Ngành Thông tin và Truyền thông trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2022

Theo Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), xã đạt chuẩn NTM phải đáp ứng 4 điều kiện về thông tin và truyền thông thuộc tiêu chí số 8, gồm: có điểm phục vụ bưu chính; dịch vụ viễn thông, internet; đài truyền thanh và hệ thống loa đến các khu; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành.

Pano tuyên truyền xây dựng NTM được bố trí cùng với cổng chào tại xã Thái Bình, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang

Thời gian qua, ngành Thông tin và Truyền thông đã có sự chỉ đạo, điều hành trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2022 cụ thể: (1) Tổ chức chỉ đạo tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng: Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ và Hội Nhà báo tỉnh thường xuyên định hướng công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới của tỉnh trên các báo, đài, bản tin, trang thông tin điện tử và Cổng thông tin điện tử tỉnh định kỳ hàng tháng. (2) Chủ trì, phối hợp chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng toàn bộ cơ sở hạ tầng phục vụ bưu chính viễn thông (mạng lưới bưu cục,điểm phục vụ, phạm vi phủ sóng viễn thông, khả năng cung cấp dịch vụ internet...) đến các xã trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt chú trọng các xã xây dựng nông thôn mới năm  2022. (3) Ban hành Hướng dẫn thực hiện chỉ tiêu, tiêu chí về thông tin và truyền thông thuộc Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới, thôn nông thôn mới kiểu mẫu, xã nông thôn mới kiểu mẫu và xã nông thôn mới nâng cao trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. (4) Tham mưu đề xuất mức hỗ trợ từ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực ngành phụ trách làm cơ sở xây dựng Nghị quyết hỗ trợ của HĐND tỉnh; Đề xuất Kế hoạch thực hiện nội dung thành phần về thông tin và truyền thông trong CTMTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Nhờ những sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt trên, nghành Thông tin và Truyền thông đã đạt được một số kết quả nhất định trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: (1) Xã có điểm phục vụ bưu chính: Toàn tỉnh có 224 điểm cung cấp dịch vụ bưu chính, trong đó có 41 bưu cục giao dịch cấp 1, 2, 3 và 4 chi nhánh; 114 điểm bưu điện - văn hóa xã, đảm bảo 100% các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh có điểm phục vụ bưu chính công cộng; bán kính phục vụ bình quân/điểm: 3,0 km. Số dân được phục vụ bình quân/điểm: 3.540 người; 100% số xã, phường, thị trấn có điểm phục vụ đảm bảo chính xác, an toàn và kịp thời trong việc chuyển phát bưu phẩm, bưu kiện, thư báo, công văn...100% các xã có thư báo đến trong ngày. (2) Xã có dịch vụ viễn thông, internet: Sóng thông tin di động đã được phủ sóng 3G đến 100% số thôn, bản tổ nhân dân trên toàn tỉnh. Trong đó hơn 70% đã có sóng 4G. 100% các xã đạt tiêu chí về viễn thông và internet.. (3) Xã có đài truyền thanh cơ sở và ít nhất có 2/3 số thôn trong xã có hệ thống loa phát thanh: Hệ thống đài truyền thanh trên địa bàn tỉnh hầu hết được xây dựng, nâng cấp, sửa chữa thường xuyên nên đến thời điểm hiện tại phần lớn các đài truyền thanh đều có chất lượng hoạt động ổn định. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít xã có hệ thống đài truyền thanh đang bị hỏng, ảnh hưởng đến hoạt động thường xuyên. (4) Số xã có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý điều hành: 122/122 xã trên địa bàn tỉnh đã có ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành. Áp dụng thuê phần mềm quản lý văn bản điều hành công việc do viễn thông Tuyên Quang cung cấp.

Việc thực hiện tiêu chí số 8 đã tạo điều kiện để người dân nắm bắt thông tin nhanh chóng, kịp thời, nâng cao chất lượng cuộc sống và năng lực sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành hỗ trợ hoặc thay thế phương thức làm việc truyền thống giữa người dân, doanh nghiệp với UBND các cấp để rút ngắn thời gian và chi phí của việc thực hiện dịch vụ công, từ đó nâng cao chất lượng hoạt động phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tuyên Quang cho biết, tính đến tháng 11 năm 2022, 08 xã đăng ký hoàn thành đạt chuẩn xã nông thôn mới (bao gồm xã Hùng Mỹ, xã Bạch Xa, xã Minh Khương, xã Yên Phú, xã Nhữ Khê, xã Đội Bình, xã Hào Phú, xã Thượng Ấm); 05 xã đăng ký đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao (bao gồm xã Yên Nguyên, xã Kim Quan, xã Hồng Lạc, xã Ninh Lai, xã Kim Phú) và 02 xã đăng ký đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu (bao gồm xã Sơn Nam, xã Mỹ Bằng) đều đã hoàn thành tiêu chí về Thông tin và Truyền thông.

Trong thời gian tới, ngành Thông tin và Truyền thông tiếp tục đẩy mạnh, đa dạng hóa các phương thức thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đưa các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống góp phần tạo sự đồng thuận cao trong mọi tầng lớp nhân dân, quyết tâm thực hiện tốt cuộc vận động Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới. Huy động, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp viễn thông truyền thông tăng cường đầu tư, phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước ở cơ sở nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính quyền điện tử; tập trung giám sát việc thực hiện các chương trình ở cơ sở, phát huy tối đa hiệu quả cơ sở vật chất được trang bị nhằm thu hẹp khoảng cách về thông tin giữa các vùng miền trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tích cực, chủ động kiểm tra, đánh giá kết quả, duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chỉ tiêu thuộc lĩnh vực ngành quản lý, phụ trách.

Lê Thành Trung/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục