Triển khai thực hiện các mô hình thu gom, xử lý, sử dụng phụ phẩm cây trồng góp phần thực hiện hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới (NTM)

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hướng dẫn kỹ thuật tại hiện trường cho các hộ tham gia mô hình tại xã Thái Sơn (huyện Hàm Yên)

Tỉnh ta là một tỉnh kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, trong quá trình sản xuất đã tạo ra một lượng phế phẩm, phụ phẩm lớn, nếu quản lý không chặt sẽ gây ô nhiễm môi trường và lãng phí nguồn chất hữu cơ lớn. Với mục tiêu hướng dẫn, hỗ trợ các xã hoàn thành tiêu chí số 17 Môi trường trong thực hiện xây dựng NTM nâng cao, từ đầu năm 2024 đến nay Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức nhiều lớp tập huấn và xây dựng mô hình thu gom, xử lý, sử dụng phụ phẩm cây trồng tại các xã mục tiêu đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2024; qua đó giúp các hộ nông dân thu gom, xử lý, sử dụng phụ phẩm cây trồng sau thu hoạch làm phân bón hữu cơ, giảm phân bón hoá học, giảm ô nhiễm môi trường, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững.

Tại các xã mục tiêu hoàn thành xã NTM nâng cao năm 2024, mỗi xã triển khai thực hiện 01 mô hình gồm 02 nội dung: Xử lý rơm rạ trực tiếp trên đồng ruộng làm phân bón hữu cơ với quy mô 15 ha/5 mô hình với 190 hộ tham gia; Thực hiện thu gom, ủ phụ phẩm cây trồng thành phân hữu cơ với 05 tấn rơm (01 tấn rơm/mô hình) được thu gom tập kết rơm tại vườn của hộ nông dân. Tham gia mô hình, các hộ được tập huấn kiến thức và hỗ trợ 100% chế phẩm vi sinh chuyên dụng để xử lý rơm rạ và ủ phụ phẩm cây trồng; và chỉ cần đóng góp rơm rạ, rỉ đường, phân đạm Urê, phân Kali clorua, bạt che phủ đống ủ,... Các lớp tập huấn được tổ chức theo phương pháp kết hợp giữa lý thuyết và thực hành theo tài liệu hướng dẫn thu gom, xử lý phụ phẩm cây trồng do Cục Trồng trọt ban hành năm 2023. Học viên được hướng dẫn 01 buổi lý thuyết và 02 buổi thực hành tại hiện trường về xử lý rơm rạ trực tiếp trên đồng ruộng sau thu hoạch và thu gom, xử lý, ủ phụ phẩm thành phân hữu cơ bằng men ủ vi sinh; hướng dẫn cách đảo trộn; kiểm tra đống ủ sau khi ủ phụ phẩm.

Các hộ tham gia mô hình tại xã Nhữ Hán (huyện Yên Sơn) đang thực hiện xử lý rơm rạ

Kết quả qua việc triển khai các mô hình đã tạo ra được khoảng 2 tấn phân bón hữu cơ, giúp các hộ nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, giảm thiểu tác nhân gây ô nhiễm môi trường nông thôn. Tham gia mô hình, người dân thấy được lợi ích về mặt kinh tế, môi trường khi tận dụng được những phụ phẩm, phế phẩm trong sản xuất của chính gia đình mình, từ đó áp dụng để thực hiện nhân rộng. Phương pháp này giúp tận dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm sau sản xuất, tái sử dụng chúng để cải tạo đất, nâng cao độ phì nhiêu, đồng thời giúp cây trồng sinh trưởng tốt hơn và có khả năng chống chịu với sâu bệnh. Bên cạnh đó, từ hiệu quả của phương pháp xử lý này còn giúp giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế phát thải khí nhà kính do đốt phụ phẩm cây trồng, góp phần vào việc thực hiện tiêu chí Môi trường trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới./.

La Thị Duyên/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh.

Tin cùng chuyên mục