Khó khăn thực hiện tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới

Giao thông nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Vì thế, những năm qua, Tuyên Quang luôn chú trọng ưu tiên các nguồn lực để đầu tư cho hạ tầng giao thông nông thôn nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Một tuyến giao thông xã Phúc Thịnh, huyện Chiêm Hoá

Xác định phát triển hạ tầng giao thông là yếu tố quan trọng để thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển và góp phần hoàn thành tiêu chí giao thông về xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang đã ưu tiên, lồng ghép các chương trình mục tiêu, các nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, nhất là đối với những tuyến đường giao thông nông thôn ở các huyện, xã vùng sâu, vùng xa trong tỉnh.

Song song với đó, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hiến đất, mở đường và tích cực hưởng ứng phong trào thi đua, ra quân làm đường giao thông nông thôn. Đã có hàng nghìn mét vuông đất, cây cối, hoa màu được người dân hiến và có hàng trăm nghìn ngày công lao động người dân tham gia để xây dựng, sửa chữa các tuyến đường giao thông nông thôn.

Xác định mạng lưới giao thông có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, do đó, việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông được ưu tiên hàng đầu. Năm 2023, tỉnh đã ban hành Quyết định số 38/QĐ-UBND ngày 07/02/2023 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án Bê tông hoá đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn năm 2023 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, theo đó thực hiện hỗ trợ đầu tư xây dựng bê tông hoá 228,78 km. Trong đó đường thôn: 126 km (Huyện Chiêm Hoá 12 km, huyện Hàm Yên 33 km, huyện Yên Sơn 48 km, huyện Sơn Dương 33 km); đường nội đồng 102,78 km (Huyện Na Hang 9,65 km, huyện Lâm Bình 12,13 km, huyện Chiêm Hoá 21 km, huyện Hàm Yên 11 km, huyện Yên Sơn 31 km, huyện Sơn Dương 18 km). Cũng theo Quyết định năm 2023 sẽ xây dựng 39 cầu trên đường giao thông nông thôn (huyện Na Hang 05 cầu, huyện Lâm bình, 05 cầu, huyện Chiêm Hoá 06 cầu, huyện Hàm Yên 06 cầu, huyện Yên Sơn 11 cầu, huyện Sơn Dương 06 cầu). Tổng kế hoạch vốn để làm đường và xây cầu là: 96.700 triệu đồng.

Đến nay, 100% số xã trên địa bàn tỉnh đã có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa, cơ bản đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông Vận tải. Toàn tỉnh đã có 70/122 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện tiêu chí giao thông ở các xã trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo đánh giá chung của ngành Giao thông Vận tải, trong 4 chỉ tiêu về giao thông trong xây dựng nông thôn mới thì mới có một chỉ tiêu đạt. Đó là tiêu chí về đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm.

Việc quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông đã đảm bảo giao thông được thông suốt và an toàn phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn như công tác tuyên truyền, vận động để mọi người dân đều biết được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và lợi ích của việc phát triển giao thông nông thôn chưa được sâu, rộng và thường xuyên, dẫn đến vẫn còn một bộ phận cộng đồng dân cư, người dân chưa nhiệt tình tham gia trực tiếp xây dựng công trình. Việc huy động nguồn vốn đầu tư cũng còn hạn chế, chủ yếu các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, chưa huy động được nhiều nguồn lực khác trong xã hội để đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn. Mặt khác theo đánh giá của các địa phương, các xã có suất đầu tư cao, trong khi đó ngân sách Nhà nước phân bổ trực tiếp còn hạn chế. Bên cạnh đó, đời sống người dân còn khó khăn nên việc huy động sức dân để xây dựng đường nội đồng, đường thôn, xóm ở những địa phương vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Ngoài ra, các tuyến đường giao thông nông thôn chủ yếu được nâng cấp trên tuyến đã có sẵn, nên các tiêu chuẩn kỹ thuật phần lớn chưa đạt về bề rộng nền và mặt đường, không có lề đường, rãnh thoát nước dọc, không có hệ thống cọc tiêu, biển báo. Đặc biệt, hàng năm, ảnh hưởng của thiên tai nên hệ thống giao thông nông thôn, đường giao thông nội đồng cũng bị hư hỏng nhiều.

Để hệ thống giao thông nông thôn ngày càng được hoàn thiện và đồng bộ, trong năm nay và cả những năm tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc xây dựng nông thôn mới, động viên Nhân dân tích cực tham gia xây dựng giao thông nông thôn; rà soát lập quy hoạch chung các xã giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2030 để làm cơ sở đầu tư xây dựng phát triển hệ thống giao thông nông thôn; huy động tối đa mọi nguồn lực, lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn từ nhiều thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức khác nhau, ưu tiên bố trí kế hoạch hoặc vốn để đầu tư phát triển giao thông nông thôn; tăng cường công tác bảo trì sau đầu tư; phát huy vai trò giám sát cộng đồng đối với các công trình thực hiện theo cơ chế “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”

Đến nay nhiều tuyến đường, cây cầu, liên kết vùng trong và ngoài tỉnh được nâng cấp, xây mới. Qua đó, tạo “đòn bẩy” đưa nền kinh tế của tỉnh Tuyên Quang phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế - xã hội, giao thương vận tải hàng hóa, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế du lịch tiến tới hoàn thiện hệ thống giao thông đồng bộ theo quy hoạch mạng lưới giao thông tỉnh Tuyên Quang đến năm 2030. Đồng thời tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh cả trước mắt và lâu dài... Qua đó, góp phần hoàn thành kế hoạch xây dựng nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang năm 2023 và các năm tiếp theo./.

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục