Thành phố Tuyên Quang nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới

- Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Tuyên Quang đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Diện mạo nông thôn đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Để nâng “chất” nông thôn mới, năm 2020, thành phố đã lựa chọn xã Tràng Đà xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đồng thời duy trì, củng cố và nâng cao các tiêu chí đã đạt chuẩn nông thôn mới tại các xã.

Thành phố Tuyên Quang có 5 xã, hiện cả 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới và tiến tới xây dựng nông thôn mới nâng cao. Không thể nói hết niềm vui của người dân thành phố khi đón nhận thành quả này. Nông thôn mới không còn là ước mơ mà đã hiện diện trong cuộc sống hàng ngày của mỗi gia đình, hiện hữu trong sự tươi mới, sầm uất của phố xóm, trong vóc dáng đô thị của mỗi miền quê ngoại thành. 

Để thực hiện mục tiêu nông thôn mới nâng cao, thu nhập là tiêu chí được các địa phương đặt lên hàng đầu. Hiện thu nhập bình quân tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới của thành phố đạt từ 40 - 44 triệu đồng/người/năm. Thành phố tập trung nguồn lực hỗ trợ cho phát triển sản xuất hàng hóa, đổi mới quy mô, phương thức sản xuất để các xã nâng cao tiêu chí thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân. Vận động nhân dân thành lập các tổ sản xuất, tổ hợp tác để cùng phát triển, hướng tới sản xuất hàng hóa theo chuỗi. Thành phố tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực như bưởi xã Thái Long, mật ong xã An Khang, cá đặc sản, ba ba xã Tràng Đà, phát triển chuỗi sản xuất sản phẩm ổi trên địa bàn xã Kim Phú…

Người dân xã An Khang (TP Tuyên Quang) tiên phong đưa giống nho Hạ Đen vào trồng cho thu nhập vụ đầu đạt 70 - 90 triệu đồng/sào.

Xây dựng sản phẩm chủ lực, hình thành vùng sản xuất hàng hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà xã An Khang đang thực hiện. Qua đó, nhằm nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, đặc biệt là tiêu chí thu nhập cho người dân, tạo đà để huy động nguồn lực xây dựng hạ tầng. Hiện nay, sản phẩm mật ong Tuyên Quang của HTX Chăn nuôi ong Phong Thổ có sức cạnh tranh và giá trị kinh tế cao. Việc phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị của HTX Chăn nuôi ong Phong Thổ đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, xây dựng nông thôn mới nâng cao. Hiện thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 40,32 triệu đồng/người/năm.

Anh Trần Xuân Phong, Giám đốc HTX Chăn nuôi ong Phong Thổ cho biết, trung bình mỗi năm HTX xuất bán khoảng hơn 300 tấn mật ong và phấn hoa. HTX tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động với mức thu nhập từ 4 - 7 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm mật ong của HTX được nhiều công ty, hệ thống siêu thị trong toàn quốc đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Đến thời điểm này, xã Tràng Đà đạt 15/18 tiêu chí nông thôn mới nâng cao, còn 3 tiêu chí phải thực hiện là cảnh quan môi trường, trường học và tổ chức sản xuất. Đồng chí Vũ Thị Thu Hoài, Chủ tịch UBND xã nhấn mạnh, giải pháp đang được xã tích cực triển khai thực hiện là khơi dậy tinh thần chủ động của người dân, phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Xã tập trung huy động nguồn lực để lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng khu dân cư; tiếp tục nâng tỷ lệ đường giao thông được bê tông hóa từ 96% lên 100%, kết hợp xây dựng mô hình tuyến đường tự quản, làm đường hoa; thực hiện nâng tỷ lệ nhà ở đạt chuẩn, 3 công trình vệ sinh đảm bảo hợp vệ sinh; tích cực tham gia vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan đường làng ngõ xóm, bảo vệ các công trình hạ tầng đã được đầu tư…

Ông Dương Thanh Long, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Tuyên Quang cho biết, xây dựng nông thôn mới chính là làm cho người dân có cuộc sống sung túc, quê hương ngày càng giàu đẹp. Thành phố đã xây dựng được 6 vườn mẫu, tiếp tục xây dựng nhãn hiệu và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Thành phố đã có tờ trình UBND tỉnh để tỉnh thành lập đoàn kiểm tra, thẩm định xét công nhận thành phố Tuyên Quang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong năm 2020.   

Bài, ảnh: Hải Hương/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục