Nhìn lại kết quả 10 năm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức cấp xã ở Tuyên Quang

Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 01/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, trong đó có hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ công chức cấp xã. Qua 10 năm triển khai thực hiện, đến nay đội ngũ cán bộ công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang không ngừng được củng cố, tăng cường về số lượng, chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển.

Lớp bội dưỡng kiến thức cho cán bộ làm công tác Văn phòng - Thống kê năm 2019

Thời điểm tháng 6/2010, tổng số cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang là 2.523 người, trong đó 598 người có trình độ đại học, chiếm 23,7%; 41 người có trình độ cao đẳng, người chiếm 1,6% (đang học đại học 332 người chiếm 13,16%, đang học trung cấp 112 người chiếm 4,4%); 1.658 người có trình độ trung cấp, chiếm 65,7%; 226 người có trình độ sơ cấp và chưa qua đào tạo, chiếm 9%; 2.170 người đã được bồi dưỡng kiến thức Quản lý nhà nước, chiếm 86%; 1.616 người có chứng chỉ về tin học, chiếm 64%. Với đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ còn hạn chế như vậy, đòi hỏi chính quyền các xã trên địa bàn tỉnh phải rất cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 01/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Kế hoạch số 06-KH/TU ngày 13/6/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức thực hiện mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; Quyết định số 191/QĐ-UBND ngày 23/5/2011 về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” tỉnh Tuyên Quang. Theo đó, mục tiêu của Đề án là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý hành chính, quản lý, điều hành kinh tế - xã hội và thực thi công vụ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Mục tiêu cụ thể đến năm 2015, trên 95% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn trung cấp trở lên, trong đó trên 50% có trình độ cao đẳng, đại học. Đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội theo chức danh, vị trí làm việc đáp ứng yêu cầu của công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành và thực thi công vụ. Đến năm 2020, nâng tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã có trình độ cao đẳng, đại học lên trên 60%. Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản ký kinh tế - xã hội chuyên sâu cho cán bộ, công chức xã đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, quản lý kinh tế - xã hội thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.


Lớp bội dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ làm công tác xây dựng Nông thôn mới năm 2018

Thực hiện Kế hoạch và các văn bản chỉ đạo thực hiện của tỉnh cho từng năm và giai đoạn, các đơn vị được giao nhiệm vụ như Trường Đại học Tân Trào, trường Trung học Kinh tế - Kỹ thuật; trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp tỉnh đã chủ động phối hợp với các Học viện, các trường Đại học trong nước tổ chức mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ công chức cấp xã theo kế hoạch tỉnh phê duyệt. Cụ thể đã đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho 12.832 lượt cán bộ, công chức cấp xã, trong đó: Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ chuyên trách công tác đảng, đoàn thể là 3.787 lượt người, cho công chức làm chuyên môn là 7.465 lượt người; Đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán  bộ, lên Đại học là 1.425 người, lên Cao đẳng là 63 người, lên Trung cấp là 92 người.

Theo đánh giá của Lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Tuyên Quang, kết quả đào tạo, bồi dưỡng đã góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức cấp xã trong toàn tỉnh, hoàn thành vượt mục tiêu của Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” tỉnh Tuyên Quang đã được UBND tỉnh phê duyệt. (Đến năm 2020, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn cao đẳng, đại học đạt 69%, vượt 9% so với mục tiêu Đề án). Tổng kinh phí hỗ trợ cho công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức là 13,344 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 7,665 tỷ đồng, chiếm 57,4%, ngân sách Địa phương là 5,679 tỷ đồng, chiếm 42,6%. Với điều kiện của tỉnh còn khó khăn, đã dành một nguồn kinh phí nhất định cho thấy sự quan tâm đặc biệt của tỉnh dành cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã./.

Phạm Đình Tuyên/VPĐP NTM tỉnh

Tin cùng chuyên mục