Trồng cây dược liệu - Hướng sản xuất mới của xã Hùng Mỹ

Với nhiều ưu điểm nhanh cho thu hoạch, đầu ra cho sản phẩm ổn định, phù hợp với đất đai, khí hậu tại địa phương… vài năm trở lại đây, trồng dược liệu đã được người dân ở xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang tích cực triển khai. Do nguồn thu khá và ổn định trồng dược liệu đang là hướng đi mới trong phát triển kinh tế của người dân ở xã thuộc Chương trình 135 này.

Ông Ma Văn Tới, Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Mỹ cho biết, với mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương, hướng tới sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân, tháng 8/2018, xã Hùng Mỹ đã đưa cây khôi nhung – một trong những cây dược liệu có giá trị kinh tế cao vào trồng dưới tán rừng sản xuất.


Tham quan mô hình trồng cây khôi nhung ở xã Hùng Mỹ. Ảnh: TTXVN phát

 Dự án trồng cây khôi nhung được thực hiện thí điểm tại thôn Thắm, với 3 hộ dân tham gia. Đây là dự án nằm trong chuỗi liên kết với Trung tâm Đào tạo nghề nông nghiệp và tư vấn Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội. Theo đó, đơn vị này sẽ cung ứng giống cây giống, hướng dẫn người dân cách trồng, chăm sóc, thu hoạch.

Là một trong những hộ dân đầu tiên tham gia trồng cây khôi nhung ở xã Hùng Mỹ, bà Ma Thị Nhu, dân tộc Tày, thôn Thắm chia sẻ, năm 2018, được cán bộ xã vận động gia đình bà đã mạnh dạn đầu tư mua 1.000 cây giống về trồng dưới tán rừng mỡ của gia đình, với diện tích khoảng 1.000 m2. Vì phù hợp với đất đai, khí hậu và thực hiện theo quy trình chăm sóc đã được hướng dẫn nên cây khôi nhung sinh trưởng và phát triển tốt.
Sau khoảng 4 tháng trồng cây bắt đầu cho thu hoạch lá. Hiện nay, trung bình khoảng 2 tháng gia đình bà được thu hoạch 1 lần, mỗi lần thu khoảng từ 30 – 40 kg lá tươi, với giá khoảng từ 25.000 – 27.000 đồng/kg, mỗi lần thu hoạch gia đình bà thu về khoảng 800.000 đồng đến 1 triệu đồng. Mặc dù, số tiền chưa lớn nhưng trồng dược liệu đã góp phần giúp gia đình bà tăng thêm thu nhập.


Cây sa chi đang là cây trồng mới và hiệu quả ở xã Hùng Mỹ. Ảnh: TTXVN phát

Bà Nhu cũng chia sẻ thêm, trồng cây dược liệu khôi nhung dưới tán rừng có nhiều ưu điểm: đầu tư 1 lần thu nhập nhiều năm (cây cho thu khoảng 10 năm) chăm sóc cũng dễ dàng và thuận tiện vì vừa có thể chăm sóc rừng, vừa chăm sóc cây dược liệu. Ngoài ra, còn tận dụng được diện tích đất, tăng hệ số sử dụng đất, trên cùng 1 diện tích đất nhưng có 2 nguồn thu khác nhau…
Từ dự án thí điểm trồng 3.000 cây khôi nhung, với 3 hộ dân ở thôn Thắm tham gia đến nay, mô hình trồng cây dược liệu đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều hộ dân trên địa bàn xã. Anh Ma văn Tỵ, dân tộc Tày, thôn Thắm cho biết, thấy nhiều hộ dân trong xã trồng dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế nên tháng 3 vừa qua, gia đình anh đã chuyển đổi 2.000m2 đất trồng cây kinh tế thấp sang trồng cây xạ đen.
Hiện, gia đình anh đang trồng 5.000 cây xạ đen. Trong tháng 9 này, cây sẽ cho thu hoạch, với giá khoảng 70.000 đồng/kg cây khô anh dự kiến sẽ thu về khoảng trên 20 triệu đồng. Trung bình 1 năm cho thu hoạch 2 lần, so với trồng ngô, trồng sắn trồng dược liệu cho thu nhập cao hơn nhiều.
Với nhiều ưu điểm, trồng cây dược liệu đang ngày càng được nhân rộng trên địa bàn xã Hùng Mỹ. Hiện, mô hình trồng dược liệu đã được triển khai đến 5 thôn trên địa bàn xã: Thôn Dỗm, thôn Cao Bình, thôn Nặm Kép, thôn Ngầu 2, thôn Thắm. Toàn xã đang có: 1 ha cây bạc hà, 2 ha cây cà gai leo, 1,5 ha cây sa chi, 1 ha cây Hồng Giòn, 0,3 ha cây khôi nhung, 17.000 cây xạ đen. Tất cả sản phẩm dược liệu của xã đều có đầu ra ổn định, có đơn vị đăng ký thu mua từ khi bắt đầu trồng.


Cây cà gai leo đang là cây trồng mới và hiệu quả ở xã Hùng Mỹ. Ảnh: TTXVN phát

Ông Ma Văn Tới, Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Mỹ cho biết thêm, Hùng Mỹ là xã thuộc Chương trình 135 còn nhiều khó khăn của huyện Chiêm Hóa, xã có 1.376 hộ dân; trong đó, trên 80% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Tày. Mô hình trồng cây dược liệu đã giúp xã hạn chế diện tích đất vườn tạp bỏ hoang, thực hiện tốt việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn; thay đổi tư duy của người dân từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang liên kết sản xuất theo hướng hàng hóa.
Đồng thời, trồng dược liệu đã mở ra một hướng sản xuất mới, tạo thêm việc làm, góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương. Qua đó, góp phần giúp xã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 34% (năm 2019) xuống còn trên 25%, thu nhập bình quân đầu người đạt 32 triệu đồng/người/năm; tạo động lực giúp xã xây dựng nông thôn mới.
Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục nghiên cứu, vận động người dân mở rộng diện tích trồng dược liệu, thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật chăm sóc cây dược liệu để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Cùng với đó, xã sẽ tiếp tục vận động người dân đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đưa con giống, cây trồng có năng suất, giá trị kinh tế cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện kinh tế từng thôn, bản để đưa vào sản xuất; thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn phát triển sản xuất từ Chương trình 135 và các chương trình, dự án khác trên địa bàn, giúp người dân ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững. Xã Hùng Mỹ phấn đấu đến năm 2021 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới...

Bài, ảnh: Vũ Quang/Dantocmiennui.vn

Tin cùng chuyên mục