Nông thôn mới “chuyển mình”

Huyện Yên Sơn có 31 xã, thị trấn. Trong đó, có 12 xã đặc biệt khó khăn, 14 xã có thôn đặc biệt khó khăn. Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn của huyện đã có nhiều đổi thay. Hạ tầng nông thôn từng bước được hoàn thiện và ngày càng khang trang, đời sống của người dân từng bước được nâng lên.

Khi người dân là chủ thể

Chúng tôi về thăm xã Hoàng Khai - xã về đích NTM năm 2015 của huyện Yên Sơn vào những ngày cận Tết Nguyên đán 2020. Những tuyến đường bê tông phong quang, sạch sẽ nối từ trung tâm xã đến các thôn, xóm  được tô điểm bởi những luống hoa hai ven đường. Ông Nguyễn Ngọc Toản, người dân thôn Từ Lưu bày tỏ, nhờ đường lối đúng đắn của Đảng, nhờ lòng dân đồng thuận, giờ đây, người dân đã xây dựng được một miền quê đáng sống, hưởng thụ chính cuộc sống do dân từng ngày nỗ lực vun đắp, gây dựng. 

Giai đoạn 2011 - 2019, tổng nguồn vốn xây dựng NTM của xã Hoàng Khai đạt 91,5 tỷ đồng. Trong đó, người dân đã phát huy vai trò chủ thể, đóng góp gần 37,4 tỷ đồng. Sau 10 năm xây dựng NTM, đời sống của nhân dân trong xã đã từng bước được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 14,8% năm 2011 xuống còn 1,1% năm 2019. Thu nhập bình quân đầu người tăng 3,72 lần, từ 8,6 triệu đồng/người/năm, lên 32 triệu đồng/người/năm. Toàn xã hiện có 98% số hộ dân có nhà ở kiên cố; trên 90% số hộ dân có 3 công trình vệ sinh đạt theo tiêu chuẩn NTM.


Nông dân thôn Đồng Giàn, xã Đội Bình (Yên Sơn) lắp đặt cấu kiện mương bê tông đúc sẵn. Ảnh: Lý Thịnh

Cũng giống như Hoàng Khai, do xuất phát điểm thấp, năm 2011, xã Trung Môn mới đạt 7/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 10%, thu nhập bình quân đầu người đạt 8,4 triệu đồng/người/năm. Với nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, xã đã về đích nông thôn mới trong năm 2017. Đồng chí Đỗ Quang Hợp, Chủ tịch UBND xã nhấn mạnh, xây dựng NTM đã tạo được sức bật và sự thay đổi toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, kinh tế, xã hội của địa phương. Tính đến hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 34 triệu đồng/người/năm, tăng 4,05 lần so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,9%. 

Thành tựu xây dựng NTM ở các địa phương thể hiện sự thay đổi tích cực trong nhận thức, sự nỗ lực không ngừng của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng với người dân trong phát huy nội lực để xây dựng NTM ngày càng khởi sắc.

Sức sống nông thôn mới

Đồng chí Trọng Văn Vĩnh, Bí thư Đảng ủy xã Kim Quan hồ hởi cho biết, việc hoàn thiện các công trình là điều kiện cuối cùng để xã được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2019. Từ một xã xuất phát điểm thấp, trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, xã chỉ đạt 11/19 tiêu chí... thì sau 1 năm nhận được sự quan tâm đầu tư của các cấp, sự nỗ lực của người dân, xã đã cơ bản đạt được các tiêu chí NTM đề ra. 

10 năm qua, từ một huyện có nguồn thu ngân sách còn thấp, nguồn lực trong dân hạn chế, huyện đã kêu gọi các nguồn lực đầu tư xây dựng NTM với tổng nguồn vốn gần 2.064 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp nguồn lực trên 158 tỷ đồng. Tính đến tháng 6-2019, huyện có 6/30 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, chiếm 20%. Đó là các xã: Mỹ Bằng, Nhữ Hán, Hoàng Khai, Kim Phú, Phúc Ninh, Trung Môn. Năm 2019, huyện có thêm 2 xã Kim Quan, Thái Bình hoàn thành đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 8/30 xã, chiếm 26,67%. Xã Mỹ Bằng phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao, sớm hơn 01 năm so với mục tiêu kế hoạch của tỉnh, huyện. 

Sự đột phá trong xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đã mang lại cho huyện diện mạo mới, sức sống mới. Toàn huyện đã thực hiện được trên 870 km đường bê tông nông thôn; số xã có đường nhựa đến trung tâm là 29/31 xã, đạt 93,5%; 99% số thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm xã. 30/30 xã đạt tiêu chí về thủy lợi, với 584 mét kênh mương được kiên cố hóa. Toàn huyện có 153,93 km đường điện thắp sáng, có 24 xã đạt tiêu chí về điện, đạt 80%. 10 năm qua, huyện đã đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp 17 nhà văn hóa xã, 8 trụ sở xã, 14 sân thể thao xã; 275 nhà văn hóa thôn, bản và 59 sân thể thao thôn đạt tiêu chuẩn. 26/30 xã đạt tiêu chí về hạ tầng thương mại nông thôn và cơ sở vật chất y tế. Huyện cũng đã hỗ trợ xóa gần 1.655 nhà tạm dột nát, tu sửa và nâng cấp hàng nghìn nhà cho các gia đình trên địa bàn huyện. Để các công trình hạ tầng nông thôn được xây dựng, nhân dân trên địa bàn đã tự nguyện hiến đất với tổng diện tích gần 26.000 m2. 

Giai đoạn 2016 - 2020, huyện đã nhanh chóng đẩy mạnh thực hiện và đi sâu vào nâng cao chất lượng các nội dung của chương trình, chuyển trọng tâm đầu tư nguồn lực sang các nội dung tác động trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân như: phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, môi trường, văn hóa, du lịch nông thôn… Qua đó, thu nhập, đời sống vật chất của người dân không ngừng được tăng lên, tỷ lệ giảm nghèo giảm nhanh. Giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm trên địa bàn huyện giảm khoảng 4%. Hết năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo còn 8,28%. 

Theo đồng chí Nguyễn Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện, xây dựng NTM được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong giai đoạn 2021 - 2025. 

Giai đoạn mới với nhiều khó khăn, thách thức song chương trình xây dựng NTM ở Yên Sơn mang kỳ vọng lớn lao. Với sự lãnh đạo sáng suốt của các cấp ủy Đảng, sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện sẽ là yếu tố tiên quyết để huyện hoàn thành các mục tiêu xây dựng NTM đề ra.

Bài, ảnh: Bích Hằng/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục