Nhân dân là chủ thể

- Hàng trăm ngàn ngày công lao động do nhân dân đóng góp xây dựng các thiết chế, hạ tầng văn hóa, chưa kể vật chất và hàng ngàn mét vuông đất được hiến cho thôn, xã để xây dựng nông thôn mới. Họ cũng chính là linh hồn gìn giữ bản sắc văn hóa, những giá trị tốt đẹp của dân tộc. Không ai khác, người dân chính là chủ thể, là trung tâm xây dựng và gìn giữ đời sống văn hóa ở nông thôn.

Theo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhân dân đóng góp trên 1.200 tỷ đồng cùng với hàng triệu ngày công lao động, hàng ngàn mét vuông đất xây dựng hạ tầng nông thôn. Và từ đầu năm đến nay, cùng với các nguồn vốn khác, nhân dân đã đóng góp trên 45 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Có thể kể đến nhiều công trình và tiêu chí nổi bật có sự tham gia của nhân dân như nhà văn hóa, nhà ở dân cư, các công trình vệ sinh, môi trường... Từ tinh thần tự giác của nhân dân, mà nhiều nơi, không có quỹ đất xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao, trường học, nhân dân đã đứng ra tự nguyện hiến đất. Người dân cũng nỗ lực xóa hàng nghìn ngôi nhà tạm, dột nát để làm nên những ngôi nhà cao tầng khang trang, xây dựng hàng ngàn công trình chuồng trại chăn nuôi, nhà tiêu hợp vệ sinh. Từ đó góp phần xây dựng lối sống ngăn nắp, nền nếp, lành mạnh ở mỗi khu dân cư.


Một tuyến đường hoa của nhân dân thôn Yên Sở, xã Phúc Ninh (Yên Sơn).

Chúng tôi trở lại xã Phúc Ninh (Yên Sơn) nhưng mỗi lần trở lại là thấy ngỡ ngàng. Đường bê tông sạch đẹp, được phát quang cỏ dại và khơi thông cống rãnh. Nhiều tuyến đường được trồng hoa dọc hai bên đường. Đồng chí Vũ Thành Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Ninh cho biết, sau khi xã hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2018, xã tiếp tục phát động phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới, lấy nhân dân làm trọng tâm trong xây dựng đời sống văn hóa. Đến nay, cả xã đã có trên 5 km đường hoa, 5 km đường điện thắp sáng do nhân dân xây dựng kể từ sau khi hoàn thành nông thôn mới. Xã vẫn duy trì hiệu quả 2 câu lạc bộ phát huy và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Dao, 1 câu lạc bộ khiêu vũ. Nhiều thôn, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao rất phát triển, làm tăng tình làng nghĩa xóm, tình đoàn kết giữa các khu dân cư. Tại nhiều thôn, tỷ lệ nhà ở khang trang, tỷ lệ hộ dân có 3 công trình hợp vệ sinh ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể.

Ông Nguyễn Quang Mão, Bí thư Chi bộ thôn Yên Sở, thôn kiểu mẫu trong xây dựng nông thôn mới của xã Phúc Ninh cho hay, nếu như năm 2018, thời điểm xã đạt chuẩn nông thôn mới, Yên Sở mới chỉ có 80% hộ dân có nhà xây, 75% hộ dân có 3 công trình hợp vệ sinh, tỷ lệ hộ khá, giàu chỉ chiếm 40% nhưng đến nay, Yên Sở có 99% hộ có nhà xây khang trang, 93% hộ dân có 3 công trình hợp vệ sinh và 60% hộ có mức sống khá giàu. Chị Đỗ Thị Hằng trước kia là hộ nghèo nhưng từ Chương trình nông thôn mới, chị Hằng đã quyết tâm làm giàu, vươn lên thoát nghèo, làm được nhà ở khang trang. Chị Hằng cho biết, giờ đây, chị chẳng còn phải đi làm xa mà trồng cây ăn quả ngay trên mảnh đất của mình, thu vén cho nhà cửa ngăn nắp, gọn gàng.

Xã Phù Lưu (Hàm Yên) năm 2020 phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng chí Đỗ Hữu Ước, Bí thư Đảng ủy xã nhận định: “Trong quá trình phấn đấu về đích nông thôn mới, nhiều công trình nhà văn hóa, sân thể thao, điểm trường học, xã không bố trí được quỹ đất để xây dựng. Nhưng nhờ có sự đồng thuận hiến đất của nhân dân mà chúng tôi mới thực hiện được”. Từ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể các cấp và sự nỗ lực của nhân dân, 34/35 nhà tạm đã được xóa đúng kế hoạch đề ra. Nhiều công trình nhà văn hóa và các công trình phụ, điểm trường học được hoàn thiện nhờ sự hiến đất và đóng góp của nhân dân. Nhiều mô hình tự quản về môi trường, vệ sinh và an ninh trật tự của nhân dân được hình thành và duy trì hiệu quả. Từ đó, người dân chính là chủ thể trong xây dựng môi trường nông thôn trong lành, là chiến sỹ trên mặt trận giữ gìn an ninh trật tự thôn, xóm. 

Anh Nguyễn Ngọc Quyết, Bí thư Chi bộ thôn Pác Cáp cho biết, ngoài cấu kiện do Nhà nước hỗ trợ để làm nhà văn hóa, người dân còn đóng góp trên 200 triệu để làm khuôn viên, sân thể thao và cơ sở vật chất trong nhà văn hóa. Những năm gần đây, phong trào văn nghệ và bóng chuyền hơi phát triển mạnh. Thôn cũng thành lập 4 nhóm tự quản do nhân dân làm chủ để giữ gìn vệ sinh ngõ xóm và an ninh trật tự.

Nhờ có sự vào cuộc tích cực từ mỗi người dân mà đến nay, xã Phù Lưu đã hoàn thành 13/19 tiêu chí nông thôn mới. Nhiều tiêu chí khó như môi trường, văn hóa… xã đã hoàn thành.

Chương trình nông thôn mới vì mục tiêu cao nhất là làm cho đời sống người dân ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Vì thế chính người dân là chủ thể xây dựng đời sống văn hóa hiện đại, ngăn nắp song cũng gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc, mỗi địa phương.

Bài, ảnh: Thùy Châu/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục