Thực hiện tiêu chí Y tế trong xây dựng nông thôn mới

Trong xây dựng nông thôn mới, lĩnh vực y tế là một trong những tiêu chí có nhiều chỉ tiêu mới, cần tập trung thực hiện. Với sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, sự chung sức của người dân, đến nay, việc triển khai thực hiện tiêu chí Y tế của các xã trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã đạt được những kết quả tích cực góp phần vào kết quả xây dựng nông thôn mới (NTM) nói chung và phát triển bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân bền vững nói riêng.

Trạm y tế xã Hồng Thái, huyện Na Hang được xây dựng khang trang

Thực hiện Quyết định số 318/QĐ-TTg, ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025. Đến hết tháng 8 năm 2024, toàn tỉnh có 74/122 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới, đạt 60,65% (UBND tỉnh đã có quyết định công nhận 71 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu). Đến nay thành phố Tuyên Quang đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 1666/QĐ-TTg ngày 05/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Hàm Yên đã đạt chuẩn 5/9 tiêu chí và huyện Sơn Dương đạt 4/9 tiêu chí huyện nông thôn mới.

Căn cứ Quyết định số 2373/QĐ-BYT ngày 31/8/2022 của Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn thực hiện một số tiêu chí, chỉ tiêu thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, xã NTM nâng cao và huyện NTM, huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Văn bản số 1531/SYT-KH ngày 30/6/2023 về việc hướng dẫn thực hiện Tiêu chí Y tế về xã nông thôn mới, xã NTM nâng cao và huyện NTM giai đoạn 2021-2025; Văn bản số 874/SYT-KH ngày 21/4/2023 về việc hướng dẫn thực hiện Tiêu chí Y tế về thôn Nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025; Văn bản số 1394/SYT-KHTC ngày 10/6/2024 về việc hướng dẫn thực hiện tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 211/QĐ-TTg ngày 01/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ thuộc lĩnh vực y tế, để hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch, tổ chức thẩm định, đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu y tế trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đối với các xã NTM: Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt từ 90% trở lên; xã NTM nâng cao: Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt từ 95% trở lên; xã NTM kiểu mẫu: Tỷ lệ dân số thường trú trên địa bàn thôn được quản lý, theo dõi sức khỏe đạt 95% trở lên; Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%...

          Chỉ tiêu 15.1: Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế: Hiện nay, mạng lưới y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh được hoàn thiện, các trạm y tế xã tiếp tục được nâng cấp, sửa chữa, xây mới đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân. Theo báo cáo của Sở Y tế Tuyên Quang tỷ lệ người dân tham gia BHYT năm 2023 đạt tỷ lệ: 95,8%. Tuy nhiên, thực hiện tiêu chí Y tế trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, chỉ tiêu người dân tham gia BHYT là một chỉ tiêu khó. Thực tế là nhiều địa phương sau khi đạt chỉ tiêu BHYT một thời gian thì chỉ tiêu này lại sụt giảm bởi nhiều nguyên nhân, trong đó, không ít người dân không tiếp tục tham gia BHYT hoặc chỉ tham gia BHYT với thời gian ngắn (6 tháng); công tác vận động người dân tham gia BHYT trong giai đoạn ban đầu cũng vấp phải nhiều khó khăn. Bởi không ít gia đình còn xem nhẹ, chưa hiểu sâu, hiểu rõ được hết chính sách nhân văn của BHYT. Mặc khác, giá mua thẻ BHYT tăng cao kể từ ngày 01/7/2024 (khi mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng) ít nhiều ảnh hưởng với những gia đình lao động phổ thông. Đây là “nút thắt” trở ngại đặt ra trong việc thực hiện phát triển BHYT toàn dân bền vững.

Ngoài ra nhiều xã sau khi đạt chuẩn NTM không giữ vững được tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân theo quy định, trước hết là do một số xã đã không còn quyết liệt chỉ đạo trong công tác tuyên truyền, vận động người tham gia BHYT liên tục; đồng thời, việc hoàn thành việc xây dựng NTM cũng đã giảm dần sự bao cấp từ ngân sách nhà nước đối với việc cấp thẻ BHYT miễn phí cho người dân tại các địa phương. Mặt khác, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội chung của cả nước, Chính phủ đã điều chỉnh tăng tỷ lệ người dân tham gia BHYT trong bộ tiêu chí công nhận xã đạt NTM, NTM nâng cao theo Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 với tỷ lệ người dân tham gia BHYT tại các xã đạt chuẩn NTM phải đạt từ 90% dân số, xã đạt chuẩn NTM nâng cao phải đạt từ 95% dân số trở lên, dẫn đến nhiều địa phương đã chưa đạt được tỷ lệ người dân tham gia BHYT theo tiêu chí mới.

Chỉ tiêu 15.2: Xây dựng xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế: Trong những năm vừa qua ngành Y tế Tuyên Quang đã được Bộ Y tế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm bố trí ngân sách đầu tư cơ sở vật chất để xây mới và duy tu, bảo dưỡng cơ sở vật chất tại trạm Y tế; đa số các trạm Y tế đều đảm bảo về vị trí, diện tích, đủ các phòng chức năng, nguồn nước sinh hoạt, nhà tiêu và xử lý nước thải. Kết quả đến năm 2022 trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành đầu tư xây mới được 78 trạm Y tế xã và Phòng khám đa khoa khu vực, năm 2023 triển khai xây dựng mới 23 đến 25 trạm Y tế xã theo các dự án đầu tư thuộc CTMTQG xây dựng Nông thôn mới (vốn trung ương, vốn địa phương và vốn vay ODA giai đoạn đến 2025), vốn phục hồi phát triển kinh tế xã hội năm 2022-2023 (xây dựng 8 trạm Y tế phường, thị trấn). Mới đây nhất UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Quyết định số 30/QĐ-UBND ngày 16/01/2024, Phê duyệt danh mục đầu tư các trạm Y tế xã "Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn" thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, tỉnh Tuyên Quang và Quyết định số 208/QĐ-UBND ngày 21/6/2024 Ban hành thiết kế mẫu trạm Y tế xã thuộc dự án đầu tư các trạm Y tế xã “Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn”. Dự kiến kế hoạch đến năm 2025 sẽ đầu tư xây dựng mới thêm khoảng 45 trạm Y tế xã/phường để đạt > 85% số xã được đầu tư đạt chuẩn về cơ sở hạ tầng, đến năm 2030 phấn đấu đạt 100% trạm Y tế xã/phường đạt chuẩn về cơ sở hạ tầng. Các trạm Y tế đều có từ 05 đến 06 biên chế và cơ bản có thành phần cơ cấu theo quy định (gồm bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng, nữ hộ sinh, y sỹ y học cổ truyền và viên chức dân số). Hiện toàn tỉnh có 130/138 trạm Y tế có bác sỹ hoạt động, chiếm tỷ lệ 94%; ngành y tế đã tăng cường đào tạo lại nhằm nâng cao trình độ cho đội ngũ tuyến xã, chú trọng đào tạo  bác sỹ là người địa phương. Kết quả hết năm 2022, toàn tỉnh có 129/138 xã đạt tiêu chí quốc gia về Y tế, đạt tỷ lệ 93.4%, năm 2023, đạt 133/138 (96.3%) số xã/phường đạt tiêu chuẩn quốc gia Y tế xã. (118/122 xã đạt chuẩn tiêu chí về Y tế).

Việc triển khai thực hiện các tiêu chí về y tế trong xây dựng nông thôn mới sẽ góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật và các quy định về y tế của người dân nông thôn; xây dựng, củng cố và phát triển hệ thống thiết bị y tế, cơ sở vật chất, tạo điều kiện để người dân ở nông thôn nâng cao mức hưởng thụ, tham gia bảo hiểm ở mức cao nhất. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã và đang giúp nhiều vùng nông thôn thay đổi, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, nâng cấp, đời sống nhân dân được cải thiện, không chỉ góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mà còn tạo cơ hội cho người dân phát triển kinh tế, và nhất là được tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc sức khỏe BHYT theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Vì vậy để đạt được tiêu chí về y tế trong xây dựng xã đạt chuẩn NTM, cần thiết phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng mục tiêu chăm sóc sức khỏe nhân dân gắn liền với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM tại mỗi địa phương./.

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục