Phát huy hiệu quả nguồn vốn xã hội hóa trong xây dựng nông thôn mới

Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, năm 2023, việc triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả tích cực và hoàn thành các mục tiêu đề ra. Để có được kết quả đó, bên cạnh nguồn lực của Nhà nước, năm 2023 ghi dấu với sự chung tay, góp sức của các cấp, ngành, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp trong việc chung sức xây dựng NTM.

Đại diện lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tặng quà cho Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Đà Vị, huyện Na Hang

Kết quả rõ nét

Năm 2023, tổng nguồn vốn xây dựng NTM của tỉnh trên 10.981 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 291,9  triệu đồng, vốn huy động từ doanh nghiệp 118.083 triệu đồng. Từ nguồn lực xã hội hóa cùng với nguồn vốn đầu tư của Nhà nước đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, trong năm 2023 đã vận động nhân dân tham gia hiến hơn 37.700 m2 đất, gần 30.000 ngày công, trên 6,4 tỷ đồng làm đường giao thông nông thôn, đường bê tông nội đồng, lắp đặt camera an ninh, chỉnh trang khuôn viên nhà văn hóa, xây dựng tuyến đường điện “Thắp sáng đường quê”, thực hiện mô hình “Tuyến đường hoa kiểu mẫu”. Tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia trồng mới trên 50 nghìn cây xanh hưởng ứng phong trào “Tết trông cây - đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Làm mới và sửa chữa nhà cho 2.055 hộ nghèo (làm mới 1.692 hộ, sửa chữa 363 hộ) với kinh phí thực hiện trên 300 tỷ đồng.

Đối với huyện Hàm Yên, giai đoạn 2021-2023, cùng với nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ thực hiện chương trình trên1.800 tỷ đồng; huyện đã huy động được hơn 120 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa, chiếm 21% nguồn vốn xây dựng NTM; vận động nhân dân hiến gần 68.000 m2 đất xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn; cải tạo hơn 150 km đường giao thông nông thôn; lắp đặt 30 km kênh mương; nâng cấp 11 công trình thủy lợi; cải tạo, xây mới 24 công trình trường học; nâng cấp 6 nhà văn hóa xã, 21 nhà văn hóa thôn; xóa 1.696 nhà tạm…

Phong trào ngày thứ 7 tham gia xây dựng NTM gắn với việc thực hiện Đề án số 02 ĐA/TU ngày 23/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tại huyện Sơn Dương đã dần đi vào nền nếp, tạo  khí thế thi đua sôi nổi, có sức lan tỏa mạnh mẽ. Trong 3 tháng đầu năm 2024, huyện đã có trên 3.200 lượt cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang cùng trên 13.000 lượt người dân chung sức thực hiện các tiêu chí NTM. Qua đó, đã trồng mới 24.150m tuyến hoa; lắp đặt trên 12.300 m đường điện thắp sáng đường quê; lắp đặt 85 m cấu kiện kênh mương bê tông đúc sẵn; tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm, khơi thông cống rãnh trên 53 km đường và mương; giúp 6 hộ nghèo sửa chữa, xây dựng nhà ở mới; giúp đỡ 8 gia đình trồng 4,78 ha mía; tặng quà cho 15 hộ nghèo và 10 chăn ấm cho các hộ khó khăn trị giá 12 triệu đồng…

Ông Ninh Văn Quân, Bí thư Đảng uỷ xã Nhữ Khê, huyện Yên Sơn cho biết: Đầu năm 2021, xã Nhữ Khê mới đạt 12/19 tiêu chí NTM. Số tiêu chí chưa đạt còn nhiều, trong đó có những tiêu chí cần sự chung tay, góp sức của người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Xác định rõ nhiệm vụ, UBND xã đã phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức qua đó người dân hiểu và tích cực chung sức thực hiện các tiêu chí. Hội Cựu chiến binh xã đã vận động hội viên đóng góp trên 253 triệu đồng, 820 ngày công lắp đặt cấu kiện bê tông và nạo vét kênh mương; người dân trên địa bàn xã đã đóng góp trên 5,5 tỷ đồng, hiến 420 m2 đất; tổ chức thực hiện được 600 m đường hoa, bê tông hoá trên 620 m đường giao thông nội đồng. Đồng thời, xã đã huy động nguồn xã hội hóa khác để làm 450 cột cờ, xây dựng 15 mô hình “Chi hội phụ nữ 5 không 3 sạch”. Đoàn thanh niên xã đã xây dựng 7,3 km đường điện “Thắp sáng quê hương”…

Tương tự xã Nhữ Khê, Bà Lê Thị Thu Hiền, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đội Bình cho biết: Giai đoạn 2011-2023, tổng kinh phí huy động xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã được trên 41.368,53 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp là 5.163,9 triệu đồng chiếm 12,18%.

Đồng bộ giải pháp

Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 74/122 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới, đạt 60,65% (UBND tỉnh đã có quyết định công nhận 62 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu). Tiêu chí xây dựng nông thôn mới đạt bình quân trên xã đạt 15,82 tiêu chí/xã. Thành phố Tuyên Quang đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 1666/QĐ-TTg ngày 05/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 12 xã NTM, 5 xã NTM nâng cao và 2 xã NTM kiểu mẫu. Trong bối cảnh nguồn vốn để hỗ trợ xây dựng NTM còn hạn chế, việc lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án khác cũng gặp khó khăn, vướng mắc nhất định, việc huy động nguồn lực xã hội hóa càng đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.

Một điểm quan trọng trong kết quả xây dựng nông thôn mới ở các địa phương góp phần không nhỏ trong việc huy động nguồn lực xã hội hóa trong xây dựng NTM đó là việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM. Việc làm này nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, đồng thời phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong xây dựng NTM, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Bên cạnh đó cũng đánh giá khách quan kết quả xây dựng NTM, nâng cao trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong việc vận động, giám sát xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.

Những thành công trong hành trình hơn một thập kỷ qua thực sự đã tạo bước đột phá làm thay đổi diện mạo khu vực nông thôn của tỉnh, mở ra những bước ngoặt mới, trong giai đoạn mới. Những kết quả đã đạt là tiền đề quan trọng để các địa phương trong tỉnh quyết tâm xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo hướng văn minh, hiện đại./.

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới

Tin cùng chuyên mục