Sức bật nông thôn mới

Khép lại năm 2019, huyện Chiêm Hóa đã đạt được nhiều kết quả trên lĩnh vực phát triển kinh tế. Trong đó, nổi bật nhất là thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp hàng hóa, huyện đã chú trọng thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020” (OCOP). Theo đó, mỗi địa phương căn cứ vào thế mạnh riêng của mình đã xây dựng được những sản phẩm nông sản chủ lực, từng bước xây dựng được thương hiệu để đứng vững trên thị trường.

Thôn Bó Củng, xã Kim Bình (Chiêm Hóa) bảo tồn kiến trúc nhà sàn truyền thống gắn với phát triển dịch vụ du lịch homestay. Ảnh: Quốc Việt.

Huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp tập trung gồm: phát triển vùng lạc hàng hóa tập trung, phát triển thủy sản trên địa bàn huyện; phát triển chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; sản xuất lúa giống chất lượng cao bằng giống Nam Hương 4, đề án khôi phục đàn vịt bầu 3 xã Hùng Mỹ, Kiên Đài, Yên Lập; đề án phát triển cây cam sành... Huyện đã quy hoạch được vùng trồng cam gồm 3 xã, vùng lạc 13 xã, cá đặc sản ở các xã dọc sông Gâm và sông Lô và rừng trồng trên tất cả các xã trên địa bàn. Đến nay, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã lựa chọn cây trồng, vật nuôi chủ lực để vận động nhân dân tập trung phát triển thành sản phẩm hàng hóa như: lạc xã Phúc Sơn, Minh Quang; lúa chất lượng xã Hòa Phú; chuối tây xã Kim Bình; măng tre trinh xã Tri Phú; chăn nuôi vịt bầu xã Hùng Mỹ, Kiên Đài, Yên Lập; chăn nuôi trâu xã Vinh Quang, Hùng Mỹ; cá đặc sản xã Yên Nguyên, chè Pà Thẻn xã Linh Phú... Năm 2019, huyện thực hiện 5 sản phẩm OCOP, gồm: Rượu chuối Kim Bình, Lạc Chiêm Hóa, Cam Trung Hà, Bánh gai Chiêm Hóa, Cá đặc sản Yên Nguyên. Trong đó, có 3 sản phẩm Rượu chuối Kim Bình, Lạc Chiêm Hóa, Bánh gai Chiêm Hóa được đăng ký nhãn hiệu tập thể, Cam Trung Hà được được cấp giấy chứng nhận VietGap, còn sản phẩm Cá đặc sản Yên Nguyên huyện đang phối hợp với Hội Nông dân tỉnh hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để cấp giấy chứng nhận VietGap.


Lạc là sản phẩm chủ lực của xã Phúc Sơn đã được đăng ký nhãn hiệu tập thể.

Xã Phúc Sơn là địa phương có diện tích trồng lạc lớn nhất của huyện với trên 680 ha (chiếm 25,1% diện tích toàn huyện). Để phát triển vùng lạc hàng hóa tại địa phương, xã Phúc Sơn đã tăng cường thí điểm, hỗ trợ người dân đưa những giống lạc mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. HTX Nông lâm nghiệp Phúc Sơn hiện giữ vai trò chủ lực trong việc chuyển giao kỹ thuật canh tác và bao tiêu sản phẩm lạc cho người dân trong xã. Ông Ma Phúc Giải, Giám đốc HTX cho biết, mỗi năm HTX thu mua xấp xỉ 300 tấn lạc tươi của hộ nông dân, giá bình quân dao động từ 10.000 - 12.000 đồng/kg. Để mở rộng thị trường, HTX đã thành lập thêm một tổ hợp tác nằm trong HTX, tổ chức thu mua lạc sấy khô và cung ứng cho người tiêu dùng tại một số tỉnh như Ninh Bình, Cao Bằng. Bên cạnh hoạt động của HTX Phúc Sơn, xã đã thành lập 2 tổ hợp tác phát triển sản xuất tại thôn Phiêng Tạ, Búng Pẩu với gần 40 hộ tham gia. Ông Ma Đình Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn cho biết: Nhờ đẩy mạnh phát triển cây lạc, nên sản xuất nông nghiệp xã Phúc Sơn đã từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, gắn với thị trường, tăng hiệu quả cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập cho người dân. 

Người dân xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) phát triển nghề mây tre đan. Ảnh: Mạnh Tùng.

Cùng với các chương trình, dự án nông nghiệp khác, hiện nay, xã Hùng Mỹ đang thực hiện dự án, mô hình tổ hợp tác chăn nuôi đại gia súc hàng hóa theo hình thức vỗ béo. Đây là mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, theo chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ dân. Hiện nay, trên địa bàn xã có 1 HTX chăn nuôi trâu vỗ béo và 2 tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản, gần 40 thành viên tham gia. Ông Đỗ Văn Hiếu, Chủ tịch UBND xã Hùng Mỹ cho biết, hiện nay, toàn xã có trên 1.730 con trâu, 219 con bò. Bình quân 1 con trâu bò được chăn nuôi vỗ béo có trọng lượng tăng từ 80 - 90 kg/con, giá thu mua 72.000 đồng/kg, mỗi hộ thu lãi từ 3 đến 4,5 triệu đồng/con. Đến nay, chuỗi liên kết chăn nuôi trâu, bò thương phẩm mỗi năm xuất từ 3 đến 4 lứa, mỗi lứa từ 40 đến 50 con trâu, bò, bình quân mỗi hộ lãi trên 100 triệu đồng/năm từ mô hình này. Hiện xã đang triển khai các bước xây dựng sản phẩm thịt trâu khô Hùng Mỹ, sản phẩm OCOP của xã.

Có thể khẳng định, sau một thời gian thực hiện chương trình phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung trên địa bàn, huyện Chiêm Hóa đã hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa và từng bước tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng mỗi xã một sản phẩm, chuyển từ sản xuất truyền thống sang phát triển các loại cây, con đặc sản chất lượng cao. Thông qua các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp hàng hóa đã giúp người nông dân tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Bài, ảnh: Bàn Thanh/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục