Sơn Dương dồn lực xây dựng nông thôn mới

TQĐT - Theo UBND huyện Sơn Dương, toàn huyện hiện có 1 xã đạt 19 tiêu chí, 17 xã đạt từ 10 - 15 tiêu chí, 14 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí, không có xã nào đạt dưới 5 tiêu chí. Hiện toàn huyện đang dồn lực cho các xã còn lại, phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Một góc xã Sơn Nam, huyện Sơn Dương. 

Xã Ninh Lai hiện đã cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, hiện xã đang tập trung nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí hộ nghèo, trường học, cơ sở vật chất văn hóa và môi trường. Ông Phùng Trọng Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Lai cho biết, với mục tiêu về đích nông thôn mới trong năm nay, Ninh Lai đang tập trung mọi nguồn lực hoàn thành xây dựng 6 phòng học, 2 nhà hiệu bộ, 1 bếp ăn và các công trình phụ trợ cho trường mầm non và trường tiểu học trên địa bàn; xây dựng 20 nhà văn hóa, 10 sân thể thao tại các thôn Nhật Tân, Hội Tiến, Ninh Bình, Ninh Hòa 2, Hoàng La 1, Hoàng La 2, Hoàng Tân 1, Hoàng Tân 2, Ấp Mới, Hợp Thịnh... Đối với tiêu chí môi trường, xã đã quy hoạch được bãi thu gom rác thải, và đang bàn các giải pháp để xử lý rác thải, đặc biệt là rác thải sinh hoạt của người dân. 

Bên cạnh việc đầu tư kết cấu hạ tầng, xã Ninh Lai tập trung phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân bằng việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Một số mô hình chăn nuôi lợn sinh sản, lợn thịt của xã ngày càng được nhân rộng ở 20/20 thôn. Xã còn tổ chức thành công mô hình trồng rau sạch với 20,5 ha; hiện bình quân thu nhập đầu người của xã đạt trên 19 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 5,1%. 

Xã Đại Phú hiện đã hoàn thành 13/19 tiêu chí. 6 tiêu chí còn lại gồm: Trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư, hộ nghèo, môi trường, thu nhập xã đang tập trung nguồn lực để hoàn thành. Năm nay Đại Phú phấn đấu hoàn thành 2 tiêu chí thu nhập và môi trường.

Đối với tiêu chí thu nhập, xã vận động, khuyến khích bà con tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng thâm canh trong sản xuất. Trong đó vẫn giữ cây mía là cây trồng chủ lực của xã, mục tiêu là nâng năng suất mía từ 57 tấn/ha lên 58 đến 59 tấn/ha. Đối với tiêu chí môi trường, xã vận động người dân xây dựng các bể đốt rác sinh hoạt tại nhà, xây dựng 3 công trình vệ sinh đạt chuẩn, vệ sinh đường làng, ngõ xóm và thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật quanh đồng ruộng.

Hiện xã đã xây dựng được trên 200 bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật từ các nguồn vốn của tổ chức phi chính phủ GNI và vốn từ quỹ bảo vệ môi trường. Đại Phú cũng là xã được lựa chọn thực hiện mô hình điểm nhà văn hóa gắn với sân thể thao và kênh mương theo công nghệ đúc sẵn.

Thực hiện mô hình điểm nhà văn hóa gắn với sân thể thao, kênh mương theo công nghệ mới, xã đã hoàn thành lắp ghép 1.708 m kênh mương theo công nghệ bê tông đúc sẵn, đang hoàn thành công trình cầu tràn liên hợp gắn với trạm bơm thôn Đồng Cảo; hoàn thành xây dựng nhà văn hóa gắn với sân thể thao tại thôn Yên Dũng. 

Theo ông Trần Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Đại Phú, nan giải nhất trong các tiêu chí còn lại là tiêu chí về nhà ở dân cư. Rà soát từ đầu năm, xã Đại Phú có 144 nhà tạm cần sửa chữa để đảm bảo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Được sự phân bổ của Ủy ban MTTQ tỉnh, Đại Phú có 18 hộ được hỗ trợ làm nhà “Đại đoàn kết”. Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh còn hỗ trợ 2 hộ gia đình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đến nay, Đại Phú có 20 hộ được hỗ trợ làm nhà, còn lại 124 hộ còn phải ở nhà tạm, Đại Phú vận động nguồn lực từ dòng họ, người thân để tu sửa lại, đồng thời lồng ghép các nguồn vốn khác để giúp các hộ sửa chữa, xây dựng. 

Hồng Lạc hiện cũng đã hoàn thành 13/19 tiêu chí và phấn đấu đạt đủ 19 tiêu chí vào năm 2017. Theo ông Nguyễn Xuân Hiển, Chủ tịch UBND xã Hồng Lạc, hiện còn 6 tiêu chí: Trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư, tỷ lệ hộ nghèo, y tế, môi trường.

Qua rà soát, để hoàn thành các tiêu chí còn lại, nhu cầu vốn của xã là trên 70,6 tỷ đồng, trong đó xây mới 17 phòng học, 2 nhà hiệu bộ, 3 công trình vệ sinh, bếp ăn, phòng chức năng... cho trường tiểu học và mầm non của xã; xây mới và nâng cấp 3 nhà văn hóa, 4 sân thể thao, hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất cho 10 nhà văn hóa, sửa chữa, nâng cấp 1 trạm phát thanh không dây của xã và 9 cụm thu phát thanh tại thôn; sửa chữa 100 nhà ở tạm của người dân; xây dựng 6 điểm thu gom rác thải và 1 khu chứa rác tập trung... Ngoài sự đóng góp của người dân, xã chủ động thu hút các nguồn vốn và điều kiện hỗ trợ để đầu tư hạ tầng thiết yếu. 

Hiện UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các xã phối hợp với các đoàn thể tuyên truyền cho hội viên, đoàn viên và nhân dân về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thông qua các hình thức như hội nghị, qua loa phát thanh; phối hợp với các đơn vị tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Đối với các xã nằm trong lộ trình hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, tập trung rà soát các tiêu chí, chỉ tiêu đăng ký thực hiện theo kế hoạch, huy động mọi nguồn lực thực hiện; lập hồ sơ, dự toán thiết kế công trình, đầu điểm công trình được giao theo đúng quy định; tăng cường giám sát của cộng đồng đối với chủ đầu tư và các công trình thi công từ nguồn kinh phí được giao trên địa bàn. 

Bài, ảnh: Nguyễn Đạt

Tin cùng chuyên mục