Nỗ lực về đích đúng kế hoạch

Năm 2022 toàn tỉnh có 8 xã đăng ký về đích nông thôn mới (NTM) gồm Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa; Bạch Xa, Minh Khương và Yên Phú, huyện Hàm Yên; Nhữ Khê, Đội Bình, huyện Yên Sơn; Hào Phú, Thượng Ấm, huyện Sơn Dương. Ðến nay, cả 8 địa phương này đều đang gấp rút triển khai thực hiện các tiêu chí, nỗ lực về đích đúng kế hoạch.

Lãnh đạo tỉnh thăm, kiểm tra cơ sở vật chất văn hóa xã Thổ Bình

Theo Báo cáo của các huyện, cái khó của các xã thực hiện xây dựng NTM năm nay là hầu hết các xã đều ở xuất phát điểm thấp. Cùng với đó, các tiêu chí để được công nhận xã NTM giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều điều chỉnh theo hướng nhiều hơn, nâng cao hơn. Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021 - 2025 về cơ bản vẫn giữ 19 tiêu chí, nhưng tăng thêm 8 chỉ tiêu (giai đoạn trước 19 tiêu chí/49 chỉ tiêu). Các chỉ tiêu tăng thêm này được chia nhỏ ra, cụ thể hơn và nâng cao hơn so với giai đoạn trước.

Cùng với đó, một số tiêu chí với các chỉ tiêu phân cấp cho bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh quy định cụ thể. Chẳng hạn, giai đoạn 2016 - 2020 với tiêu chí 13 - Tổ chức sản xuất, chỉ gồm 2 chỉ tiêu là xã có HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012; xã có mô hình sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững. Ở giai đoạn 2021 - 2025, tiêu chí 13 - Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, tăng thêm 3 chỉ tiêu và phân cấp cho UBND tỉnh quy định cụ thể gồm: Thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và được chứng nhận VietGAP hoặc tương đương; có kế hoạch và triển khai kế hoạch bảo tồn, phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống (nếu có) gắn với hạ tầng về bảo vệ môi trường; có tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả. 

Tương tự, tiêu chí 17 - Môi trường và an toàn thực phẩm, ở giai đoạn trước chỉ có 8 chỉ tiêu, giai đoạn 2021 - 2025 tăng lên 10 chỉ tiêu; trong đó theo phân cấp, chỉ tiêu về đất cho cây xanh sử dụng công cộng tại khu dân cư do Bộ NN&PTNT quy định, chỉ tiêu về mai táng do UBND tỉnh quy định cụ thể phù hợp với thực tế của địa phương; đồng thời các tiêu chí về nước sạch, vệ sinh môi trường điều chỉnh nâng cao hơn...

Qua rà soát đến nay các tiêu chí chưa đạt liên quan đến cơ sở hạ tầng 06/08 xã chưa đạt tiêu chí Giao thông, 07/08 xã chưa đạt tiêu chí Trường học, 08/08 xã chưa đạt tiêu chí Cơ sở vật chất văn hóa và tiêu chí Môi trường và an toàn thực phẩm, đặc biệt còn 02/08 xã chưa đạt tiêu chí thu nhập … cụ thể như sau:

Xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa: Đã hoàn thành 12/19 tiêu chí nông thôn mới, còn 07 tiêu chí cần hoàn thành: (Giao thông; Thủy lợi và phòng chống thiên tai; Trường học; Cơ sở vật chất văn hóa; Nhà ở dân cư; Y tế; Môi trường và an toàn thực phẩm);  Xã Bạch Xa, huyện Hàm Yên: Đã hoàn thành 12/19 tiêu chí, còn 07 tiêu chí cần hoàn thành, gồm: (Quy hoạch; Giao thông; Trường học; Cơ sở vật chất văn hóa; Thu nhập; Y tế; Môi trường và an toàn thực phẩm);  Xã Minh Khương, huyện Hàm Yên: Đã hoàn thành 12/19 tiêu chí, còn 07 tiêu chí cần hoàn thành gồm: (Quy hoạch; Trường học; Cơ sở vật chất văn hóa; Nhà ở dân cư; Thu nhập; Y tế; Môi trường và An toàn thực phẩm); Xã Yên Phú, huyện Hàm Yên: Đã hoàn thành 12/19 tiêu chí, còn 07 tiêu chí cần hoàn thành gồm (Quy hoạch; Giao thông; Trường học; Cơ sở vật chất văn hóa; Nhà ở dân cư; Y tế; Môi trường và an toàn thực phẩm); Xã Nhữ Khê huyện Yên Sơn: Đã hoàn thành 16/19 tiêu chí còn 03 tiêu chí cần hoàn thành gồm: (Cơ sở vật chất văn hóa, Nhà ở dân cư, Môi trường và an toàn thực phẩm); Xã Đội Bình, huyện Yên Sơn: Đã hoàn thành 13/19 tiêu chí, còn 06 tiêu chí cần hoàn thành gồm: (Giao thông, Trường học, Cơ sở vật chất văn hóa, Nhà ở dân cư, Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, Môi trường và an toàn thực phẩm); Xã Hào Phú,  Thượng Ấm huyện Sơn Dương: Đã hoàn thành 14/19 tiêu chí, còn 05 tiêu chí cần hoàn thành: (Giao thông, Trường học, Cơ sở vật chất văn hóa, Y tế, Môi trường và an toàn thực phẩm).

Trao đổi về vấn đề này, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới  Lê Hải Nam cho biết: Hiện các xã trên đang gấp rút triển khai thực hiện các tiêu chí còn chưa đạt, đảm bảo đúng thời gian nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên cái khó là nguồn vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp cho chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2022 được phân bổ chậm, nguồn lực của tỉnh cũng còn nhiều hạn chế, huy động sức dân cũng không thể quá lớn...ngoài ra những quy định nâng cao về các chỉ tiêu cụ thể, ví dụ như chỉ tiêu 17.11. Tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn, 17.12. Tỷ lệ chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn được thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý theo quy định phải đạt ≥30%. Thực tế cho thấy tại gia đình có thể phân loại đạt yêu cầu nhưng khi thu gom, tập kết lại không phân loại nữa, điều này khiến việc phân loại ban đầu mất ý nghĩa. Do vậy, với bộ tiêu chí mới, để đáp ứng được các quy định, ngoài nỗ lực của địa phương, cơ sở cần tới hỗ trợ rất lớn từ chính quyền cấp tỉnh, bộ, ngành Trung ương để việc xây dựng NTM ngày càng hiệu quả.

Để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở 08 xã “về đích”; đồng thời duy trì, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới ở các xã đã đạt chuẩn thời gian tới cần tập trung mọi nguồn lực hoàn thành các tiêu chí chưa đạt. Cùng với nguồn vốn đầu tư của tỉnh, sự hỗ trợ của các huyện, các xã cần chủ động trong việc kêu gọi đầu tư xã hội hóa. Và quan trọng hơn là hệ thống chính trị của các xã cần khẩn trương vào cuộc với quyết tâm cao đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng, hoàn thiện trong thời gian sớm nhất với chất lượng cao nhất. Đồng thời cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Tiếp tục quán triệt đầy đủ, nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; xác định việc xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, trên nguyên tắc “Nông thôn mới là nền tảng, cơ cấu lại ngành nông nghiệp là căn bản, Nhân dân là chủ thể”. Đồng thời, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài nhằm huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng tham gia.

Tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân, bao gồm cả con em Tuyên Quang đang sinh sống, làm việc, học tập ở nước ngoài và các tỉnh, thành trong cả nước tích cực ủng hộ, tham gia xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025”. Chú trọng xây dựng mô hình phát triển kinh tế - xã hội nhằm hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí nông thôn mới tại địa phương. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn theo hướng nông nghiệp sinh thái, du lịch cộng đồng và kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Xây dựng nông thôn mới bảo đảm thực chất, hiệu quả, bền vững; tuyệt đối không chạy theo thành tích để hạ thấp chỉ tiêu, tiêu chí khi thẩm tra, thẩm định, không làm phát sinh nợ đọng và được sự đồng thuận thông qua việc lấy ý kiến hài lòng của người dân.

Tập trung nâng cao các tiêu chí về đời sống người dân, giảm nghèo, thu nhập, môi trường và an toàn thực phẩm; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc của các vùng, miền và bảo đảm an ninh, an toàn xã hội. Xây dựng nông thôn mới phải gắn kết chặt chẽ với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số - miền núi và các chương trình, dự án hỗ trợ khác trên địa bàn tỉnh. Đồng thời gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp. Đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ gia đình, cá nhân tham gia liên danh, liên kết trong sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững, với quy mô lớn theo hướng hàng hóa, tạo nhiều sản phẩm có thế mạnh của từng địa phương; thực hiện tốt xây dựng vườn chuẩn nông thôn mới.

Đối với kế hoạch xây dựng NTM năm 2023, các địa phương cần kiểm tra, rà soát kỹ các đầu điểm công trình hạ tầng cơ sở, đảm bảo tính khả thi trước khi xây dựng kế hoạch vốn đầu tư tránh việc rà soát không kỹ đến cuối không thực hiện được lại xin đổi đầu điểm, gây mất thời gian, lãng phí tiền ngân sách Nhà nước, đồng thời cần rà soát, bổ sung, ban hành các cơ chế, chính sách để thực hiện Chương trình bảo đảm hiệu quả, phù hợp với điều kiện của tỉnh; Tập trung nguồn lực, thực hiện quyết liệt việc xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, xử lý môi trường, tạo cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp, giao thông nông thôn, hạ tầng thương mại, cung cấp nước sạch, văn hóa - thể thao... Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới, bảo đảm đúng quy định, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, lãng phí. Ưu tiên đầu tư cho các địa phương đăng ký hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm kế hoạch.

Tập trung khai thác lợi thế, phát triển kinh tế và tiếp tục sắp xếp lại sản xuất nông nghiệp. Có thể thấy, Tuyên Quang đã, đang nhận diện đúng thực tế, quyết liệt ngay từ đầu để phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu. Tin rằng, từ kinh nghiệm đã có và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân và doanh nghiệp, Tuyên Quang sẽ hoàn thành thắng lợi kế hoạch xây dựng NTM năm 2022 và các năm tiếp theo./.

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục