Thành phố Tuyên Quang “điểm sáng” trong xây dựng nông thôn mới

Ngày 05/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1666/QĐ-TTg công nhận thành phố Tuyên Quang đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đến nay 5/5 xã của thành phố đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 01 xã đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về Môi trường và chất lượng môi trường sống, thành phố Tuyên Quang đang là “điểm sáng” trong xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh Tuyên Quang.

Lễ công bố và trao Quyết định công nhận xã Thái Long, An Khang và xã Kim Phú đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Sau hơn 13 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, thành phố Tuyên Quang đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Hệ thống giao thông trên địa bàn được đảm bảo kết nối thông suốt từ trung tâm thành phố tới các xã, từ trung tâm xã tới các thôn, xóm. Giai đoạn 2021-2025, thành phố đã thực hiện kiên cố hóa 3.291m kênh mương, bê tông hóa 23.713m đường ngõ xóm và bê tông hoá 2.678m đường giao thông nội đồng. Mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông được phát triển đầu tư đồng bộ, hiện đại, gắn với tiêu chí phát triển đô thị. Hệ thống thủy lợi kết nối đồng bộ, đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất và dân sinh. Hệ thống điện đảm bảo kỹ thuật; 100% số trường học các cấp học đạt chuẩn quốc gia; 100% số xã, thôn có nhà văn hóa đạt chuẩn và 100% số xã được đầu tư xây dựng trạm y tế theo quy định; Kinh tế giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định, năm sau cao hơn năm trước, bình quân đạt trên 12%/năm; hằng năm hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội; thu ngân sách thành phố (thu nội địa) năm 2023 đạt 878,768 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 106,5 triệu đồng/người/năm.

Giai đoạn 2020-2023, thành phố đã thực hiện giảm được 369 hộ nghèo; năm 2024, phấn đấu thực hiện giảm 43/211 hộ nghèo. Giai đoạn 2021-2024, đã thực hiện việc hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở đối với 34 gia đình người có công; hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở cho 113 hộ nghèo; hỗ trợ tiền điện cho 1.094 lượt hộ nghèo, số tiền 683,976 triệu đồng; cấp thẻ BHYT cho 2.131 lượt người nghèo, số tiền 1.263,528 triệu đồng và 3.085 lượt người cận nghèo, số tiền 1.471,14 triệu đồng. Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM đã góp phần làm thay đổi diện mạo của các xã vùng nông thôn thành phố Tuyên Quang góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Để có được những kết quả như hiện nay, ngay từ những ngày đầu bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, thành phố Tuyên Quang đã ban hành nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng, trong đó xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân nhất là người đứng đầu của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, ảnh hưởng của những người có uy tín trong cộng đồng. Đồng thời, thành phố Tuyên Quang định hướng các xã tập trung xây dựng đề án, kế hoạch triển khai xây dựng nông thôn mới cụ thể, chi tiết, xác định rõ nguồn lực, đảm bảo tính khả thi với phương châm “làm từ trong đồng làm vào làng, làm từ ngõ xóm làm ra ngoài xã; lấy người dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, Nhà nước giữ vai trò hỗ trợ, định hướng; ưu tiên những tiêu chí thuận lợi triển khai trước và các tiêu chí phục vụ hỗ trợ sản xuất;…”. Tính đến hết tháng 6 năm 2024, thành phố Tuyên Quang đã huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được 246.296,3 triệu đồng. Trong đó: Ngân sách Trung ương: 23.045,0 triệu đồng (Vốn đầu tư phát triển 15.470,0 triệu đồng, vốn sự nghiệp 7.575,0 triệu đồng), Ngân sách tỉnh: 2.642 triệu đồng, Ngân sách thành phố: 151.423,7 triệu đồng, Vốn lồng ghép: 25.507,8 triệu đồng, Vốn huy động từ người dân và cộng đồng: 43.677 triệu đồng.

Công tác thông tin, tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới được triển khai sâu rộng, duy trì thường xuyên, nội dung và hình thức tuyên truyền đa dạng. UBND thành phố, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức thành viên đã tích cực chỉ đạo triển khai xây dựng phong trào thi đua, thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, qua đó khơi dậy phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, rộng khắp. Người dân tích cực hiến đất đai, tài sản, đóng góp tiền, ngày công trong xây dựng nông thôn mới, thực sự là chủ thể tham gia xây dựng nông thôn mới. Hàng năm, thành phố tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho cán bộ; việc tổ chức các đoàn học tập kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ vận hành Chương trình xây dựng nông thôn mới từ thành phố đến xã đã được triển khai kịp thời nhằm học hỏi những mô hình mới, cách làm sáng tạo của các địa phương khác.

Cùng với đó, Thành ủy, UBND thành phố đã chỉ đạo tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất, gắn nông nghiệp với phát triển dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm Trên địa bàn đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh; xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao; triển khai, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã có 25 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Hình thành các chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, hiện có 08 sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận và bảo hộ nhãn hiệu độc quyền (Mật ong Tuyên Quang, xã An Khang; Bưởi Thái Long, xã Thái Long; Tăm giang xuất khẩu, phường Minh Xuân; Mỳ sợi Thuật Yến, xã Kim Phú; Lạc vina, phường Minh Xuân; Hồng mọng, xã Tràng Đà; Ổi xã Kim Phú; Gà Tân Tạo, phường Đội Cấn); Duy trì và củng cố 36 hợp tác xã nông nghiệp, khuyến khích và hỗ trợ phát triển các hợp tác xã chuyên ngành mới, làm đầu mối trong sản xuất, chuyển giao công nghệ và tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên hợp tác xã và các hộ liên kết sản xuất.

Việc xây dựng nông thôn mới của thành phố thời gian qua luôn được gắn phát triển nông thôn với phát triển đô thị theo quy hoạch; xây dựng nông thôn mới theo hướng ổn định, giàu bản sắc dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại. Không ngừng củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM của xã, của thành phố theo định hướng bền vững, hướng tới xây dựng thành phố Tuyên Quang hoàn thành NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, luôn là “điểm sáng” trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Có thể thấy, sau nhiều năm quyết tâm thực hiện xây dựng NTM, bức tranh nông thôn của thành phố Tuyên Quang đã có sự thay đổi toàn diện, tích cực. Chương trình xây dựng NTM đã thực sự đi vào cuộc sống, nhờ vào "ý Đảng lòng dân" thống nhất, đồng thuận. Đây cũng là đích đến cuối cùng của Chương trình xây dựng NTM mà Đảng và Nhà nước ta quan tâm xây dựng./.

Lê Thiệu Tân/VPĐP NTM tỉnh

Tin cùng chuyên mục