Ngành Văn hóa khơi dậy sức mạnh nội sinh tích cực xây dựng nông thôn mới

Xác định việc khơi dậy sức mạnh nội sinh, các giá trị văn hóa và tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú với những giá trị nhân văn, tiến bộ là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên để Tuyên Quang xây dựng nông thôn mới (NTM) trong giai đoạn hiện nay. Hai tiêu chí văn hóa trong 19 tiêu chí xây dựng NTM, đó là: tiêu chí số 6 về Cơ sở vật chất văn hóa và tiêu chí số 16 về Văn hóa, 2 tiêu chí này được các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai, đạt hiệu quả thiết thực.

Nhảy Sạp trải nghiệm Homestay Noong Na xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình

Tuyên Quang là địa phương có 22 dân tộc (trong đó dân tộc Kinh 46%, Tày 26%, Dao 13%, Sán Cháy 8%, còn lại là các dân tộc khác). Thời gian qua xây dựng NTM cơ bản tập trung vào nhóm tiêu chí hạ tầng kinh tế - xã hội, đến nay đã chú trọng vào nhóm tiêu chí nâng cao chất lượng đời sống của người dân, trong đó tập trung đến các nhóm tiêu chí tổ chức sản xuất, văn hóa, môi trường. Xây dựng đời sống văn hóa và môi trường sống “Sáng - xanh - sạch - đẹp” bảo đảm an ninh trật tự ngày càng tốt hơn vì vùng nông thôn là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa của cộng đồng, văn hóa nông thôn là một bộ phận cấu thành của văn hóa dân tộc, do đó, xây dựng đời sống văn hóa nông thôn giữ vị trí quan trọng trong nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Năm 2021 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động tham mưu Nghị quyết thông qua Đề án xây dựng nhà văn hóa thôn, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Triển khai thực hiện tiêu chí số 6 và 16 trên địa bàn tỉnh, công tác tuyên truyền được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú có chiều sâu từ tỉnh đến huyện, xã với các hoạt động tuyên truyền và hoạt động văn hóa nghệ thuật hướng về cơ sở với chủ đề “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" qua đó phản ánh khách quan cuộc sống lao động sản xuất, đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Năm 2021 đã tổ chức 1.290 buổi tuyên truyền tại cơ sở và khu vực trung tâm các huyện, thành phố. Làm mới và thay đổi nội dung 106 cụm cổ động tại trung tâm huyện, thành phố trong đó có các xã và ven lộ của các xã xây dựng nông thôn mới; treo trên 2.511 lượt băng rôn, khẩu hiệu; biên tập 125 chương trình thông tin trong đó có 30 chương trình thông tin tổng hợp gắn với chủ đề về thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; các đội chiếu bóng lưu động khai thác các phim, tài liệu có nội dung về xây dựng nông thôn mới, thực hiện trên 400 buổi chiếu phim phục vụ đồng bào các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trước buổi chiếu phim, tập trung tuyên truyền phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức, vai trò quan trọng xây dựng nông thôn mới của người dân ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hiện toàn tỉnh có 7/7 huyện, thành phố có trung tâm văn hóa, truyền thông và thể thao đạt 100%; có 134/138 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa đạt 97,1%; có 1.641 thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hóa - khu thể thao, 1.733 tổ, đội văn nghệ, 217 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, 350 câu lạc bộ thể thao cơ sở. Đối với 122 xã xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, hiện có 122/122 xã có nhà văn hóa, đạt 100%; có 80/122 xã đạt chuẩn tiêu chí số 6 đạt 65,57%, có 119/122 xã đạt chuẩn tiêu chí số 16 đạt 97,54%.

Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng hầu hết các trung tâm văn hóa - thông tin và thể thao các huyện, thành phố đã thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức hoạt động hiệu quả. Nhờ vậy, đã đảm bảo được yêu cầu phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị và nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Hầu hết các thiết chế văn hóa thể thao cơ sở đều đạt tiêu chí về diện tích đất quy hoạch và quy mô xây dựng của Bộ Văn hóa - Thể thao, Du lịch. Xác định phát triển du lịch là một trong lĩnh vực đột phá kinh tế của tỉnh, thời gian qua Tuyên Quang đã và đang chú trọng khai thác, phát triển các loại hình du lịch là tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như: Du lịch lịch sử, văn hóa, nghỉ dưỡng, sinh thái, tâm linh, du lịch cộng đồng. Năm 2021 các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã đón trên 1.385.800 lượt khách.

Trải nghiệm trồng lúa nước của du khách nước ngoài tại xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình

Loại hình du lịch cộng đồng tại tỉnh đã và đang hình thành, thu hút được nhiều khách du lịch tham gia trải nghiệm, bước đầu đã làm thay đổi bộ mặt du lịch, tạo thêm nguồn thu nhập cho nhân dân khu vực nông thôn như: Điểm du lịch cộng đồng thôn Tân Lập, xã Tân trào, huyện Sơn Dương; điểm du lịch cộng đồng thôn Nà Tông, Nà Đông, xã Thượng Lâm, điểm du lịch thôn Na Muông, xã Khuôn Hà, điểm du lịch thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can huyện Lâm Bình; điểm du lịch cộng đồng thôn Bản Ba, xã Trung Hà, thôn Biến, xã Phúc Sơn, thôn An Thịnh xã Tân An, thôn Bó Củng xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa; điểm du lịch Giếng Tanh xã Kim Phú, thành phố Tuyên Quang; điểm du lịch thôn Nà Khá, xã Năng Khả, thôn Khau Tràng xã Hồng Thái, huyện Na Hang… Toàn tỉnh có trên 70 cơ sở lưu trú Homestay. Tuyên Quang còn là điểm dừng chân của khách bộ hành vì vậy việc kết hợp với Thủ đô Hà Nội, các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang,… hình thành các Tour du lịch liên tỉnh qua các địa danh như: Núi Cốc, Đền Hùng, Tam Đảo, Tân Trào, Suối khoáng Mỹ Lâm… Phát triển du lịch tổng hợp đáp ứng nhu cầu đồng bào trong nước và khách nước nước ngoài trở về với cội nguồn cách mạng thì không những có ý nghĩa chính trị mà còn phát triển kinh tế dịch vụ du lịch trong tỉnh.

Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, cơ sở của tỉnh đã ngày càng được mở rộng, phát triển. Tính đến nay toàn tỉnh đã có 07 khu vui chơi, 03 khu quảng trường có sân chơi, bãi tập thể thao tại các huyện Yên Sơn, Hàm Yên và huyện Na Hang. Tổng số công trình thể thao, cơ sở đang sử dụng cho hoạt động thể thao trên địa bàn tỉnh là 2.756 công trình, trong đó: 11 nhà luyện tập thi đấu thể thao, 1.114 sân bóng chuyền, 139 sân bóng đá mini, 496 sân cầu lông, 29 sân quần vợt, 32 bể bơi, 236 sân vận động không khán đài và hơn 700 sân chơi bãi tập khác, tạo điều kiện để người dân, đặc biệt là người dân tại khu vực nông thôn được tham gia hưởng thụ và sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí ngoài giờ lao động.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Hòa, năm 2021, ngành sẽ tiếp tục thực hiện nâng cao hiệu quả hoạt động thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ nhân dân trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Tiếp tục tham gia đoàn thẩm định NTM tỉnh, thẩm định, xét công nhận các tiêu chí văn hóa của 09 xã mục tiêu, 05 xã nâng cao và 01 xã kiểu mẫu năm 2021; kiểm tra, đánh giá kết quả duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM đối với các huyện và thành phố.

Để thực hiện được các hoạt động trên, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở và người dân ở nông thôn về văn hóa và nhiệm vụ phát triển văn hóa nông thôn. Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát hướng dẫn tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng tuyên truyền về Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, khu phố văn hóa; xây dựng và nhân rộng mô hình điển hình tiên tiến trên địa bàn các huyện, thành phố.

Thông qua việc thực hiện các cuộc vận động trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa như: Gia đình văn hóa, thôn, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, nếp sống văn hóa nơi công cộng…đã từng bước bài trừ các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, hạn chế các hủ tục lạc hậu và việc tàng trữ, sử dụng sản phẩm văn hóa có nội dung xấu ra khỏi đời sống cộng đồng nông thôn. Xây dựng xã hội nông thôn ổn định về chính trị, thực hiện nghiêm kỷ cương, pháp luật và quy ước thôn; phát huy dân chủ; củng cố tình làng, nghĩa xóm; kịp thời hòa giải những bất hòa, mâu thuẫn trong cộng đồng; đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; góp phần nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường và thực hiện nếp sống vệ sinh ngăn nắp trong mỗi gia đình. Vì thế diện mạo ở các địa phương trong tỉnh ngày càng đổi mới, môi trường cảnh quan chung ngày càng xanh - sạch - đẹp, khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí; xây dựng, cải tạo hệ thống tưới tiêu kênh mương nội đồng, hệ thống thoát nước ở khu dân cư, thu gom, xử lý rác thải, chất thải chăn nuôi hợp vệ sinh; nâng cao tỷ lệ hộ dân được sử dụng 3 công trình vệ sinh (nhà tắm, nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh) ở nông thôn từ 70% trở lên. Đặc biệt ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới thì tỷ lệ này đạt tối thiểu là 85% và có nhiều xã đạt từ 90% trở lên.

Đến nay diện mạo nông thôn Tuyên Quang đã có nhiều đổi thay tích cực: sản xuất nông nghiệp và các ngành nghề có bước phát triển mạnh; văn hóa, xã hội, an ninh nông thôn được giữ vững; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng cao, hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu được nâng cấp, đời sống được cải thiện, nhiều nét đẹp văn hóa được phát huy, khắp các địa phương trong tỉnh xuất hiện nhiều mô hình điển hình trong xây dựng NTM ở các lĩnh vực.

Đồng chí Nguyễn Văn Hòa cũng cho biết thêm: “Xác định rõ xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đồng thời, tranh thủ nguồn vốn Trung ương và bố trí ngân sách tỉnh ưu tiên xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, góp phần hoàn thành kế hoạch xây dựng nông thôn mới của tỉnh”./.

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục