên Quang đặt mục tiêu tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng xây dựng NTM ở các xã đã đạt chuẩn, hoàn thành xây dựng NTM đối với 08 xã và phấn đấu có thêm 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 02 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu... hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân ở khu vực nông thôn. Ngay từ đầu năm, các địa phương đã ban hành kế hoạch xây dựng xã đạt chuẩn NTM năm 2022 trên địa bàn. Công tác vận động, tuyên truyền luôn được quan tâm thực hiện, nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân cùng chung tay xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu.

Để đạt được điều này, hiện nay các xã đã được công nhận NTM, NTM nâng cao trước năm 2021 đang nỗ lực rà soát, nâng cấp các tiêu chí NTM theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021-2025. Có thể thấy, bộ tiêu chí NTM, NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 có sự khác biệt so với bộ tiêu chí NTM, NTM nâng cao giai đoạn 2010-2020. Cụ thể, là tăng lên về số lượng cũng như độ khó của mỗi chỉ tiêu, tiêu chí. Chính bởi vậy, nếu chiếu theo bộ tiêu chí mới, 100% xã, huyện đã được công nhận NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trước năm 2021 đều phải bổ sung, làm mới và nâng chất các chỉ tiêu, tiêu chí. Bên cạnh cái khó về sự thay đổi trong bộ tiêu chí đánh giá, rào cản lớn nhất vẫn là việc vào cuộc của người dân trong xây dựng NTM, thời gian gần đây do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 kéo dài nên thu nhập, việc làm, tổ chức sản xuất của người dân cũng ảnh hưởng không hề nhỏ. Nhất là ở những địa bàn miền núi nơi đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí và mức sống của người dân thấp, không đồng đều... thì sức dân thực sự chưa được phát huy và chưa được thể hiện rõ nét. Trong khi đó Bộ tiêu chí NTM chuẩn giai đoạn 2021-2025 là "Đề cao bộ mặt nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn". Cụ thể, các tiêu chí số 17 và số 18 về môi trường và chất lượng môi trường sống trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao được đặc biệt quan tâm. Đối với những tiêu chí này thì sự vào cuộc của người dân mới là chủ yếu, nguồn lực vật chất của tỉnh chỉ mang tính hỗ trợ. Đây có thể coi là một khó khăn của các địa phương trong lộ trình đưa Tuyên Quang, hoàn thành kế hoạch xây dựng NTM trong năm nay.

Qua rà soát xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa, một trong 08 xã mục tiêu hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2022, cho thấy mặc dù địa phương đã được Nhà nước quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, nhưng thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, hiện Hùng Mỹ mới đạt 11/19 tiêu chí. Cần phải hoàn thành 08 tiêu chí (Giao thông, Trường học, Cơ sở vật chất văn hóa, Nhà ở dân cư, Thu nhập, Nghèo đa chiều, Y tế, Môi trường và an toàn thực phẩm). Đây cũng là tình hình chung của 07 xã mục tiêu còn lại, các tiêu chí chưa đạt của các xã phần nhiều liên quan đến cơ sở hạ tầng như: Giao thông, Trường học, Cơ sở vật chất văn hóa, Môi trường và an toàn thực phẩm,,.. Để hoàn thành mục tiêu 08 xã đạt chuẩn NTM năm 2022, Tuyên Quang cần thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:  về Giao thông: Nhựa hóa, bê tông hóa 88,3 km, trong đó: Đường trục xã, liên xã 7,2 km, đường trục thôn, liên thôn: 24,4 km; đường ngõ xóm: 21,3 km, đường nội đồng: 35,4 km; về Điện: Xây dựng 11 công trình hạ tầng lưới điện (trạm biến áp, đường dây trung áp và hạ áp…) tại 04 xã (Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa; Bạch Xa, Minh Khương và Yên Phú, huyện Hàm Yên; về Trường học: Xây dựng mới, nâng cấp sửa chữa 51 công trình trường học các cấp tại 15 xã, trong đó: Trường Mầm non 15 công trình, Trường Tiểu học 19 công trình, Trường THCS 17 công trình; về Cơ sở vật chất văn hóa: Xây dựng, nâng cấp 07 nhà văn hóa xã, 06 sân thể thao xã, 22 nhà văn hóa thôn, 09 sân thể thao thôn và hỗ trợ trang thiết bị cho 151 nhà văn hóa thôn, xã; về Nhà ở dân cư: Xóa 151 nhà tạm, dột nát tại 08 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới; về Y tế: Xây dựng, nâng cấp 08 Trạm Y tế xã; về Môi trường và An toàn thực phẩm: Xây dựng 06 công trình cấp nước sinh hoạt, 10 nghĩa trang theo quy hoạch, 301 công trình hầm bể Biogas và bể tự hoại, xây dựng 04 điểm tập kết rác thải. Tổng kinh phí thực hiện các tiêu chí trên khoảng 408.968,3 triệu đồng.

Bóng chuyền hơi - môn thể thao được nhiều người dân lựa chọn để rèn luyện sức khỏe

Trao đổi về vấn đề này, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Lê Hải Nam cho biết: “Các xã đăng ký hoàn thành đạt chuẩn đều là những xã tương đối khó khăn, các tiêu chí cần hoàn thành cơ bản đều là hạ tầng cơ sở, tiêu chí bình quân của 08 xã mục tiêu mới đạt 11,6 tiêu chí/xã. Để hoàn thành mục tiêu trên có thể nói, thật sự là một thách thức không nhỏ”. Sau khi dịch Covid-19 tạm thời lắng xuống, việc triển khai xây dựng NTM tại các địa phương gặp không ít khó khăn, vấn đề tiêu thụ các mặt hàng nông sản của người dân trên địa bàn các huyện gặp nhiều khó khăn như giá, nhân công, vận chuyển... ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Sau khi trở lại trạng thái “bình thường mới”, các địa phương đang khẩn trương “chạy nước rút” tập trung nguồn lực, triển khai thực hiện các tiêu chí nhằm đạt kế hoạch đề ra.

Mặt khác, việc duy trì, giữ vững những tiêu chí nông thôn mới đã đạt cũng là cả vấn đề đối với một số huyện, thành phố, đặc biệt trong bối cảnh nguồn lực nội tại chưa đủ mạnh, kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các tiêu chí “tĩnh” như giao thông, thủy lợi, trường học.. theo thời gian và quá trình sử dụng đã xuống cấp nên cần có thêm nguồn kinh phí để duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Còn với các tiêu chí “động” như Nghèo đa chiều, An ninh trật tự, Môi trường… lại phụ thuộc không ít vào yếu tố khách quan cũng như ý thức của người dân, nếu không có giải pháp sát với thực tế thì khó duy trì, phát triển bền vững. Ngoài ra đối với các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2022, hoặc đã đạt chuẩn NTM trước đó gặp khó trong việc duy trì và phát triển mô hình sản xuất, qua đó ảnh hưởng trực tiếp việc giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập người dân. Trong khi, năm 2022, yêu cầu đặt ra về giảm nghèo, cận nghèo cho các xã về đích NTM rất cao, mức thu nhập của người dân, theo bộ tiêu chí mới buộc phải đạt hoặc trên 39 triệu đồng/người/năm.

Do vậy, để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở 08 xã “về đích”; đồng thời duy trì, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới ở các xã đã đạt chuẩn cần tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp:

Trước hết với 08 xã về đích năm 2022, tỉnh đã yêu cầu UBND cấp huyện chỉ đạo các xã tập trung mọi nguồn lực hoàn thành các tiêu chí chưa đạt. Cùng với nguồn vốn đầu tư của tỉnh, sự hỗ trợ của các huyện, các xã cần chủ động trong việc kêu gọi đầu tư xã hội hóa. Và quan trọng hơn là hệ thống chính trị của các xã cần khẩn trương vào cuộc với quyết tâm cao, nỗ lực triển khai nhiệm vụ ngay từ những tháng đầu của năm 2022 để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng, hoàn thiện trong thời gian sớm nhất với chất lượng cao nhất.

Tập trung khai thác lợi thế, phát triển kinh tế và tiếp tục sắp xếp lại sản xuất nông nghiệp trên địa bàn các xã, đồng thời vận động nông dân mạnh dạn đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đem lại hiệu quả cao trên diện tích đất canh tác. Củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác và tổ liên kết sản xuất; hình thành các vùng sản xuất nông sản chuyên canh, an toàn, có quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường. Tăng cường công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho nhân dân, từng bước chuyển dịch lao động trong nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu lao động để hoàn thành các tiêu chí NTM.

Có thể thấy, Tuyên Quang đã, đang nhận diện đúng thực tế, quyết liệt ngay từ đầu để phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu. Tin rằng, từ kinh nghiệm đã có và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân và doanh nghiệp, Tuyên Quang sẽ hoàn thành thắng lợi kế hoạch xây dựng NTM năm 2022./.

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục