Phát huy vai trò của cấp uỷ đảng trong xây dựng nông thôn mới ở Phú Thịnh

Với Phương châm “Đoàn kết - Đổi mới - Kỷ cương - Nêu gương - Hiệu quả”. Thời gian qua, Đảng bộ xã Phú Thịnh, huyện Yên Sơn đề ra các nhiệm vụ trọng tâm trong việc đẩy mạnh phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 52 triệu đồng/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 4-5% trên năm.

Sự đổi thay của xã Phú Thịnh sau khi được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021

Để thực hiện có hiệu quả và nhanh chóng đưa nghị quyết đi vào cuộc sống, Đảng bộ xã Phú Thịnh đã tổ chức quán triệt đến các chi bộ và đảng viên, phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu trong việc phát triển kinh tế, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phân công các đồng chí trong Ban Chấp hành phụ trách các thôn để tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các loại giống cây, con mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, chỉ đạo các ngành đoàn thể tạo điều kiện để nhân dân được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, ổn định đời sống nâng cao thu nhập.

Thôn Mỹ Lộc trước đây là một trong những thôn khó khăn của xã, nhưng mấy năm trở lại đây, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Chi bộ thôn Mỹ Lộc đã phân công trách nhiệm cho từng đồng chí đảng viên tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác, phát triển trồng rừng; đẩy mạnh chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa, thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững. Đến nay trong thôn có 70% hộ khá và giàu và còn 01 hộ nghèo.

Là một trong các hộ tiên phong nuôi nhím trên địa bàn xã, mô hình chăn nuôi nhím mang lại hiệu quả kinh tế cao của gia đình ông Hoàng Văn Bình, thôn Mỹ Lộc đã được nhiều hộ dân trong và ngoài xa đến học tập kinh nghiệm. Ông Bình chia sẻ: Qua tìm hiểu thấy con nhím dễ nuôi, phù hợp với điều kiện của gia đình, ông đã mạnh dạn đầu tư làm chuồng trại nuôi. Hiện nay, trên diện tích 100m2, gia đình ông đang nuôi 40 con nhím bố mẹ, còn lại là nhím giống. Với nguồn thức ăn là rau, củ, quả, chi phí đầu tư thức ăn để nuôi nhím không quá cao nên hiệu quả kinh tế mang lại tương đối ổn định. Nhím con từ khi sinh đến 10 tháng tuổi đạt trọng lượng bình quân 9-10kg có thể xuất bán. Theo giá hiện nay dao động là khoảng từ 250.000 - 300.000 đồng/kg. Mỗi năm, cho thu nhập hơn 120 triệu đồng. Thấy đây là mô hình phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương và đem lại hiệu quả kinh tế cao, ông Bình đã tuyên truyền, vận động con cháu và nhiều hộ dân trong xã cùng nhau thực hiện để phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững.

Với gia đình chị Ngô Thị Chiên lại khác, từ việc nhận thấy ở địa phương mỗi khi đến mùa măng thì nhà ai cũng có, mà việc mua bán chủ yếu là măng tươi, không để được lâu nên gia đình chị đã mạnh dạn đầu tư xây lò để sấy làm măng khô và tổ chức thu mua măng tươi của các hộ dân trên địa bàn xã. Sản phẩm làm ra được thị trường ưa chuộng, thương lái đến tận nơi thu mua mà không đủ bán, giá cả lại ổn định, nên để đảm bảo nguồn cung cho thị trường, gia đình chị đã chuyển đổi hơn 2 ha đất vườn rừng sang trồng tre lấy măng để đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định. Cũng chính từ nghề này mà kinh tế gia đình ngày càng ổn định.

Trên cơ sở xác định những điều kiện thực tế ở địa phương, Đảng bộ xã Phú Thịnh xác định, chuyển đổi phương thức sản xuất trong nông nghiệp, lựa chọn cây, con có giá trị kinh tế cao đưa vào sản xuất là giải pháp then chốt, hiệu quả để thúc đẩy kinh tế nông, lâm nghiệp ở địa phương phát triển bền vững. Nhằm giúp người dân vươn lên phát triển kinh tế và làm giàu bền vững, cấp ủy, chính quyền xã và các ban, ngành, đoàn thể đã tích cực tuyên truyền vận động, đoàn viên, hội viên và nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời chỉ đạo các tổ chức đoàn thể ký kết ủy thác vay vốn qua các ngân hàng, hỗ trợ người dân mua con giống phát triển chăn nuôi, trồng trọt; vận động nhân dân đầu tư vốn phát triển kinh tế hộ, tập trung vào chăn nuôi đại gia súc, xóa bỏ tập quán thả rông; tham gia các lớp tập huấn, đào tạo nghề... Thông qua cách làm này, nhiều hộ dân ở Phú Thịnh đã thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế một cách bền vững, từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện đa dạng hóa các loại cây trồng trong nông nghiệp theo tinh thần nghị quyết đại hội Đảng bộ của xã đã đề ra.

Cùng với tập trung vào các loại cây trồng vật nuôi có lợi thế thì phát triển kinh tế rừng ở Phú Thịnh đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với trên 2 nghìn ha rừng, chủ yếu là rừng sản xuất, hàng năm sản lượng khai thác đạt trên 10 nghìn m3. Là địa phương có diện tích rừng lớn, nên các cơ sở chế biến sản phẩm gỗ từ rừng trồng được thành lập và hoạt động hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác, chế biến, mua bán sản phẩm, trở thành thị trường khá sôi động. Có thể nói, ở Phú Thịnh việc trồng rừng đã mang lại nguồn thu nhập lớn cho bà con nông dân.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của từng đồng chí đảng viên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân tham gia phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa, đến nay diện mạo nông thôn ở Phú Thịnh đã có sự thay đổi căn bản, đời sống người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Để tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, nguồn lao động và các lợi thế của địa phương, Đảng bộ xã đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong từng lĩnh vực. Trong đó, tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đồng thời tích cực thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng, lợi thế để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Cùng với đó, Đảng bộ xã đẩy mạnh phát triển trồng trọt, chăn nuôi; tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.

 Khó khăn còn nhiều, nhưng với quyết tâm chính trị cao, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc xã Phú Thịnh đang nỗ lực triển khai các biện pháp nhằm thực hiện  thắng lợi Nghị quyết bằng các việc làm cụ thể, tích cực tuyên truyền vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao thu nhập cho nhân dân. Tin tưởng rằng, với giải pháp sát, đúng, phù hợp với thực tế của địa phương, kinh tế xã hội của xã sẽ ngày càng phát triển, điều này là tiền đề quan trọng để xã hoàn thành các tiêu chí trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, giai đoạn 2021-2025./.

 

Nguyễn Thị Thu Hương/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục