Nơi người dân hiến tấc vàng làm nông thôn mới

Người nông dân ở Tuyên Quang thường không giầu, có những nhà thuộc diện hộ nghèo nhưng vì lợi ích chung của cộng đồng, họ sẵn sàng hiến “tấc vàng” để làm nông thôn mới.

Được sự đồng thuận của người dân, những con đường bê tông kiên cố đã nối liền các thôn, xóm ở Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Những con đường của lòng dân

Giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh Tuyên Quang có hàng nghìn hộ dân hiến đất làm đường, xây dựng nhà văn hóa, trường lớp học. Trong đó có hơn 100 tấm gương tiêu biểu. Phần lớn những hộ dân này không phải là hộ có cuộc sống khá giả, thậm trí có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo.

Con đường lên thôn xã Hồng Thái, huyện Na Hang vẫn xanh ngằn ngặt những cành rừng như xưa. Nhưng thay vì con đường đất trước kia thách thức cả những tay lái cừ nhất của bản là con đường bê tông phẳng lỳ… Tháng 7/2020 xã Hồng Thái, huyện Na Hang đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đạt được kết quả này, trong phong trào xây dựng nông thôn mới, xã Hồng Thái đã huy động tổng kinh phí trên 81 tỷ đồng để bê tông hóa, nhựa hóa được 6,16 km đường trục xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện, đạt 100%; 5,139 km đường trục thôn, bản, đạt 97,14%...

Ông Đặng Đức Toàn, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hồng Thái nay đã về hưu cho biết, so với những địa phương khác, quá trình làm đường bê tông ở Hồng Thái gặp rất nhiều cái khó. Dù được Nhà nước cung cấp xi măng nhưng nguồn cát sỏi của địa phương không có. Để có cát sỏi, các thôn phải mua từ huyện Pắc Nạm của tỉnh Bắc Kạn. Do đường vận chuyển khó khăn, các chủ thầu đòi giá cát từ 500 đến 600 nghìn đồng/m3 cát sỏi. Cao hơn từ 2 đến 3 lần so với giá thị trường.

Cái khó nữa là phần lớn các hộ dân ở Hồng Thái còn nghèo, sống lại không tập trung. Đường liên thôn ở Hồng Thái đều nằm ở lưng chừng núi nên việc vận chuyển vật liệu thi công cũng là trở ngại lớn. Cuộc vận động làm đường được Ban Thường vụ Đảng ủy xã Hồng Thái đặt ra. Đảng ủy xã giao cho các đồng chí trong Ban Chấp hành phụ trách từng thôn vận động để bà con hiểu được lợi ích của việc làm đường.

Câu chuyện nửa xã Đông Thọ, huyện Sơn Dương cùng hiến đất làm đường đã trở thành tấm gương sáng trong phong trào phát huy sức dân chung sức làm hạ tầng ở Tuyên Quang. Năm 2018, tuyến đường ĐH 04 dài 4,2 km do huyện làm chủ đầu tư tổng vốn trên 8 tỷ đồng. Theo chủ trương, nhân dân tự giải phóng mặt bằng, không có kinh phí hỗ trợ đền bù. Để con đường về đích đúng hẹn, 200 hộ dân ở các thôn Đá Trơn, Hữu Lộc, Đông Ninh, Đông Trai, Đông Thịnh xã Đông Thọ đã tự nguyện hiến trên 170.000 m2 đất, tháo dỡ tường rào, vật kiến trúc trên đất để giải phóng mặt bằng.

Trong số hơn 200 hộ dân ấy, những người như ông Phạm Duy Chung, thôn Đông Ninh; bà Bùi Thị Tuyết, thôn Đông Trai; ông Nguyễn Thế Sơn, thôn Đông Trai… được cho là những người truyền cảm hứng. Có thể họ chưa phải là người hiến nhiều công, của nhất, nhưng họ là những người gương mẫu tiên phong.

Ông Phạm Duy Chung tự hào kể lại rằng, ngày làm đường cả làng vui như trảy hội. Người chặt cây, người tháo tường rào, người cuốc đất… Cứ thế ngày nối ngày, những đoạn đường cua gấp khúc, đoạn mấp mô dần được thẳng hơn, đẹp hơn, thênh thang hơn. Riêng gia đình ông cũng tự nguyện hiến 0,5 m chiều rộng, kéo dài 60 m đất mặt đường và hơn 100m2 đất ruộng để làm đường.


Công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Tuyên Quang đã giúp nhiều làng quê nơi đây đổi mới. Ảnh: Đào Thanh.

Tấm gương hiến đất mở đường của CCB Nguyễn Thế Minh, ở xã Trường Sinh, huyện Sơn Dương vẫn được người dân nơi đây nhớ mãi. Đầu năm 2020, Đảng bộ xã Trường Sinh đã lựa chọn xây dựng tuyến đường bê tông có chiều dài 150 m, nối liền từ thôn Quyết Tiến sang thôn Thái Thịnh ông Minh là người tiên phong hiến đất. Bởi ông hiểu được nỗi khổ khi chưa có con đường này, dân trong thôn phải đi vòng, đi tắt rất vất vả.

Ông Minh cho biết, khi xã có chủ trương ông bàn với gia đình tự nguyện phá dỡ tường rào, hiến hơn 350 m2 đất thổ cư để mở rộng tuyến đường. Câu chuyện của ông Minh đã là nguồn cảm hứng của nhiều hộ dân khác trong xã Trường Sinh cũng làm theo. Bởi thế tuyến đường dài 150 m, rộng 3 m đổ bê tông dày 16 cm theo tiêu chuẩn đường bê tông nông thôn đã được về đích đúng hẹn, giải quyết việc đi lại vất vả của người dân.      

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2016-2020, nhân dân trên địa bàn tỉnh đã tham gia đóng góp 493,572 tỷ đồng; hiến 18.247 m2 đất; tham gia 1.412.148 ngày công lao động để xây dựng nông thôn mới.

Việc khó có dân góp sức

Đến nay toàn tỉnh Tuyên Quang có 36/129, xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong năm 2020, tỉnh phấn đấu có thêm 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Để các địa phương về đích đúng hén là nhờ có sự chung sức đồng lòng của người dân. Trong 5 năm xây dựng, hàng tỷ đồng tại mỗi xã hoàn thành nông thôn mới đã được người dân ở nhiều xã vùng cao của tỉnh Tuyên Quang đóng góp để để xây dựng các công trình cộng đồng, chung sức cùng nhà nước làm nông thôn mới.

Tháng 4/2019, xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn công bố đạt chuẩn nông thôn mới. Để cán đích nông thôn mới, từ năm 2012 đến nay, xã huy động các nguồn lực đóng góp được hơn 73 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 8,3 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Sướng, Trưởng thôn Thái Ninh cho biết, nhà văn hóa của thôn được xây dựng năm 2017 với kinh phí 480 triệu đồng. Để có số tiền này mỗi khẩu của thôn đều tự nguyện đóng góp 450.000 đồng. Nhà văn hóa đưa vào sử dụng trở thành trung tâm sinh hoạt cộng đồng của thôn, xóm, góp phần phát huy hiệu quả nhất các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời xây dựng những nếp sinh hoạt văn hóa văn minh trong cộng đồng dân cư.

Ở những nơi vùng sâu, vùng xa, người dân rất cần được định hướng, dẫn đường, chỉ lối của Đảng và Nhà nước. Đảng định hướng đúng, trúng, dân tin, nghe theo thì cuộc sống ấm no, sung túc sẽ đến. Để có điều điều đó, những cán bộ cơ sở đã trở thành lực lượng then chốt, trở thành cánh tay nối dài để các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đến gần dân và được dân hiểu. Anh Nguyễn Văn Quang, Bí thư Chi bộ Đồng Đon, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương là người như thế.

Những nhà văn hóa kiên cố, khang trang được mọc lên tại các thôn bản, vùng cao của huyện Na Hang nhờ sự chung sức, đồng lòng góp công của của người dân nơi đây. Ảnh Đào Thanh

Từ năm 2015 đến nay, bên cạnh sự hỗ trợ xi măng của Nhà nước, nhân dân đã đồng thuận đóng góp trên 150 triệu đồng để cứng hóa đường giao thông nông thôn, đường nội đồng, nhà văn hóa thôn. Phát huy kết quả đó, năm 2019, thôn tiếp tục đăng ký lắp đặt 847m kênh mương nội đồng. Đến nay, thôn đã cứng hóa được 100% đường thôn, 100% kênh mương nội đồng. Không chỉ vận động nhân dân thực hiện tốt phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, anh Quang cùng với Chi bộ còn kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân để giải quyết những vướng mắc góp phần xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân, vận động nhân dân thu gom rác thải bằng cách phân loại rác từ hộ gia đình và không xả rác ra đường làng ngõ xóm...

Bài, ảnh: Đào Thanh/Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin cùng chuyên mục