Khó khăn trong xây dựng nông thôn mới các xã thuộc khu vực III, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Đến thời điểm này, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã đạt được nhiều kết quả quan trọng với 54/122 xã đạt chuẩn NTM, 1/7 huyện đạt chuẩn NTM, 08 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 01 xã đạt NTM kiểu mẫu. Tuy nhiên, tại các xã vùng sâu, vùng xa, quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM vẫn chưa đạt được tiến độ, mặc dù các địa phương đã có rất nhiều nỗ lực.

Nhân dân xã Minh Khương tham gia lắp cấu kiện kênh mương đúc sẵn

Tỉnh Tuyên Quang có 50 xã thuộc các xã vùng III, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là địa bàn đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, có vai trò quan trọng đối với môi trường sinh thái của tỉnh. Tuy nhiên, đây là khu vực tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm, thiếu bền vững; sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún; đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn cao; lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa còn nhiều hạn chế; kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập. Đến hết 2021 Tuyên Quang mới có 04 xã thuộc vùng III được công nhận hoàn thành đạt chuẩn NTM. Năm 2022 phấn đấu có thêm 03 xã hoàn thành đạt chuẩn, nâng tổng số xã thuộc vùng III hoàn thành đạt chuẩn lên 7 xã. Mục tiêu giai đoạn 2021-2025 phấn đấu có 20/50 xã thuộc vùng III hoàn thành đạt chuẩn NTM. 

Bộ mặt nông thôn miền núi, nhiều thôn, bản vùng cao đã từng bước thay da đổi thịt. Những trụ sở làm việc, nhà văn hóa, trường học được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Điều thực sự phấn khởi hơn là đời sống của bà con dân bản đã khấm khá, đổi thay rất nhanh. Nhiều mô hình phát triển kinh tế vườn rừng, vườn đồi, chăn nuôi đại gia súc, trồng cây dược liệu… xuất hiện cho thu nhập khá và ổn định. Nhiều xã đã quyết tâm, nỗ lực cao trong việc phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới, tạo động lực rất lớn để triển khai chương trình. Vai trò của các tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền được phát huy, dân chủ được nâng lên về chất. Ở những nơi xây dựng NTM thành công, niềm tin của người dân vào các chủ trương, chính sách, sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự điều hành của chính quyền được nâng cao.

Tuy nhiên, nhìn chung bức tranh NTM nhất là các xã vùng III vẫn còn nhiều khó khăn, phát triển kinh tế thiếu bền vững, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; nên việc huy động nguồn lực kinh tế trong dân là rất khó.

Quá trình triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, Xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hoá gặp rất nhiều khó khăn do xuất phát điểm thấp như cơ sở hạ tầng thiếu thốn; đời sống của người dân còn nhiều khó khăn; đồng bào dân tộc thiểu số còn giữ một số tập quán, phong tục lạc hậu, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất. Với sự cố gắng, nỗ lực của chính quyền và người dân, cuối năm 2022 đã đạt 15/19 tiêu chí nông thôn mới, còn 04 tiêu chí chưa đạt cần hoàn thành: (Giao thông; Trường học; Cơ sở vật chất văn hóa; Y tế). Những kết quả đạt được phần nào đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn xã. Đời sống Nhân dân được cải thiện đáng kể, phương thức sản xuất có nhiều thay đổi tích cực, ý thức của người dân về xây dựng NTM được định hình rõ rệt hơn. Tuy nhiên, để về đích trong xây dựng NTM, chặng đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn mà xã Hùng Mỹ cần vượt qua.

Chủ tịch UBND xã Hùng Mỹ, Ma Đình Sắc cho hay: “Việc thực hiện các tiêu chí còn lại sẽ gặp khó do nguồn lực theo yêu cầu cần để xây dựng NTM quá lớn, trong lúc điều kiện của Hùng Mỹ còn khó khăn, nguồn thu ngân sách trên địa bàn thấp, cuộc sống người dân còn nghèo nên huy động nội lực hạn chế. Bên cạnh đó, nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và các chương trình khác phân bổ chưa đủ để thực hiện các các tiêu chí theo lộ trình đề ra. Về phía địa phương, các hội, đoàn thể và các thôn mặc dù đã chủ động trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM, tuy nhiên hiệu quả của phong trào chưa cao. Một số tiêu chí xây dựng NTM như nhà ở dân cư, thu nhập bình quân đầu người, hộ nghèo đa chiều…vượt quá khả năng thực hiện của địa phương”.

Trong những năm qua, xã Minh Khương, huyện Hàm Yên đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện chương trình xây dựng NTM. Với sự hỗ trợ của nhà nước, các chương trình, dự án, trường học, đường giao thông đã được xây dựng, người dân được hướng dẫn, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế, từ đó đời sống của người dân phần nào được cải thiện hơn so với trước đây. Người dân sẵn sàng hiến ngày công, hiến đất để xây dựng các công trình phúc lợi, nhà văn hóa nhằm phục vụ tốt cho nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng.

Xác định tiêu chí Thu nhập và Nghèo đa chiều là 2 tiêu chí khó đạt được và khó duy trì nhất, xã Minh Khương tích cực chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, tăng cường thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng. Nhờ chú trọng phát triển sản xuất, Minh Khương đã hình thành được một số mô hình trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao như cây cam sành, cam Vinh, cam V2, táo và chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.Từ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế giỏi do đảng viên làm chủ. Hiện xã Minh Khương có khoảng 458 ha cam, trong đó trên 200 ha cam sành, trên 100 ha cam V2, cam Vinh đang cho thu hoạch. Đây là nguồn thu nhập chính của người dân trong xã, vì thế việc tiêu thụ cam được UBND xã đặc biệt quan tâm. Xã đã xây dựng kế hoạch chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ cam, không để cam tồn đọng. Đồng thời tuyên truyền, vận động người dân chăm sóc cam đúng quy trình kỹ thuật, chuyển đổi sang chăm sóc theo hướng hữu cơ, và VietGAP để đảm bảo thương hiệu và chất lượng cam đã được xây dựng những năm qua... Hợp tác xã nông sản sạch Minh Khương được ra đời năm 2020 với 7 thành viên và trên 60 ha cam. Thành viên hợp tác xã là những hộ có diện tích cam nhiều, trồng nhiều năm nên có kinh nghiệm trong chăm sóc, thu hái, bảo quản. Đến nay Hợp tác xã nông sản sạch Minh Khương đã hoàn thành việc dán tem truy xuất nguồn gốc cho cam. Có truy xuất nguồn gốc, cam của xã viên hợp tác xã đã vào được siêu thị, lên được các sàn thương mại điện tử cung ứng cam đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Đến nay Minh Khương đã hoàn thành 15/19 tiêu chí, còn 04 tiêu chí cần hoàn thành gồm: (Trường học; Cơ sở vật chất văn hóa; Y tế; Môi trường và An toàn thực phẩm).

Xã Yên Phú, huyện Hàm Yên cũng là một trong 3 xã đăng ký hoàn thành xây dựng NTM năm 2022. Xác định nhiệm vụ đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là trọng tâm. Cấp uỷ, chính quyền xã đã khuyến khích người dân mạnh dạn triển khai nhiều mô hình kinh doanh, sản xuất như: Mô hình trồng dưa công nghệ cao trong nhà lưới, mô hình giếng nước sạch cho đồng bào dân tộc Mông, mô hình trải nghiệm vườn cam, chăn nuôi lợn, dê…Tăng cường phát triển kinh tế hộ, tập trung phát triển các sản phẩm nông sản đặc hữu gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. Bên cạnh cây hồng, cây cam thì giờ đây trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của xã có thêm cây táo, một loại cây ăn quả đặc sản đã và đang được nhiều nông dân lựa chọn. Thực tế cho thấy, nông dân trồng táo ở Yên Phú đã có được nguồn thu nhập vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng mỗi năm. Đến nay cây táo đã trở thành cây trồng chủ lực của người dân trên địa bàn xã Yên Phú nói riêng, đặc biệt những năm qua, người dân ở đây đã chăm sóc táo theo tiêu chuẩn VietGap mang lại hiệu quả kinh tế cao nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng nhờ vào việc trồng táo. Ngoài cây táo thì thanh long ruột đỏ cũng trở thành cây giảm nghèo cho người dân. Được trồng tập trung, chất lượng ngon, mẫu mã đẹp nên Yên Phú được coi là “thủ phủ” thanh long ruột đỏ của Tuyên Quang. Dân Yên Phú lại trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm an toàn nên khách hàng ở khắp nơi đổ về mua. Không chỉ chuyển đổi cơ cấu cây trồng chính quyền xã Yên Phú còn khuyến khích, hỗ trợ thành lập các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp theo chuỗi giá trị, gắn với phát triển một số sản phẩm chủ lực ở địa phương. Tiêu biểu như HTX Táo Động Tiên Yên được thành lập gồm 19 thành viên tham gia, sản xuất, kinh doanh chủ yếu là chế biến và tiêu thụ sản phẩm Táo và kinh doanh một số mặt hàng nông sản, vật tư nông nghiệp. Đến nay Yên Phú đã hoàn thành 16/19 tiêu chí, còn 03 tiêu chí cần hoàn thành gồm (Cơ sở vật chất văn hóa; Y tế; Môi trường và An toàn thực phẩm).

Theo ông Lê Hải Nam Phó Chánh văn phòng xây dựng nông thôn mới tỉnh: “Mục tiêu của Chương trình xây dựng NTM vùng đặc biệt khó khăn đến năm 2025 của Tuyên Quang là: Các xã cơ bản hoàn thành các tiêu chí hạ tầng thiết yếu theo quy định như: Cơ sở hạ tầng, giao thông, điện, môi trường, nước sạch, y tế đạt chuẩn... Phấn đấu có ít nhất 20/50 xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn NTM; không còn xã dưới 15 tiêu chí. Để đạt mục tiêu này thì các sở, ngành và các địa phương cần quan tâm đến việc triển khai xây dựng NTM tại các xã đặc biệt khó khăn với những cách làm sáng tạo, linh hoạt, phù hợp; đầu tư có trọng điểm để các xã đặc biệt khó khăn có cơ hội vươn lên cán đích NTM. Bên cạnh đó, cần bổ sung chính sách hỗ trợ đặc thù; ưu tiên nguồn lực phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Hơn tất cả, tư duy mới, cách làm mới trong xây dựng nông thôn mới của cả hệ thống chính quyền tỉnh Tuyên Quang đã và đang tạo nên những bước chuyển cho nông thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đây cũng là động lực để đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tích cực chung tay xây dựng nông thôn ngày một mới hơn, tiến bộ hơn”./.

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục