Tuyên Quang: Dấu ấn xây dựng nông thôn mới

Trong suốt quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), với sự quyết liệt vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong mọi tầng lớp nhân dân, tỉnh Tuyên Quang đã đạt được nhiều dấu ấn quan trọng tạo nên sự thay đổi sâu sắc, cơ bản, toàn diện về chính trị, kinh tế - xã hội, môi trường và chất lượng cuộc sống ở khu vực nông thôn.

Trụ sở UBND xã Thái Bình, huyện Yên Sơn

Có thể nói, từ khi triển khai chương trình MTQG xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn Tuyên Quang đã được đổi thay rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố; quyền và vai trò làm chủ của người dân được đề cao; an ninh trật tự ở nông thôn được giữ vững, anh sinh xã hội ngày càng đảm bảo; các điều kiện về giáo dục, y tế, văn hóa và môi trường đã được quan tâm và ngày càng hoàn thiện.

 Sau hơn 10 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM nhận thức trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp và nhân dân về xây dựng NTM đã có sự thay đổi về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, là tiềm năng thế mạnh của địa phương, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường đã có chuyển biến rõ rệt, người dân đã tự phân loại rác thải góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường. Phong trào xây dựng tuyến “đường hoa”, đường điện “thắp sáng quê hương”  được người dân tích cực hưởng ứng góp phần thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường gắn với xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Những con đường rợp sắc hoa đã góp phần hình thành và thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề giữ gìn, bảo vệ môi trường đồng thời làm thay đổi cảnh quan, diện mạo nông thôn.

Trong giai đoạn Giai đoạn 2011 -2020, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, Tuyên Quang đã huy động tốt các nguồn lực để thực hiện, trong đó mức độ tham gia của người dân đạt cao hơn các chương trình mục tiêu quốc gia khác. Theo đó, đã huy động được khoảng 17.560.806 triệu đồng đầu tư cho chương trình, trong đó vốn đầu tư trực tiếp là 2.890.083 triệu đồng, chiếm 16,45%; ngân sách trung ương là 1.310.067 triệu đồng, chiếm 7,46%; ngân sách địa phương các cấp là 1.579.960 triệu đồng, chiếm 8,99%; vốn lồng ghép 3.027.064 triệu đồng chiếm 17,23%; vốn doanh nghiệp là 856.192 triệu đồng chiếm 4,87%, vốn tín dụng là 9.363.747 triệu đồng, chiếm 53,3%;  vốn huy động từ cộng đồng dân cư trên 1.423.711 triệu đồng, chiếm 8,1%.

Từ nguồn vốn trên tỉnh đã đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 66/124 xã đạt tiêu chí về giao thông; 124/124 xã đạt tiêu chí về thủy lợi; 74/124 xã đạt tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa; 117/124 xã đạt tiêu chí về hạ tầng thương mại nông thôn… Tình hình an ninh trật tự nông thôn được giữ vững với 115/124 xã đạt tiêu chí về hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật; 109/124 xã đạt tiêu chí về quốc phòng và an ninh.

Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân luôn được xác định là mục tiêu cốt lõi của chương trình xây dựng NTM. Trong đó tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất các cây con chủ lực theo hướng chuyển từ “lượng” sang “chất” với việc xây dựng ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM. Bước đầu hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm; hình thành các mô hình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Vùng sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP tại các huyện Hàm Yên,                                                                                                                                                                                                                            Yên Sơn, Sơn Dương và Na Hang,  mô hình hình canh tác lạc trái mùa tại xã Trường Sinh, mô hình chăn nuôi bò sinh sản ở xã Kháng Nhật, mô hình trồng cà gai leo tại các xã Hợp Hòa, Sầm Dương; mô hình trồng cây Sa chi tại xã Lương Thiện; mô hình trồng cây Hương nhu tại xã Tú Thịnh; mô hình trồng dưa lưới trong nhà lưới xã Kháng Nhật (huyện Sơn Dương); mô hình sản xuất rau an toàn; mô hình ghép cải tạo nhãn tại xã Thái Bình, huyện Yên Sơn...Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước hết năm 2020 đạt 40 triệu đồng/năm. Toàn tỉnh có 59/124 xã đạt tiêu chí thu nhập; 77/124 xã đạt tiêu chí về hộ nghèo; 124/124 xã đạt tiêu chí về lao động có việc làm; 116/124 xã đạt tiêu chí về tổ chức sản xuất.

Tính đến hết ngày 31/12/2020, toàn tỉnh có 47 xã đạt chuẩn NTM (đạt 37,9% tổng số xã), 01 đơn vị cấp huyện (thành phố Tuyên Quang) đạt chuẩn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Tuyên Quang đã hoàn thành vượt các mục tiêu kế hoạch thực hiện chương trình xây dựng NTM trong giai đoạn 2016 - 2020. Có được kết quả trên là trong quá trình xây dựng NTM tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả.

Đường giao thông nông thôn xã Hồng Thái, huyện Na Hang

Những kết quả đạt được trong xây dựng NTM thời gian qua là tiền đề quan trọng để tỉnh Tuyên Quang hướng tới mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh có thêm huyện Hàm Yên đạt chuẩn NTM nâng số huyện đạt chuẩn NTM lên 02/07 huyện, thành phố; năm 2021 có thêm 08 xã đạt chuẩn NTM nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 55/114 xã đạt chuẩn NTM; 05 xã đạt chuẩn NTM nâng cao năng tổng số đạt chuẩn nâng cao lên 08 xã, trong  đó có 01 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Bình quân toàn tỉnh đạt 16 tiêu chí/xã, không có xã đạt dưới 11 tiêu chí.

Với quan điểm “Xây dựng NTM là quá trình liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”, vì vậy giải pháp đặt ra là các ngành, địa phương cần rà soát, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện giai đoạn sau năm 2020 cụ thể, sát với tình hình thực tế. Đối với các xã và huyện đã đạt chuẩn NTM, tập trung chỉ đạo, xác định nội dung, giải pháp thực hiện, đảm bảo giữ vững và phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025.

Các địa phương tiếp tục tập trung đẩy nhanh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Xây dựng các chuỗi hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm cây trồng, vật nuôi chủ lực gắn với chuỗi các chợ đầu mối hoặc trung tâm cung ứng hàng nông sản. Trong đó, chú trọng phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng và đặc sản thế mạnh của tỉnh theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với xây dựng thương hiệu, bao bì nhãn mác sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, xác định đây là nội dung đột phá, động lực, sức sống của Chương trình NTM thời gian tới.

Ngoài việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao để nâng cao đời sống tinh thần cho người dân nông thôn thì các lĩnh vực y tế, giáo dục, quốc phòng an ninh và bảo vệ môi trường nông thôn, cải tạo cảnh quan môi trường gắn với phát triển du lịch cộng đồng cũng cần tiếp tục được chú trọng để từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.


Chè Shan Tuyết, xã Hồng Thái, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang

Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung, cách làm trong xây dựng NTM, các tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; qua đó tiếp tục nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM. Các thành viên Ban chỉ đạo căn cứ chức năng nhiệm vụ thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn cho các huyện, xã trong quá trình triển khai thực hiện. Các huyện, xã xây dựng kế hoạch cụ thể theo thời gian và phân công trách nhiệm từng thành viên Ban chỉ đạo theo từng lĩnh vực, tiêu chí, từng thôn, cụm dân cư để đạt tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Cùng với đó là việc đa dạng hình thức huy động nguồn lực, nhất là nguồn lực trong nhân dân, nguồn lực từ các chương trình, dự án đang thực hiện trên địa bàn. Đồng thời phải đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch. Quá trình thực hiện phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, chú trọng công tác thi đua khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục