Tân Thành xây dựng nông thôn mới

Với nền tảng là người dân, nòng cốt cũng là người dân, công cuộc xây dựng nông thôn mới của Tân Thành đã vượt qua nhiều thách thức và đang đi đúng kế hoạch để cán đích vào cuối năm 2021.

Ngày chủ nhật xanh

Để về đích nông thôn mới (NTM) trong năm 2021, xã Tân Thành đang huy động các nguồn lực để thực hiện 07 tiêu chí chưa đạt (Giao thông, Trường học, Cơ sở vật chất văn hóa, Thông tin và Truyền thông, Nhà ở dân cư, hộ nghèo, Môi trường và an toàn thực phẩm) . Đối với tiêu chí trường học, xã đang đầu tư xây dựng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Việt Thành ; Trường Tiểu học Tân Loan. Đối với tiêu chí về giao thông, làm mới 1,5 m đường trục xã đoạn từ thôn 3, thôn 4 Thuốc Hạ đi  Làng Bát, ngoài ra còn đầu tư xây dựng 01 nhà văn hóa xã, hỗ trợ thiết bị cho 20 nhà văn hóa thôn, xây dựng trạm bưu điện xã, xóa 45 nhà tạm, dột nát, xây dựng 02 nghĩa trang, 01 điểm thu gom rác thải, với tổng kinh phí đầu tư khoảng 22.022,0 triệu đồng. Đối với các tiêu chí đạt, xã đã và đang chỉ đạo xây dựng các chương trình, kế hoạch để hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí.

Với tinh thần quyết không lùi bước trước khó khăn, đến nay kết cấu hạ tầng kinh tế của xã được đầu tư cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân: 43,5/43,5  km đường xã, liên xã đã được nhựa hóa, bê tông hóa, đạt 100%; 22,27 km/33,5 km đường thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn; 18,74km/33,15km đường ngõ, xóm được cứng hóa, sạch, không lầy lội vào mùa mưa; 15,43km/28,61km, đường trục chính nội đồng được cứng hóa, đạt 53,9%; 33,2/33,4km, kênh mương do xã quản lý đã được cứng hóa, đạt 99,4%, các tuyến kênh mương khác được nạo vét, khơi thông dòng chảy thường xuyên bảo đảm 100% diện tích sản xuất nông nghiệp của nhân dân được tưới tiêu chủ động.

Ðiểm nhấn ấn tượng là Tân Thành có điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu, thuận lợi cho việc phát triển đa dạng về cây trồng, nhất là các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như, cam Sành, cam Canh, cam Vinh, bưởi Diễn, bưởi da xanh...Cấp ủy, chính quyền xã đã khuyến khích người dân phát huy thế mạnh trồng cam theo tiêu chuẩn VietGap. Đến nay cây cam sành đã trở thành cây trồng chủ lực của người dân trên địa bàn huyện Hàm Yên nói chung, và người dân xã Tân Thành nói riêng, đặc biệt những năm qua, người dân ở đây đã chăm sóc cam theo tiêu chuẩn VietGap mang lại hiệu quả kinh tế cao, lựa chọn cây cam làm cây trồng chủ lực và nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng nhờ vào việc trồng cam. Không chỉ chuyển đổi cơ cấu cây trồng Tân Thành còn khuyến khích các mô hình kinh tế hiệu quả khác cùng phát triển đặc biệt là mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX). Hiện nay Tân Thành có 05 hợp tác xã hoạt động, kinh doanh theo luật HTX năm 2012 có hiệu quả, các hợp tác xã tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất chế biến chè; cung ứng vật tư, giống, kỹ thuật canh tác tiêu thụ sản phẩm, trong đó nổi bật có  HTX Chè Xanh Làng Bát sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm chè với 66 thành viên đã được Dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh Tuyên Quang hướng dẫn chuyển đổi sang trồng và chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Dự án này đã nâng cao chất lượng, năng suất cây chè, đưa cây chè thành nông sản chủ lực trong phát triển kinh tế địa phương, đồng thời gây dựng thương hiệu chè xanh Làng Bát. Nhờ áp dụng và thực hiện tốt quy trình sản xuất, sản lượng chè búp tươi của tổ sản xuất Làng Bát tăng lên 1,5-2 lần, đạt khoảng 18-20 tấn/ha/ năm, giá bán tăng từ 80.000 đồng/kg chè khô lên 160.000 đồng/kg, lợi nhuận tăng từ 69,7 triệu đồng/ha lên 127 triệu  đồng/ha. Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chú trọng công tác đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, đến nay tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên tại xã đạt trên 91% ( trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 41%); tỷ lệ hộ nghèo còn 13,7%; 100% người dân đều tham gia bảo hiểm y tế.


Đồi chè Làng Bát xã Tân Thành (ảnh nguồn Internet)

Ông Đặng Văn Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho rằng: “Nông thôn mới không chỉ là là xây dựng được bao nhiêu công trình chính trị, văn hóa hay kinh tế. Trên tất cả nông thôn mới là vì cuộc sống, hạnh phúc của người dân”. Với tinh thần đó cùng với phát triển kinh tế xã cũng chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc. Xác định môi trường là một trong những tiêu chí khó, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Tân Thành đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các hộ dân trên địa bàn xã thường xuyên vệ sinh nhà ở, đường làng ngõ xóm, chủ động phân loại thu gom rác thải để đúng nơi quy định, xây dựng nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước hợp vệ sinh, xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, thành lập các tổ thu gom, phân loại rác. Đến nay tỷ lệ hộ dùng nước sạch, hợp vệ sinh trên địa bàn xã đạt 90,1%,  100% cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn đều ký cam kết bảo vệ môi trường, xã cũng đã phát động phong trào “Tân Thành chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; thành lập 01 Câu lạc bộ “Hát then" 01 câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”, 02 CLB bóng chuyền hơi, 01 CLB phòng chống HIV/AIDS, 20/20 thôn đều thành lập các đội văn nghệ, đội bóng chuyền hơi nữ, bóng chuyền hơi nam, bóng chuyền da và thường xuyên duy trì các hoạt động văn hóa, thể thao.

Có thể thấy "làn gió" xây dựng NTM đã tạo nên sự đổi mới, tiến bộ trong cả nhận thức và hành động từ cán bộ đến người dân trên địa bàn. Xây dựng NTM từ yêu cầu đã trở thành nhu cầu, từ hy vọng đã trở thành khát vọng, từ nhận thức phải làm nay đã trở thành "muốn được làm"...

Nếu coi hơn một thập kỷ xây dựng NTM của Tân Thành là một hành trình đầy thách thức thì đây chính là hành trình Tân Thành chiến thắng cái nghèo, tiến lên làm giàu trên vùng quê nông thôn. Là hành trình Tân Thành nhân lên những vùng quê giàu đẹp, văn minh, hiện đại; nhân lên những nông dân năng động, tự tin, dám làm giàu chính đáng. Hành trình xây dựng NTM của Tân Thành là hành trình chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc./.

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục