Tuyên Quang chủ động, quyết tâm xây dựng nông thôn mới.

Theo Kế hoạch năm 2021, Tuyên Quang phấn đấu có thêm 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có thêm ít nhất 21 thôn được công nhận “Thôn nông thôn mới kiểu mẫu”; ít nhất 21 vườn hộ gia đình được công nhận “Vườn mẫu nông thôn mới”. Để đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, Tuyên Quang đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động vào cuộc, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ ngay từ những tháng đầu của năm 2021.

Cam sành Hàm Yên (Cây ăn quả chiếm vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế, giúp giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân)

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến nay, Tuyên Quang  đã có 47/124 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 01 đơn vị cấp huyện đang hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (thành phố Tuyên Quang). Mục tiêu của Tuyên Quang đề ra trong năm 2021 là tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới ở các xã đã đạt chuẩn, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân ở khu vực nông thôn.

Theo báo cáo xã Tân An, huyện Chiêm Hóa (01 trong 08 xã mục tiêu hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021) cho thấy: Mặc dù địa phương đã được nhà nước quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, nhưng thực tế vẫn còn nhiều khó khăn. Đến nay, xã Tân An mới đạt 11/19 tiêu chí. Cần phải hoàn thành 08 tiêu chí (Giao thông, Trường học, Cơ sở vật chất văn hóa, Thông tin và truyền thông, nhà ở dân cư, Thu nhập, Môi trường và An toàn thực phẩm, Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật).

Đây cũng là tình hình chung của 07 xã mục tiêu còn lại. Các tiêu chí chưa đạt của các xã này phần nhiều liên quan đến cơ sở hạ tầng 07/08 xã chưa đạt tiêu chí Giao thông, 07/08 xã chưa đạt tiêu chí trường học, 06/08 xã chưa đạt tiêu chí Cơ sở vật chất văn hóa, đặc biệt 05/08 xã chưa đạt tiêu chí thu nhập…Để đưa các xã trên về đích NTM năm 2021, Tuyên Quang cần thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:  về Giao thông: Nhựa hóa, bê tông hóa 120,2 km đường giao thông; về Điện: Xây dựng 01 công trình hạ tầng lưới điện (trạm biến áp, đường dây trung áp và hạ áp,…) tại xã Sơn Nam; về Trường học: Xây dựng mới, nâng cấp sửa chữa 37 công trình trường học các cấp tại 14 xã ; về Cơ sở vật chất văn hóa: Xây dựng, nâng cấp cải tạo 04 nhà văn hóa xã, 05 sân thể thao xã, xây dựng 07 nhà văn hóa thôn, 07 sân thể thao thôn và hỗ trợ trang thiết bị cho 56 nhà văn hóa  thôn; về Thông tin và Truyền thông: Nâng cấp, cải tạo bưu điện xã Tân Thành ; về Nhà ở dân cư: Xóa 174 nhà tạm tại 07 xã (Thổ Bình 12 nhà; Tân An 80 nhà; Tân Thành 12 nhà; Thái Sơn 17 nhà; Tân Long 09 nhà; Phú Thịnh 30 nhà; Tú Thịnh 14 nhà ; Kiên Đài 25 nhà) ; về Y tế: Xây dựng, nâng cấp 04 Trạm Y tế xã (Hoàng Khai, Kim Phú, Thái Bình); về Môi trường và An toàn thực phẩm: Xây dựng 01công trình cấp nước sinh hoạt (xã Thái Sơn); nâng cấp khu xử lý rác thải tạm thời tại xã Bình Xa; 06 nghĩa trang theo quy hoạch tại 04 xã (Tân Thành 02 nghĩa trang; Thái Sơn 02 nghĩa trang; Tân Long 01 nghĩa trang; Tú Thịnh 01 nghĩa trang); 223 nhà tắm, 246 nhà tiêu và 40 công trình chuồng trại chăn nuôi; xây dựng điểm thu gom rác thải, trang bị xe chở rác tại các thôn ở 04 xã (Tân Thành, Thái Sơn, Tân Long, Phú Thịnh).

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Hùng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh cho biết: Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp đã trở thành rào cản cho sự tăng trưởng trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh và các xã mục tiêu phấn đấu hoàn thành nông thôn mới năm 2021 sẽ gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, việc duy trì, giữ vững những tiêu chí đã đạt cũng là cả vấn đề đối với một số huyện, thành phố, đặc biệt trong bối cảnh nguồn lực nội tại còn hạn chế; theo thời gian và quá trình sử dụng một số công trình đã đạt chuẩn trước đó sẽ xuống cấp nên cần có thêm nguồn kinh phí để duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Còn với các tiêu chí “động” như tỷ lệ hộ nghèo, an ninh trật tự, môi trường… lại phụ thuộc không ít vào yếu tố khách quan cũng như ý thức của người dân, nếu không có giải pháp sát với thực tế thì khó duy trì, phát triển bền vững.


Nuôi trâu vỗ béo tại xã Thanh Tương, huyện Na Hang

Ông Nguyễn Huy Hùng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh nhấn mạnh: Để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2021 theo đúng Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 01/03/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh các huyện cần hướng dẫn, đôn đốc các xã cần tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Trước thực tế đó, tỉnh đã chỉ đạo, đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện chỉ đạo các xã tập trung mọi nguồn lực hoàn thành các tiêu chí chưa đạt, đặc biệt là các xã nằm trong lộ trình đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021. Cùng với nguồn vốn đầu tư của tỉnh, huyện, các xã cần chủ động trong việc kêu gọi đầu tư, vận động các nguồn vốn xã hội hóa. Và quan trọng hơn là hệ thống chính trị của các xã cần khẩn trương vào cuộc với quyết tâm cao, nỗ lực triển khai nhiệm vụ ngay từ những tháng đầu của năm 2021 để đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng, hoàn thiện trong thời gian sớm nhất với chất lượng cao nhất.

Với việc duy trì nâng cao chất lượng nông thôn mới ở các xã đã đạt chuẩn, các địa phương cần đánh giá thực chất những tồn tại, hạn chế để có giải pháp sát thực tế. Đồng thời hình thành tư duy dài hạn, hướng đến nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, vận động người dân - chủ thể của nông thôn mới  chung sức, tham gia cùng cấp ủy chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ về phát triển kinh tế, văn hóa, giữ gìn môi trường sống xanh, sạch, bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn thôn xã. Đây cũng là giải pháp góp phần đổi mới cơ bản, toàn diện nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong bối cảnh hiện nay./.

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục