Phát huy các giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới

Với quan điểm xây dựng nông thôn mới có đời sống văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân, trên cơ sở Bộ Tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan, tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng, ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp thực hiện các tiêu chí văn hóa góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của Thủ đô giải phóng, Thủ đô kháng chiến.

Phụ nữ Tuyên Quang tham gia Đại hội thể thao tỉnh Tuyên Quang năm 2022

Trong số 19 tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, lĩnh vực văn hóa có 2 tiêu chí, gồm: Tiêu chí số 6 (Cơ sở vật chất văn hóa), tiêu chí số 16 (Văn hóa). Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm đưa các xã “về đích” nông thôn mới đúng lộ trình. Ngành văn hóa đã tham mưu cho Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 88/NQ-HĐND ngày 21/12/2021 thông qua Đề án xây dựng nhà văn hóa thôn, tổ dân  phố gắn với  sân  thể thao và khuôn viên trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số 479/QĐ-UBND 29/4/2022 về thành lập Ban Chỉ đạo để triển  khai  thực hiện Đề án. Tham mưu Hướng dẫn số 1100/HD-SVHTTTT, ngày 27/10/2022 về Thực hiện Bộ tiêu chí thôn nông thôn mới và thôn nông thôn mới kiểu mẫu thuộc lĩnh vực Văn hoá, Thể thao trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 - 2025, Hướng dẫn số 969/SVHTTDL-QLVHGD, ngày 30/09/2022 hướng dẫn Thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu về Văn hóa, Thể thao và Du lịch thuộc Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025.

Tiêu chí số 16 về Văn hóa được các cấp, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở triển khai thực hiện đồng bộ, sâu rộng, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của Nhân dân. Nhiều khu dân cư đã phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp nhau giảm nghèo, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; hương ước, quy ước ở khu dân cư. Ngành Văn hoá cũng đã đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thông qua tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ văn hoá cơ sở và cán bộ phụ trách xây dựng nông thôn mới các cấp; phát triển phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí phong phú đa dạng, lành mạnh cho Nhân dân. Năm 2022 đã tổ chức thành công Chương trình khai mạc Năm du lịch tỉnh Tuyên Quang và Lễ hội khinh khí cầu quốc tế lần thứ nhất tại Tuyên Quang; Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" vào danh sách di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại và Lễ hội Thành Tuyên năm 2022; Hội nghị Xúc tiến đầu tư về lĩnh vực du lịch với sự tham gia của lãnh đạo 11 tỉnh có thực hành Di sản Then; Hội nghị liên kết, hợp tác phát triển sản phẩm du lịch giữa hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang “Huyền thoại Sông Gâm”; đề xuất thực hiện thí điểm tour, tuyến du lịch trải nghiệm trong rừng trên địa bàn huyện Na Hang; tổ chức cuộc thi “Ảnh Du lịch Tuyên Quang” năm 2022,... đã thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến Tuyên Quang. Tính đến tháng 9/2022 các huyện, thành phố đã và đang triển khai  xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa 69 nhà văn hoá  thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hoá gắn với sân thể thao và khuôn viên, cụ thể: Huyện Sơn Dương (12 nhà); huyện Yên Sơn (19 nhà); huyện Hàm Yên (18 nhà); huyện Chiêm Hoá (09 nhà); huyện Na Hang (02 nhà); huyện Lâm Bình (03 nhà) và thành phố Tuyên Quang (06 nhà). Đồng thời tổ chức trên 90 buổi biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, trên 150 buổi biểu diễn văn nghệ quần chúng; thực hiện 896 buổi tuyên truyền lưu động tại các trục đường, điểm chợ, thôn, bản, địa bàn đông dân cư; làm mới và thay đổi nội dung 117 cụm cổ động tại trung tâm huyện, thành phố trong đó có các xã và ven lộ các xã xây dựng nông thôn mới; treo 1.820 lượt băng rôn; khẩu hiệu; biên tập 260 chương trình thông tin tổng hợp, trong đó có trên 60 chương trình có chủ đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Xác định phát triển du lịch là một trong lĩnh vực đột phá kinh tế của tỉnh, thời gian qua Tuyên Quang đã và đang chú trọng khai thác, phát triển các loại hình du lịch là tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như: Du lịch lịch sử, văn hóa, nghỉ dưỡng, sinh thái, tâm linh, du lịch cộng đồng. Loại hình du lịch cộng đồng tại tỉnh đã và đang hình thành, thu hút được nhiều khách du lịch tham gia trải nghiệm, bước đầu đã làm thay đổi bộ mặt du lịch, tạo thêm nguồn thu nhập cho nhân dân khu vực nông thôn, hiện toàn tỉnh có trên 70 cơ sở lưu trú Homestay. Tuyên Quang còn là điểm dừng chân của khách bộ hành vì vậy việc kết hợp với Thủ đô Hà Nội, các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang,… hình thành các Tour du lịch liên tỉnh qua các địa danh như: Núi Cốc, Đền Hùng, Tam Đảo, Tân Trào, Suối khoáng Mỹ Lâm… Phát triển du lịch tổng hợp đáp ứng nhu cầu đồng bào trong nước và khách nước ngoài trở về với cội nguồn cách mạng thì không những có ý nghĩa chính trị mà còn phát triển kinh tế dịch vụ du lịch trong tỉnh. Du lịch, dịch vụ phát triển mạnh đã góp phần phát triển kinh tế cho người dân địa phương, ước năm 2022 thu hút 2.280.000 lượt khách du lịch; doanh thu từ du lịch đạt trên 2.357 tỷ đồng. Thành lập Tổ công tác nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tài nguyên du lịch trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Tổ chức khởi công dự án Flamingo Tân Trào tại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Đến hết năm 2021 có 120/122 xã đạt tiêu chí số 16 về Văn hóa. Đặc biệt năm 2022 đã tổ chức thành công Chương trình chào Xuân với chủ đề “Khát vọng Tuyên Quang - Chào năm 2022”; Lễ kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ trở lại Tuyên Quang lãnh đạo kháng chiến;... Thực hiện có hiệu quả Dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang gắn với phát triển du lịch đến năm 2025. Hoàn thành Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đại điểm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng; xây dựng phim tư liệu tái hiện lịch sử “Thủ đô khu giải phóng” - “Thủ đô kháng chiến”; Tiếp tục thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Công tác quản lý nhà nước về hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là kiểm tra dịch vụ lễ hội, đình, đền, chùa tiếp tục được tăng cường.

Việc tổ chức thực hiện hiệu quả 2 tiêu chí văn hóa nông thôn mới góp phần hình thành môi trường văn hóa tốt đẹp, xóa dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, hạn chế những tác động tiêu cực, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và nâng cao chất lượng sống của nhân dân tỉnh nhà. Có thể nói, tiêu chí văn hóa có mối quan hệ hữu cơ và tác động nhiều chiều với các tiêu chí khác trong Bộ Tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới. Với mục tiêu đến hết năm 2022, tất cả thôn, làng trên địa bàn Tuyên Quang đều có nhà văn hóa đạt chuẩn, thời gian tới, Tuyên Quang sẽ hỗ trợ kinh phí đầu tư từ nguồn ngân sách cho các địa phương chưa có nhà văn hóa để xây dựng công trình phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân và hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới, bên cạnh đó việc quy hoạch thực hiện, các địa phương cần ưu tiên dành địa điểm thuận tiện, diện tích phù hợp cho việc tổ chức các sinh hoạt văn hóa, thể dục, thể thao của cộng đồng. Cần chủ động hơn nữa trong công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đồng thời tăng cường giám sát để bảo đảm chất lượng công trình văn hóa. Đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực từ người dân, doanh nghiệp,… trên địa bàn để có thêm kinh phí mua sắm trang thiết bị, phục vụ hoạt động của nhà văn hóa, tu bổ, nâng cao chất lượng các công trình văn hóa, thể thao.

Mục tiêu xuyên suốt trong Chương trình xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Vì vậy, bên cạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa cần khơi gợi bồi đắp những giá trị văn hóa tốt đẹp trong mỗi người dân, mỗi gia đình và trong từng thôn, xóm, khu dân cư. Để văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần trong xã hội, vừa bảo đảm mục tiêu xây dựng nông thôn mới hiện đại, nhưng vẫn giữ gìn được nét văn hóa truyền thống của nông thôn, hướng đến xây dựng nông thôn mới bền vững, hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng của người dân, Tuyên Quang cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách trong lĩnh vực văn hóa, nâng cấp hệ thống các thiết chế văn hóa; nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa; đẩy mạnh nếp sống văn minh; đổi mới phương thức tổ chức, hoạt động đối với phát triển văn hóa để văn hóa thực sự thu hút, góp phần vào xây dựng và phát triển nông thôn mới./.

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục