Ngành Văn hoá với phong trào thi đua “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025

Nhằm tiếp tục phát huy thành tích đạt được và chung tay, góp sức thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch số 120/KH-SVHTTDL ngày 29/11/2022 về thực hiện Phong trào thi đua “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 – 2025 thuộc lĩnh vực Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Đoàn thanh niên Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tham gia nạo vét cống rãnh dân sinh tại thôn Cả, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương

Mục tiêu của Kế hoạch là tiếp tục tham mưu lồng ghép có hiệu quả nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình dự án để thực hiện các Chương trình, Đề án, Kế hoạch…thuộc lĩnh vực văn hoá, thể thao du lịch đặc biệt là nội dung xây dựng thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở, phát triển du lịch, dịch vụ gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thực hiện trên địa bàn nông thôn.

Phong trào thi đua “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 – 2025 thuộc lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch, hướng các địa phương triển khai thực hiện tiêu chí số 06 và 16 của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới; xã nông thôn mới nâng cao; huyện nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Trọng tâm là xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất văn hóa - thể thao cấp xã, thôn, tổ dân phố; các trung tâm văn hóa - thể thao huyện; tu bổ, tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử, bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch nông thôn đến năm 2025: phấn đấu cấp xã có 70% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 06 về cơ sở vật chất văn hóa thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, trong đó có 30% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 06 về văn hóa thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao; cấp huyện, thành phố có 30% số huyện, thành phố đạt chuẩn tiêu chí số 5 về y tế - văn hóa - giáo dục theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn; phấn đấu đến năm 2025, có trên 80% số xã chuẩn đạt tiêu chí số 16 về văn hóa thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị.

Các giải pháp thực hiện bao gồm: Thứ nhất: Đa dạng hoá các hình thức, phương pháp tổ chức hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao nhằm nâng cao đời sống tinh thần, thể chất của cư dân nông thôn; Thứ hai: Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới và giải pháp cuối cùng là hoàn thiện, phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao các cấp.

Nhà Văn hoá thôn Bình Ca 1, xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn

Trong năm 2022 vừa qua, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh đã triển khai phong trào sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở với nội dung, hình thức phong phú, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, thực chất, phù hợp với thực tiễn; gắn triển khai phong trào “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh”

Về công tác thông tin, tuyền truyền: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở; Phòng Văn hoá và Thông tin, Trung tâm Văn hoá, Thông tin và Thể thao các huyện, thành phố tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới lồng ghép gắn với các nhiệm vụ của ngành, đơn vị, của tỉnh và địa phương, cụ thể: Tổ chức trên 90 buổi biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, trên 150 buổi biểu diễn văn nghệ quần chúng; thực hiện 896 buổi tuyên truyền lưu động tại các trục đường, điểm chợ, thôn, bản, địa bàn đông dân cư; làm mới và thay đổi nội dung 117 cụm cổ động tại trung tâm huyện, thành phố trong đó có các xã và ven lộ các xã xây dựng nông thôn mới; treo trên 1.820 lượt băng rôn; khẩu hiệu; biên tập 260 chương trình thông tin tổng hợp, trong đó có trên 60 chương trình có chủ đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn mới; Duy trì hoạt động 134/138 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn; 1.665/1.733 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố tại các huyện, thành phố; 1.733 tổ, đội văn nghệ quần chúng thôn, tổ dân phố; 665 câu lạc bộ văn hóa, thể thao xã; 12 câu lạc bộ cấp huyện; 13 câu lạc bộ cấp tỉnh; trong đó có trên 200 câu lạc bộ đàn hát dân ca và bảo tồn văn hoá dân tộc; trên 70 câu lạc bộ Hát then – Đàn Tính; 06 câu lạc bộ hát Páo dung  của dân tộc Dao; 13 câu lạc bộ hát Sình ca của dân tộc Cao Lan... Các đội chiếu bóng lưu động chủ động khai thác phim, tài liệu có nội dung về nông nghiệp, nông dân và xây dựng nông thôn mới, thực hiện 552 buổi chiếu phim phục vụ đồng bào các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trước buổi chiếu phim tổ chức các buổi tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước xã xây dựng nông thôn mới; Thư viện tỉnh tổ chức 10 cuộc trưng bày, triển lãm sách, báo nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn; hệ thống thư viện tỉnh, huyện và 134 tủ sách cơ sở duy trì hoạt động mở cửa phục vụ nhân dân đến tìm đọc. Công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức, vai trò quan trọng xây dựng nông thôn mới của người dân ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Ngoài việc tuyên truyền về nông thôn mới, năm 2022 Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch còn tổ chức thành công các sự kiện như: Chương trình khai mạc Năm du lịch tỉnh Tuyên Quang và Lễ hội khinh khí cầu quốc tế lần thứ nhất- năm 2022 tại tỉnh Tuyên Quang; Lễ kỷ niệm 75 năm Bác Hồ trở lại Tuyên Quang lãnh đạo kháng chiến; Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” chào mừng kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; Lễ đón nhận Bằng ghi danh "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Lễ hội Thành Tuyên năm 2022; Lễ hội Giã cốm của Chiêm Hoá; Lễ hội hương sắc hoa Lê, Tuần Văn hóa Du lịch huyện Lâm Bình; Trải nghiệm bơi mảng trên hồ Nà Nưa… Các sự kiện trên kết hợp cùng một số loại hình du lịch cộng đồng, du lịch canh nông và du lịch sinh thái. Trong đó: Du lịch sinh thái dựa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa gắn với giáo dục môi trường, có đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương, thưởng ngoạn thiên nhiên và có giá trị văn hóa kèm theo của quá khứ và hiện tại một cách có trách nhiệm, thúc đẩy công tác bảo tồn, ít tác động tiêu cực đến môi trường và tạo các ảnh hưởng tích cực về mặt kinh tế - xã hội cho cộng đồng địa phương ở các khu vực thiên nhiên còn tương đối hoang sơ, đã thu hút được nhiều khách du lịch tham gia, làm thay đổi bộ mặt du lịch, đồng thời phát triển kinh tế cho chính người dân nông thôn địa phương.

Hy vọng thời gian tới với nỗ lực thay đổi về tư duy, chiến lược, cách làm, Ngành Văn hoá tỉnh nhà sẽ có các bước đi ngoạn mục trong nâng cao thu nhập cho người dân, phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới Tuyên Quang ngày càng bền vững./.

Lại Kiều Trang/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục